Masan làm gì với Vinacafé?

Masan vẫn tiếp tục mua vào cổ phiếu Vinacafe Biên Hòa, cho thấy quyết tâm giành quyền chi phối và toan tính cho những bước đi xa hơn.

Ngày 9.11.2012, báo cáo của Công ty Cổ phần Vinacafe Biên Hòa (VCF) cho biết Công ty Cổ phần Hàng Tiêu dùng Masan đã mua thêm thành công 35.261 cổ phiếu VCF. Như vậy, Masan, vốn đã nắm trong tay 50,11% cổ phần Vinacafe Biên Hòa, vẫn tiếp tục mua cổ phiếu VCF. Gã khổng lồ này tỏ rõ quyết tâm trong việc giành quyền chi phối hoạt động của Vinacafe. Bởi vì Vinacafe không chỉ là nền tảng cho việc xâm nhập thị trường cà phê Việt Nam, mà còn đóng vai trò hỗ trợ Masan trong việc niêm yết trên thị trường quốc tế.

Chiến lược tăng trưởng qua thâu tóm

Năm 2011, Masan là một trong những doanh nghiệp có nhiều tiền mặt trong tay (gần 5.000 tỉ đồng). Tháng 4.2011, quỹ đầu tư KKR của Mỹ, vốn nổi tiếng với việc nhắm đến các dự án tiềm năng tăng trưởng lớn, đã bỏ ra 159 triệu USD để mua 10% cổ phần của Masan. Quỹ này được biết đến với các chiến lược đầu tư vào tài sản có mức tăng trưởng cao của thị trường mới nổi. Ngay sau khi được KKR đầu tư, Masan cho biết mình có ngân sách 500 triệu đô dành riêng cho chiến lược tăng trưởng thông qua thâu tóm. Có thể thấy Masan đang rất quan tâm đến bài toán tăng trưởng. Nếu đi thâu tóm, thì đây là thời điểm thích hợp vì thị trường đi xuống khiến nhiều công ty bị định giá thấp.

Việc tăng trưởng thông qua thâu tóm sẽ giúp Masan tiết kiệm thời gian và chi phí phát triển một sản phẩm mới và có thể tận dụng thương hiệu và mạng lưới phân phối sẵn có của doanh nghiệp bị thâu tóm. Hiện nay, sản phẩm chủ lực của Masan là nước tương và mì gói. Đối với nước tương, Masan đã chiếm đến 80% thị phần, còn mì gói chiếm vị trí thứ hai. Hai đối thủ hàng đầu là Thực phẩm Á Châu và Acecook luôn kèm sát bên cạnh Masan khiến cho dư địa tăng trưởng của Masan trong ngành mì gói và nước tương không còn nhiều. Chính vì vậy Masan phải tìm hướng tăng trưởng ở ngành hàng khác. Khi mua lại một doanh nghiệp nào đấy, có 3 điều Masan phải cân nhắc đó là doanh nghiệp có tiềm năng, bản thân Masan và doanh nghiệp đó có những giá trị bổ sung chứ không đối nghịch. Và cuối cùng, doanh nghiệp đó có thể mua được.

Masan làm gì với Vinacafé?

Vinacafe hội tụ đủ 3 yếu tố trên. Về tiềm năng, Vinacafe là nhãn hiệu cà phê hòa tan dẫn đầu tại Việt Nam với hơn 50% thị phần. Vinacafe cũng là sản phẩm tiêu dùng đại chúng, phù hợp với cơ cấu ngành hàng của Masan. Cùng với đó là Masan và Vinacafe có thể tận dụng hệ thống phân phối hiện có của nhau (Masan có 455.000 điểm bán lẻ trải khắp các vùng miền Việt Nam).

Vinacafe cũng là đối tượng có thể thâu tóm được. Thực ra, việc mua phần lớn cổ phần của Vinacafe không hề đơn giản. Cách đây khoảng 2 năm Masan đã đề nghị mua lại Vinacafe nhưng không thành công. Nhưng sau đó, nhờ Công ty Chứng khoán Bản Việt mua gom từ từ rồi bán lại cho Masan, cộng với cơ cấu cổ đông của Vinacafe khá tập trung khiến việc thương lượng dễ dàng hơn, cuối cùng Masan đã có thể nắm hơn 50% cổ phần của Vinacafe Biên Hòa. Với việc nắm quyền chi phối tại Vinacafe, Masan rõ ràng muốn thiết lập một bước khởi đầu thâm nhập thị trường cà phê Việt Nam, thị trường mà Starbuck, thương hiệu cà phê số một thế giới, đang muốn tham gia vào năm 2013.

Bước đi đầy toan tính

Đầu tư sang lĩnh vực đồ uống không những chỉ giúp Masan tăng trưởng, mà còn góp phần biến Masan thành một tập đoàn kinh tế đa ngành. Xu hướng đầu tư đa ngành hiện nay rất phổ biến đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Ví dụ như Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) ngoài mảng đầu tư bất động sản còn có mảng khai khoáng, thủy điện, cao su. Hay Vingroup ngoài mảng bất động sản có mảng kinh doanh chăm sóc sức khỏe, du lịch. HAGL và Vingroup đều có những thành công bước đầu trong việc tham gia thị trường vốn nước ngoài. HAGL thì có chứng chỉ lưu ký toàn cầu giao dịch tại sàn chứng khoán London, còn Vingroup được sàn giao dịch chứng khoán Singapore chấp nhận quy tắc niêm yết. Nếu Masan cũng đi theo hướng đó, muốn huy động vốn trên thị trường quốc tế, thì việc sở hữu Vinacafe tạo thuận lợi cho Masan.

Bởi vì trong khi ngành tài chính có nhiều bất ổn Masan khó thuyết phục được nhà đầu tư nước ngoài về triển vọng của Ngân Hàng Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank), mảng đầu tư tài chính của mình. Cùng với đó, vừa qua có thông tin Thủ tướng Chính phủ yêu cầu quản lý chặt chẽ hoạt động khai khoáng thì dự án mỏ đa kim Núi Pháo ít nhiều sẽ bị ảnh hưởng. Dự án khai khoáng này của Masan vẫn chưa có lãi trước năm 2013. Quân át chủ bài duy nhất bây giờ để chinh phục lòng tin của nhà đầu tư là mảng kinh doanh thực phẩm và đồ uống, khá ổn định dù kinh tế có đi xuống.Việc đầu tư vào Vinacafe cũng hứa hẹn mang lại dòng tiền ổn định và thương hiệu quốc gia Vinacafe sẽ càng làm tăng thêm tính hấp dẫn của cổ phiếu Masan.

Ngày 20.10.2011 Vinacafe Biên Hòa ra báo cáo về việc thay đổi cổ đông lớn, đánh dấu thời điểm Masan hoàn tất việc mua 50,11% cổ phần của Vinacafe Biên Hòa. 1 tuần sau đó, Bloomberg đưa tin Masan Group đang cân nhắc việc niêm yết cổ phiếu trên thị trường nước ngoài. Điều này cho thấy bước đi đầy toan tính của Masan: Vinacafe trước, niêm yết quốc tế sau.

Nguồn Nhịp cầu Đầu tư