Nhiều hãng thời trang thế giới ế ẩm vì thừa... sex?

Hiện nay, nhiều người sẵn sàng chi đậm cho một chiếc iPhone hay dịch vụ truyền hình internet Netflix, nhưng ngày càng ít muốn trả tiền cho áo thun hay quần jeans.

Nhiều thương hiệu thời trang bán lẻ nổi tiếng một thời như Gap, Abercrombie & Fitch, Aeropostale… đang phải vật lộn thay đổi chiến lược tiếp thị, cắt giảm cửa hàng hay sa thải nhân viên để duy trì kết quả kinh doanh.

Nhiều thương hiệu “hết mốt”

Theo Business Insider Reuters hôm 16.6 vừa qua, Gap - hãng thời trang từng một thời khuynh đảo ngành bán lẻ thế giới, vừa thông báo sẽ đóng khoảng 1/4 cửa hàng và sa thải 250 nhân viên sau báo cáo kết quả doanh thu suy giảm đáng thất vọng. Hiện có 1.600 cửa hàng toàn cầu nhưng trong vài năm tới, hãng cũng giảm mạnh số cửa hàng hoạt động tại châu Âu.

Thông tin mới về hãng bán lẻ thời trang lớn nhất nước Mỹ Gap khẳng định lần nữa xu hướng thoái trào ngày càng lan rộng trong ngành. Người tiêu dùng ngày càng khó tính. Họ muốn các loại quần áo mang logo hoặc câu chữ cổ điển được giảm giá mạnh.

Hãng Gap đã công bố kế hoạch sa thải nhân viên, đóng bớt cửa hàng. Ảnh: Reuters.

“Khách hàng đang thay đổi cách mua sắm quần áo nhanh chóng, và sự đổi thay của họ sẽ giúp các thương hiệu như Gap tập trung hơn vào việc phát triển các sản phẩm xứng đáng lọt vào mắt họ”, CEO Gap Art Peck nói.

Hãng tin CNNBloomberg cho hay ngoài Gap, những cái tên đang “điêu đứng” trong ngành thời trang bán lẻ bao gồm: American Apparel, Abercrombie & Fitch, American Eagle Outfitters, Aeropostale và Wet Seal.

Đơn cử, chỉ trong tháng 12.2014, thương hiệu Aeropostale tuyên bố sẽ loại bỏ 75 cửa hàng hoạt động không hiệu quả và lên kế hoạch đóng cửa thêm từ 50 - 75 chi nhánh khác trong năm 2015. American Apparel thậm chí phải hoãn thanh toán cho các nhà cung ứng của hãng vào cuối năm qua, theo tờ The New York Post.

Sự ế ẩm và đóng cửa của các hãng thời trang từng là “mốt” suốt một thời gian dài gây nên “hiệu ứng domino” lên các chuỗi cửa hàng bán lẻ thời trang hay trung tâm mua sắm lớn.

Nhiều chuỗi trung tâm mua sắm như Sears, Macy's hay JCPenney đóng cửa hàng trăm cửa hàng trong vài năm gần đây. Theo tờ The New York Times, hàng chục trung tâm mua sắm đóng cửa trong vòng 4 năm qua và thêm 60 trung tâm mua sắm nữa đang đứng trước nguy cơ tương tự.

Sự ế ẩm và đóng cửa của các hãng thời trang suốt một thời gian dài gây nên “hiệu ứng domino”. Ảnh: Reuters.

Ế ẩm vì quá thừa… sex?

Có nhiều lý do lý giải việc các hãng thời trang từng một thời nổi tiếng hiện làm ăn sa sút. Một trong số đó là chiến dịch tiếp thị phản cảm khi đánh mạnh vào yếu tố ngoại hình và tình dục.

Khi CEO Mike Jeffries bắt đầu điều hành Abercrombie & Fitch, ông lấy chủ đề “thợ săn” cho các cửa hàng và bỏ qua mọi thứ khác. Chi nhánh Abercrombie trên khắp thế giới ngập trong âm nhạc chói tai, hương nước hoa và đồ nội thất mang dáng dấp nhiệt đới.

Khách hàng đến cửa hàng luôn được đón tiếp bởi nhiều nhân viên có thân hình chuẩn, hấp dẫn về mặt thể chất. Những nhân viên cởi trần được biết đến với tên gọi nhân viên cứu hộ ở Hollister xuất hiện trong khắp các chiến dịch quảng cáo, trên thẻ quà tặng, poster cửa hàng và hình ảnh in trên túi mua sắm.

Song trong vài năm qua, đặc biệt là sau bình luận của Jeffries rằng ông chỉ muốn những người “tuyệt vời, có ngoại hình đẹp” mặc sản phẩm của công ty, doanh thu và hình ảnh thương hiệu Abercrombie tuột dốc không phanh.

Điều này khiến cuối tháng 4, Abercrombie phải công bố sẽ thay đổi “chính sách ngoại hình” đã làm ảnh hưởng đến hình ảnh thương hiệu, giảm doanh số và gây tranh cãi trong thời gian dài.

Dàn người mẫu không mặc áo sẽ biến mất khỏi các cửa hàng Abercrombie & Fitch từ tháng 7 năm nay. Ảnh: AFP.

Từ tháng 7 tới đây, mỗi khi Abercrombie mở chi nhánh mới, họ sẽ tổ chức ăn mừng với dàn người mẫu có… mặc quần áo đầy đủ. Cửa hàng và ngoại hình nhân viên cũng sẽ thay đổi đáng kể để trở nên “bao quát và đa dạng hơn” với mọi đối tượng khách hàng, theo CNN.

Ngoài Abercrombie & Fitch, hãng American Apparel gần đây cũng thay đổi chính sách tiếp thị bị chỉ trích trong nhiều năm liền vì sử dụng hình ảnh được cho là phỉ báng phụ nữ trẻ.

Hôm 10.6, Bloomberg đưa tin công ty này vừa trình kế hoạch mới dài 39 trang cho các nhà đầu tư.

American Apparel thừa nhận rằng các loại quảng cáo mang hơi hướng tình dục đã đi quá xa với việc sử dụng “hình ảnh khỏa thân và câu chữ ám chỉ tình dục một cách trắng trợn”. Trên thực tế, nhiều quảng cáo của hãng này bị cấm ở nước Anh vì được cho là “bóc lột” phụ nữ trẻ. Không ít mẫu quảng cáo chọn người mẫu là các ngôi sao khiêu dâm.

Paula Schneider, CEO American Apparel cho hay sắp tới, hãng sẽ hướng đến hình ảnh “tích cực”, “bao quát” và “mang ý thức xã hội”. “American Apparel không cần công khai quá yếu tố tình dục. Vẫn có một cách khác để kể câu chuyện về thương hiệu chúng tôi mà không gây phản cảm. American Apparel là một thương hiệu với hình ảnh sắc sảo và sẽ luôn như thế”, bà nói.

Thu Thảo
Nguồn Thanh Niên