Nhà phân phối – bán lẻ ngoại đang lách luật

Sau 5 năm gia nhập tổ chức thương mại Thế giới (WTO), các loại hình bán lẻ hiện đại như các siêu thị, trung tâm mua sắm, cửa hàng tiện lợi… bắt đầu phát triển, và đang có xu hướng tăng trưởng thay thế mô hình chợ truyền thống. Điều này có thể thấy rõ ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Cạnh tranh thiếu lành mạnh

Sau 5 năm gia nhập tổ chức thương mại Thế giới (WTO), các loại hình bán lẻ hiện đại như các siêu thị, trung tâm mua sắm, cửa hàng tiện lợi… bắt đầu phát triển, và đang có xu hướng tăng trưởng thay thế mô hình chợ truyền thống. Điều này có thể thấy rõ ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, sự xuất hiện của các ông lớn từ nước ngoài khiến các DN nội khó phát triển. Nhiều DN phân phối – bán lẻ (PP-BL) có vốn đầu tư nước ngoài còn sử dụng những chiêu cạnh tranh không lành mạnh nhằm triệt hạ đối thủ.

Theo kết quả của Công ty nghiên cứu Quang Minh, kể từ khi Việt Nam gia nhập WTO và thực hiện các cam kết mở rộng thị trường đã tạo cơ hội cho các đối thủ cạnh tranh là các nhà PP-BL nước ngoài ồ ạt mở rộng phạm vi hoạt động khiến các doanh nghiệp trong nước trở tay không kịp.

Các doanh nghiệp nước ngoài, với ưu thế lớn về vốn đã đưa ra nhiều chiêu thức cạnh tranh như bán 1 hoặc 1 số mặt hàng dưới giá thành để thu hút sự chú ý của khách hàng (chiếm 62,5%), lôi kéo và tuyển dụng nhân lực chủ chốt của đối thủ (chiếm 37,5%), bắt tay với nhà sản xuất/phân phối để chèn ép đối thủ (chiếm 25%), khuyến mãi nhằm cạnh tranh không lành mạnh (chiếm 25%)…

Các DN có vốn đầu tư nước ngoài áp dụng những chiêu cạnh tranh không lành mạnh để triệt hạ các đối thủ nội. Nguồn: Quang Minh Research & Consulting

Việc các ông lớn nước ngoài nhảy vào thị trường phân phối – bán lẻ của Việt Nam đang khiến các doanh nghiệp trong nước lao đao, bởi các doanh nghiệp PP-BL trong nước còn ở dạng sơ khai. Các DN bán lẻ truyền thống còn nhận thức đơn giản về cạnh tranh, chủ yếu là cạnh tranh lẫn nhau, còn các doanh nghiệp bán lẻ hiện đại hệ thống phân phối chưa phát triển mạnh mẽ, số cửa hàng tiện lợi cả nước mới chỉ dừng ở con số 400 – 500.

Lách luật

Không chỉ cạnh tranh không lành mạnh, nhiều DN có vốn đầu tư nước ngoài khi vào Việt Nam còn có những chiêu lách luật, gian lận thương mại để chiếm lĩnh thị trường. Cụ thể có thể nói tới trường hợp của Metro.

Vào Việt Nam từ năm 2003, Metro hiện có 17 cơ sở trên cả nước, đặt tại nhiều thành phố lớn như Hà Nội, Tp Hồ Chí Minh, Vinh, Đà Nẵng, Buôn Mê Thuật,…

Tuy nhiên, TS Đinh Thị Mỹ Loan, chủ tịch hiệp hội các nhà bán lẻ tại Việt Nam cho biết, Metro vào Việt nam với tư cách là một nhà bán buôn nhưng lại có hoạt động bán lẻ, và cạnh tranh trực tiếp với các nhà bán lẻ trong nước. Hiện hiệp hội đang có nhiều bằng chứng về việc này như Metro cho phép người mua hàng vào không cần thẻ, người mua có thể thu mua những đơn vị hàng nhỏ lẻ, những đơn vị bán lẻ này khi thanh toán thì hóa đơn lại ghi tên người khác, là những người có thẻ ra vào,...

“Những hành vi đó có thể coi là gian lận thương mại. Với tên gọi Metro Cash & Carry, các cơ sở của Metro là nơi để các cửa hàng bán lẻ khác đến nhập hàng chứ không phải bán trực tiếp tới tay người tiêu dùng. Các trang thiết bị, kệ hàng của họ cũng giành cho người mua chuyên nghiệp, mua số lượng lớn,, vì thế rất thiếu an toàn cho người già, trẻ nhỏ. Tuy nhiên ở Việt Nam, bất cứ ai đều có thể vào mua hàng ở Metro”, bà Loan cho biết.

Một vấn đề đáng bàn nữa là vị trí. Là một doanh nghiệp bán sỉ, nhưng nhiều cơ sở của Metro lại được đặt ở vị trí không hợp lý, gây hại cho các nhà bán lẻ trong nước.

Một chuyên gia về ngành bán lẻ ở Việt Nam cho biết, tại các quốc gia khác, chẳng hạn như Trung Quốc, Metro muốn mở một cơ sở phải đặt cách trung tâm thành phố khoảng 30 – 50km. Tuy nhiên, tại nhiều thành phố ở Việt Nam như Vinh, Đà Nẵng, Buôn Mê Thuật, các cơ sở của Metro lại được đặt rất gần trung tâm, gây ảnh hưởng đến việc kinh doanh của các cửa hàng bán lẻ khác.

“Chẳng hạn vào năm 2005, khi Metro mở cơ sở ở quận Hải Châu – Đà Nẵng, bà con tiểu thương trong vòng 6 tháng đã gần như phải ngưng hoạt động do không thể cạnh tranh được với hàng hóa của Metro”, vị chuyên gia này cho biết.

Metro hiện còn đang vướng vào những thông tin về việc liên tục báo lỗ nhằm trốn thuế.

Các chuyên gia nghiên cứu thị trường cho rằng, với sự phát triển chậm chạp của ngành PP-BL của Việt Nam hiện nay thì nguy cơ thị phần có thể rơi vào tay các doanh nghiệp nước ngoài là rất cao. Để đảm bảo quyền lợi của các DN nội, Bộ Công Thương cần có cơ chế giám sát ngăn chăn hành vi cạnh tranh không lành mạnh như chuyển giá, bán hàng dưới giá thành, quảng cáo sai sự thật,…để bảo hộ doanh nghiệp PP-BL trong nước phù hợp với cam kết WTO.

Nguồn Chiến lược Marketing