Thị trường đèn LED: Doanh nghiệp nội tìm cách bứt phá

Việt Nam hiện có hơn 150 doanh nghiệp (DN) sản xuất, nhập khẩu đèn LED và con số này sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Tuy nhiên, vẫn rất ít DN đầu tư nghiêm túc.

Tiết kiệm năng lượng, không làm tổn hại đến môi trường, có tuổi thọ cao... là lý do khiến thị trường đèn LED phát triển mạnh những năm gần đây. Đơn cử, sản phẩm đèn LED của Công ty Bóng đèn Phích nước Rạng Đông luôn tăng ở mức "năm sau gấp đôi năm trước". Công ty CP Bóng đèn Điện Quang cũng cho biết, sản lượng LED tiêu thụ năm 2016 dự kiến gấp 4 lần so với năm 2015.

Theo ông Hồ Quỳnh Hưng - Chủ tịch kiêm TGĐ Công ty CP Bóng đèn Điện Quang, thị trường đèn LED hiện đang rất cạnh tranh nhưng rất ít DN đầu tư nghiêm túc. Đó là vì đèn LED không bị rào cản về thuế (trong khi đèn compact và huỳnh quang bị đánh thuế thành phẩm 25%), chưa có hàng rào kỹ thuật về quy chuẩn nên ai cũng có thể sản xuất.

Ông Nguyễn Đoàn Thăng, TGĐ Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông cũng cho rằng: "Nếu trước kia, DN sản xuất và cung cấp sản phẩm chiếu sáng chỉ có 5 - 7 đơn vị thì nay chuyển sang LED có đến hàng trăm nhà sản xuất và cung cấp. Ngoài các sản phẩm nhập từ Trung Quốc, đa số các DN nhập khẩu linh kiện Trung Quốc về lắp ráp, quy mô đầu tư nhỏ. Thậm chí nhiều đại lý trước đây làm phân phối nay cũng chuyển sang sản xuất đèn LED".

Rạng Đông

Dây chuyền lắp ráp đèn LED Rạng Đông.

Điều đáng nói là các sản phẩm có nguồn gốc Trung Quốc hay nhập khẩu phụ kiện lắp ráp có giá rẻ nhưng chất lượng kém, chỉ sử dụng một thời gian ngắn là hỏng, ánh sáng mờ... Theo ông Thăng, đèn LED là sản phẩm công nghệ cao, đòi hỏi khắt khe về công nghệ, điều kiện sản xuất, vật liệu, môi trường...

"Sản xuất một chiếc đèn LED rất dễ nhưng để đạt yêu cầu về chất lượng, độ bền thì rất khó. Vì vậy, việc các DN mua linh kiện về lắp ráp mà không hiểu về công nghệ, không đủ điều kiện máy móc, con người, trình độ để kiểm tra, đánh giá đang làm cho thị trường đèn LED trở nên hỗn loạn", ông Thăng cho biết.

Trước thị trường "vàng thau lẫn lộn", khó khăn lớn nhất với các DN đầu tư bài bản là phải cạnh tranh về giá. Ông Hưng cho rằng, chỉ cần sử dụng vài linh kiện chất lượng kém thì giá thành đã kéo xuống rất thấp. Đơn cử, việc DN sử dụng nhựa an toàn, chống cháy đã khiến giá thành tăng đến 30% so với đèn Trung Quốc.

Rồi chip Trung Quốc giá rẻ hơn gấp nhiều lần so với chip Mỹ, Nhật... Đó là chưa kể để có chất lượng và độ bền cho sản phẩm, Điện Quang đã nhập máy từ châu Âu lên đến 30 tỷ đồng trong khi các DN nhập linh kiện về lắp ráp chỉ mua máy Trung Quốc với giá khoảng vài trăm triệu đồng.

Thị trường cạnh tranh nhưng chỉ những DN sản xuất bài bản, có vốn, có kinh nghiệm, sản phẩm chất lượng cao mới tồn tại.

Năm 2014, ông Alex Ngian - TGĐ ngành hàng chiếu sáng của Philips đã từng tuyên bố, trong 3 năm tới, mục tiêu phát triển của Philips sẽ tăng tốc để vươn lên vị trí dẫn đầu thị phần ở Việt Nam.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, nhiều chuyên gia trong ngành cho rằng, tham vọng của Philips không dễ thực hiện khi Rạng Đông và Điện Quang đều thực thi nhiều chiến lược đầu tư bền vững và chứng minh nhiều lợi thế.

Thị trường đèn LED: Doanh nghiệp nội tìm cách bứt phá

Nhà máy sản xuất Công ty Cổ phần bóng đèn Điện Quang.

Hiện cả Rạng Đông và Điện Quang đều có chiến lược đầu tư nghiêm túc và tham vọng vươn lên top đầu. Đơn cử, sau khi đầu tư xây dựng lò thủy tinh không chì (Quế Võ, Bắc Ninh), Rạng Đông có thể sản xuất được loại thủy tinh cao cấp, đáp ứng được yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn bảo vệ môi trường của các thị trường châu Âu, Nhật Bản. Rạng Đông cũng chủ động sản xuất 100% ống đèn CFL, nhờ vậy đã tạo được lợi thế về giá.

Mỗi năm, DN này còn đầu tư 2% doanh thu cho phát triển phần cứng và 20% lợi nhuận sau thuế cho phát triển phần mềm là khoa học công nghệ. Song song đó, Rạng Đông còn đầu tư dây chuyền sản xuất SMD của Mỹ, thiết bị kiểm soát đánh giá chất lượng của các nước G7 đảm bảo sản phẩm đạt được chất lượng tốt nhất. Đến nay, năng lực sản xuất đèn LED của Rạng Đông đạt 15 triệu sản phẩm/năm.

Tương tự, mỗi năm, Điện Quang cũng đầu tư từ 3 - 5% lợi nhuận cho phòng R&D. Theo ông Hưng, đến thời điểm này, dây chuyền sản xuất của Điện Quang đã chạy hết công suất và tháng 9 tới, Công ty sẽ đưa vào hoạt động thêm dây chuyền sản xuất nhập từ Nhật để nâng công suất lên 30 triệu sản phẩm/năm.

Mặc dù đã nỗ lực để giành lại thị trường nhưng các DN nội rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước, nhất là sự hỗ trợ về thông tin, phát triển khoa học công nghệ, quản trị để phát triển một cách bài bản.

"Để DN có thêm động lực đầu tư và tạo một sân chơi cạnh tranh bình đẳng, Nhà nước cần sớm ban hành quy chuẩn sản phẩm để ngăn chặn hàng kém chất lượng. Hơn nữa, Việt Nam đã sản xuất được đèn LED thì Nhà nước nên đánh thuế nhập khẩu đối với thành phẩm và bán thành phẩm LED để bảo hộ hàng trong nước", ông Hưng đề xuất.

Lữ Ý Nhi
Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn