Bán lẻ loay hoay vượt khó

Theo bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ DN (BSA), hiện nay DN bán được hàng cũng hết sức vất vả. Nguyên nhân do DN gặp nhiều khó khăn trong triển khai hệ thống phân phối.

Khó từ hội chợ

Hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC) ở nhiều tỉnh/thành phố lớn, hay những phiên chợ đưa hàng về nông thôn, đã trở thành một trong những kênh quen thuộc giúp DN củng cố thị trường trong nước, nhất là tại khu vực nông thôn. Mục tiêu của chương trình hàng Việt về nông thôn là hỗ trợ các nhà sản xuất từng bước xây dựng, phát triển hệ thống phân phối, kết nối nhà phân phối, nhà bán lẻ tại địa phương với DN sản xuất, hình thành một hệ thống phân phối chuyên nghiệp, bền vững cho hàng Việt tại thị trường nông thôn. Thế nhưng, trong mắt những người tiêu dùng, nhất là người trẻ tại nhiều thành phố, những chuỗi hội chợ này đang thiếu lực hút. Tại một buổi chia sẻ với các bạn trẻ về thương hiệu Việt, bà Vũ Kim Hạnh đã gặp những câu hỏi liên quan đến chuỗi những hội chợ này, như thiếu vắng những DN lớn tham gia nên hội chợ cũng giảm sức hút; hội chợ ở thành phố không được quan tâm nhiều nên buộc phải dịch chuyển về nông thôn; tại sao không tổ chức HVNCLC tại những nước phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, mà chỉ quanh quẩn ở Lào, Campuchia, phải chăng vì hàng Việt không đủ sức cạnh tranh…

Một gian hàng tại Hội chợ HVNCLC.

Nhớ lại những kỳ hội chợ đầu tiên những năm 1997, 1998, bà Vũ Kim Hạnh chia sẻ khi đó hàng Việt chưa phổ biến nên hàng ngày hội chợ đón hàng trăm ngàn lượt người, nhưng nay những con số ấy rất khó lặp lại. “Hàng Việt nay đã có mặt ở hầu hết kênh phân phối, người tiêu dùng dễ dàng mua, không phải đợi đến hội chợ. Thế nên chúng tôi cũng không buồn vì hội chợ giảm sức hút. Còn việc đưa hàng về nông thôn không phải do hội chợ ở thành phố vắng mà nông thôn chính là căn cứ địa cuối cùng của hàng Việt, vì vậy phải có mạng lưới chân rết ở khu vực này. Thời gian tới các chuyến đưa hàng Việt về nông thôn sẽ mở rộng ra khu vực phía Bắc như Quảng Ninh, Hải Phòng” - bà Hạnh nói. Về chuyện DN lớn ít tham gia hội chợ, theo bà Hạnh DN lớn vẫn tham gia nhưng đã có chút thay đổi bởi việc xác định các phân khúc thị trường, đồng thời họ cũng có kênh phân phối khá rộng. Tuy nhiên, một trong những điều khiến những hội chợ giảm sức hút chính từ những người tổ chức. Đó là việc qua 20 năm làm hội chợ, cách thức tổ chức lặp đi lặp lại, thiếu tính sáng tạo, dễ gây nhàm chán.

Đến kênh phân phối

Nếu trước đây hội chợ là kênh để người tiêu dùng biết đến sản phẩm của DN nhiều hơn, nhưng nay tại những thành phố lớn siêu thị, trung tâm thương mại là nơi DN nào cũng muốn có mặt bởi đó được xem là nơi tiếp thị hình ảnh hiệu quả. Thế nhưng sự có mặt ngày càng nhiều nhà bán lẻ ngoại khiến đường vào kênh phân phối hiện đại của DN Việt Nam trở nên gian nan hơn. Mặc dù vẻ bề ngoài nhiều chuỗi siêu thị ngoại vẫn có những động thái làm an lòng DN Việt Nam, như cam kết bán hàng Việt, hay như Central Group Thái Lan tổ chức tuần hàng Việt Nam ở Thái Lan… nhưng phía sau đó vẫn là muôn vàn những khó khăn nếu DN muốn đưa hàng vào hệ thống phân phối ngoại.

Điều đáng quan tâm hiện nay là không chỉ trong những kênh phân phối hiện đại mà ngay cả thị trường nông thôn - nơi được xem là căn cứ địa cuối cùng của hàng Việt - cũng đang bị bủa vây bởi hàng Thái Lan.

Trong buổi kết nối hàng Việt với kênh phân phối diễn ra hồi đầu tháng 8 vừa qua, bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó Tổng giám đốc CTCP Sài Gòn Food, cho biết hệ thống siêu thị có vốn nước ngoài luôn làm khó DN. Cụ thể, hệ thống siêu thị nội mức chiết khấu khoảng 10%, trong khi siêu thị có vốn nước ngoài 10-20%. Tỷ lệ này mỗi năm đều tăng, dẫn tới nghịch lý DN đưa hàng hóa vào siêu thị càng lâu mức chiết khấu càng cao. Thời gian thanh toán của siêu thị nội khoảng 30 ngày, trong khi siêu thị có vốn nước ngoài 30-45 ngày và luôn kéo dài hơn so với hợp đồng. Hoặc ở siêu thị nội không tốn phí chào hàng mới và được giải quyết nhanh gọn, nhưng ở siêu thị ngoại mức phí khá cao, phải chờ đợi lâu, thời gian có khi kéo dài tới 60 ngày. Đặc biệt, theo bà Lâm, DN rất khó khăn khi muốn thay đổi giá. Thời gian thay đổi giá siêu thị trong nước quy định 30 ngày, nhưng với DN ngoại lên đến 45 ngày, thậm chí 90 ngày, có khi kéo dài tới 120 ngày.

Điều đáng quan tâm hiện nay là không chỉ trong những kênh phân phối hiện đại mà ngay cả thị trường nông thôn - nơi được xem là căn cứ địa cuối cùng của hàng Việt - cũng đang bị bủa vây bởi hàng Thái Lan. “Tôi đã có dịp đi hội chợ hàng Thái Lan ở Cần Thơ thấy không quy mô như hội chợ hàng Việt mình. Họ cũng bán những mặt hàng bình thường nhưng người Việt vẫn chen chúc nhau mua. Điều này đủ thấy sức mạnh nội lực của hàng Thái” - bà Vũ Kim Hạnh cho biết.

Để vượt qua khó khăn, nhiều DN sản xuất nội địa đã chủ động bắt tay với nhà phân phối là Vingroup. Song theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM: “Các tập đoàn nước ngoài lần lượt thâu tóm các nhà bán lẻ Việt Nam. Hiện chúng ta chỉ còn 2 nhà bán lẻ lớn là Saigon Coop và Vingroup. Trong đó bản thân Vingroup có tiếp tục duy trì hoạt động bán lẻ như là ngành kinh doanh cốt lõi, hay có thể chuyển nhượng trong tương lai, vẫn còn là câu hỏi lớn”. Khó khăn, thách thức nhiều song không vì thế bỏ cuộc chơi. DN Việt Nam đang rất nỗ lực và cũng cần sự trợ lực từ các cơ quan chức năng để cùng làm chủ sân nhà, và xa hơn đưa hàng Việt có mặt ngày càng nhiều trên sân khách trong bối cảnh hội nhập hiện nay.

Thanh Lâm
Nguồn Sài Gòn Đầu Tư