Những thương hiệu “kém duyên” với smartphone

Liên tục thua lỗ trong mảng kinh doanh điện thoại di động, nhiều thương hiệu nổi tiếng như Nokia hay Microsoft đã phải từ bỏ mảng kinh doanh này.

Trong khi smartphone đang phát triển mạnh mẽ và ngày càng phổ biến khắp thế giới thì nhiều hãng điện thoại lại không hề "ăn lên làm ra" với thiết bị này mà thậm chí còn phải chịu thua lỗ.

1. Nokia

Trường hợp của Nokia là một điển hình cho việc "kém duyên" với dòng điện thoại thông minh. Bởi lẽ, trước khi smartphone xuất hiện, Nokia đang ở thời kỳ đỉnh cao với hàng loạt thiết bị ăn khách.

Thế nhưng thời kỳ hoàng kim đã qua, Nokia lại không hề may mắn với dòng điện thoại thông minh Lumia chạy hệ điều hành Windows.

Bằng chứng là sau khi chịu thua lỗ trong một thời gian dài, Nokia đã bán mình cho Microsoft vào năm 2014 và từ bỏ mảng kinh doanh điện thoại di động.

Nhưng mới đây, thương hiệu này lại một lần nữa nhập cuộc với thị trường smartphone bằng việc ra mắt 2 mẫu điện thoại mới vào cuối năm nay. Chắc hẳn, Nokia đã có một bài học lớn từ việc kinh doanh trước đây.

2. Microsoft

Không hề may mắn hơn Nokia, Microsoft cũng là một trong những "đại gia" chịu nhiều thua lỗ trong mảng kinh doanh điện thoại di động.

Trong một thông cáo báo chí phát đi hôm 18/5, Microsoft Corp cho biết, họ đã đạt được thỏa thuận bán mảng điện thoại thông thường (feature phone) cho FIH Mobile Ltd, thuộc tập đoàn Công nghệ Hon Hai/Foxconn (Đài Loan), và HMD Global Oy (Phần Lan) với giá 350 triệu USD.

Một tuần sau đó, ngày 25/5, Microsoft tiếp tục công bố sẽ sa thải 1.850 nhân viên, hầu hết ở Phần Lan (khoảng 1.350 người), chịu khoản phí tổn 950 triệu USD trong hoạt động kinh doanh phần cứng điện thoại thông minh.

Quyết định này đồng nghĩa với việc Microsoft sẽ không còn phát triển smartphone nữa, hãng tin AFP dẫn lời đại diện nghiệp đoàn công nhân Microsoft tại Phần Lan.

3. Sony

Dù Sony đã nỗ lực cắt giảm chi phí trong nhiều năm qua, nhưng mảng kinh doanh điện thoại di động của công ty vẫn thua lỗ triền miên. Trong quý III/2015, Sony đã lỗ 97 triệu USD ở mảng kinh doanh camera cảm biến. Hiện tại, smartphone Xperia cũng chỉ chiếm 1% thị phần tại Mỹ và 17,5% tại Nhật Bản.

Tại phân khúc cao cấp, Sony vẫn miệt mài bám đuổi Samsung và Apple. Còn ở phân khúc tầm trung, Sony lại phải chịu chịu sức ép lớn từ các hãng điện thoại di động giá rẻ Trung Quốc.

Dù vậy, Sony vẫn khẳng định tiếp tục theo đuổi mảng kinh doanh điện thoại di động chứ không từ bỏ như các nhà sản xuất khác.

4. LG

Mặc dù tình hình kinh doanh của công ty có vẻ khả quan hơn, nhưng mảng điện thoại di động của LG lại vẫn tiếp tục thua lỗ.

Với tổng doanh thu 2,46 tỷ USD giảm 15,5%, doanh số smartphone của LG trong quý I/2016 chỉ đạt 13,5 triệu chiếc giảm 12% so với cùng kỳ năm ngoái.

Sở dĩ, LG vẫn còn duy trì mảng kinh doanh này là do sự bù đắp từ lợi nhuận của các mảng khác như TV, điều hòa hay các thiết bị gia đình.

4. BlackBerry

Từng bán được hàng triệu chiếc điện thoại mỗi tháng vào giữa những năm 2000. Nhưng đến nay, mảng kinh doanh điện thoại di động của BlackBerry lại liên tục thua lỗ.

Cho đến nay, mảng kinh doanh điện thoại thông minh của BlackBerry chiếm chưa tới 1% thị phần toàn cầu. Doanh số điện thoại di động của BlackBerry chỉ đạt 500.000 thiết bị trong quý vừa qua, và thấp hơn gần 100.000 thiết bị so với quý trước.

Các nhà phân tích từ Wall Street nhận định rằng, công ty sẽ tiếp tục thua lỗ trong năm 2017 và vào năm 2018 và theo trang Motley Fool của Canada, rất có thể BlackBerry sẽ ngừng mảng kinh doanh điện thoại di động vào cuối tháng này, chính xác là ngày 28/9, sau khi công ty này công bố kết quả kinh doanh quý II/2016.

Nguyễn Thắm
Nguồn BizLive