Tương lai nào cho dầu ăn Tường An khi có thêm 2 người “khổng lồ”?

Ông Trần Lệ Nguyên - một doanh nhân thành đạt với những quyết định khôn ngoan trong lĩnh vực thực phẩm, và bà Nguyễn Thị Hạnh – người từng điều hành Saigon Coop tham gia vào hội đồng quản trị của TAC kỳ vọng sẽ đưa TAC bước sang trang mới tương xứng với danh tiếng 40 năm qua?

2 “người khổng lồ” tham gia vào HĐQT

Sáng ngày 06/10/2016, Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2016 của CTCP Dầu Thực Vật Tường An (mã TAC) đã thông qua việc từ nhiệm của 2 thành viên Hội đồng quản trị gồm ông Dương Anh Tuấn và ông Trương Huỳnh Bích.

Đồng thời đại hội đồng cổ đông đã bầu bổ sung và thông qua 2 thành viên mới gồm ông Trần Lệ Nguyên và bà Nguyễn Thị Hạnh.

Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2016 của CTCP Dầu Thực Vật Tường An.

Ông Trần Lệ Nguyên lại là cái tên quá quen thuộc trong ngành bánh kẹo, thực phẩm và thị trường tài chính Việt Nam.

Ông Nguyên đã góp phần quan trọng xây dựng CTCP Kinh Đô (cũ) phát triển thành một trong những Tập đoàn thực phẩm quy mô tại Việt Nam. Ông Nguyên là người đưa ra quyết định chiến lược khi mua lại nhà máy kem Wall’s từ Uniclever, xây dựng thương hiệu kem Kido’s thành thương hiệu dẫn đầu thị phần kem Việt Nam (chiếm thị phần khoảng 37%) cũng như thương vụ đầu tư vào Vocarimex.

Hiện ông Nguyên đang là phó chủ tịch thường trực, Tổng giám đốc của Tập đoàn Kido (mã KDC).

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Hạnh từng giữ chức vụ Phó tổng giám đốc và Tổng giám đốc tại Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP. Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) từ năm 2001 – 2015.

Tương lai TAC?

Nhiều năm trở lại đây, dù cho sản lượng tiêu thụ của dầu ăn Tường An vẫn tăng trưởng nhưng doanh thu và lợi nhuận không có sự bứt phá.

Nguồn: Số liệu báo cáo tài chính.

Trong khi đó, thị trường dầu thực vật ở Việt Nam cạnh tranh khốc liệt hơn với sự xuất hiện ngày càng nhiều hơn các nhãn hàng dầu thực vật mới. Điều này đồng nghĩa, lợi ích của cổ đông, lợi ích doanh nghiệp có thể bị đe dọa nếu TAC không có sự đột phá trong quản trị.

Với sự tham gia vào hội đồng quản trị của 2 “người khổng lồ” trong lĩnh vực thực phẩm và phân phối là ông Trần Lệ Nguyên và bà Nguyễn Thị Hạnh kỳ vọng TAC sẽ có những bước chuyển mình mới tương xứng với danh tiếng mà dầu ăn Tường An đã có được trong hơn 40 năm qua.

Ngoài ra, Tập đoàn KIDO – nơi ông Trần Lệ Nguyên đang sở hữu 12,61% vốn đã nộp hồ sơ lên UBCKNN chào mua công khai tối đa 65% vốn điều lệ của TAC tương ứng 12,33 triệu cổ phiếu TAC. Như vậy, nếu thương vụ chào mua thành công, lợi ích và trách nhiệm của các bên càng được gắn kết bền chặt hơn. Bên cạnh đó, KIDO với nguồn lực tài chính dồi dào và kinh nghiệm phát triển hệ thống phân phối có thể giúp cho Tường An thay đổi và phát triển hơn trong ngành dầu thực vật Việt Nam.

Hồng Quân
Nguồn BizLive