Facebook mở chợ: Liệu kỳ này có thành công?

Hôm 03/10 vừa qua, mạng xã hội lớn nhất thế giới Facebook chính thức công bố chức năng mới là chợ trực tuyến Marketplace.

Theo đó, những người sử dụng Facebook có thể truy cập vào chợ này từ ứng dụng Facebook trên di động và dễ dàng mua bán hàng. Khi truy cập Marketplace, người dùng sẽ thấy được xung quanh họ đang có ai chào bán hàng hóa gì, và có thể liên lạc trực tiếp với người bán bằng Facebook Messenger.

Hiện tại, Marketplace đã có mặt ở 4 nước Mỹ, Anh, Úc và New Zealand. Chỉ có những người dùng trên 18 tuổi mới được sử dụng chức năng này. Facebook cho biết họ sẽ tiếp tục triển khai Marketplace ở những nước khác trong thời gian tới.

Giao diện của Facebook Marketplace. Ảnh: Facebook.

Theo Facebook, nguyên nhân chính thôi thúc họ ra mắt Marketplace là hiện mỗi tháng có tới hơn 450 triệu người thường xuyên mua bán trên các nhóm Facebook Group. Mặc dù là một dạng chợ trực tuyến theo mô hình thương mại điện tử C2C, nhưng Facebook lại không cung cấp sẵn một công cụ thanh toán trực tuyến nào cho Marketplace. Thay vào đó, người mua và người bán sẽ phải tự dàn xếp với nhau để thanh toán bằng tiền mặt hoặc các công cụ của bên thứ ba như PayPal. Như vậy, việc mua bán trên Marketplace thực ra cũng không khác gì nhiều so với các Facebook Group hiện tại, hay là trang rao vặt nổi tiếng Craigslist (vốn được xem là "sư tổ" của các trang rao vặt).

Theo trang tin công nghệ Gizmodo, đây có thể được xem là lần thứ tư Facebook cố gắng học theo Craigslist. Hồi năm 2007, Facebook cũng từng có chức năng Marketplace nhưng không mấy ai sử dụng, và lặng lẽ cho ngừng chức năng này vài năm sau đó. Tới tháng 2-2015, Facebook triển khai chức năng cho phép việc mua bán hàng trong các Facebook Group trở nên thuận tiện hơn. Tới cuối tháng 10-2015, Facebook lại thử nghiệm tiếp chức năng Local Market (chợ địa phương), với tính năng gần tương tự như Marketplace mới.

Việc quản lý chợ ngoài đời đã khó, quản lý chợ ảo còn khó hơn gấp bội. Chỉ vài tiếng sau khi Marketplace được ra mắt, nhiều người đã đưa lên chợ ảo này những thứ hàng hóa “nhạy cảm” như thú nuôi, ma túy, súng đạn, dịch vụ tình dục,… Ngay lập tức, giám đốc quản lý sản phẩm Mary Ku của Facebook đã phải lên tiếng xin lỗi về các sơ suất kỹ thuật trong việc kiểm duyệt hàng hóa. Theo bà Ku cho biết, Facebook đang theo dõi kỹ lưỡng và tiến hành khắc phục vấn đề này.

Hiện nay, số lượng người dùng Facebook trên toàn cầu hàng tháng là hơn 1,7 tỷ người (trong đó người dùng di động là hơn 1 tỷ), còn thời gian sử dụng bình quân hàng ngày là 45-50 phút. Với quy mô như vậy, Marketplace hoàn toàn có thể trở thành đối thủ đáng gờm của cả các chợ điện tử tổng hợp như eBay lẫn các chợ chuyên biệt như Etsy (chuyên về hàng thủ công mỹ nghệ). Ngoài ra, việc các thông tin cá nhân của người bán được công khai trên Facebook cũng sẽ làm người mua hàng cảm thấy an tâm hơn nhiều, so với việc giao dịch trên Craigslist hay eBay.

Giao diện của Alipay Everywhere. Ảnh: Quartz.

Dĩ nhiên, các rủi ro của việc thiếu phương tiện thanh toán trung gian vẫn còn đó. Theo Bowen Pa, người phụ trách sản phẩm Marketplace, thì “chúng tôi chỉ đóng vai trò kết nối người bán và người mua”.

Ngoài ra, nếu muốn chinh phục một trong những thị trường quan trọng nhất thế giới là Trung Quốc, thì Facebook cũng đã chậm mất vài ngày. Từ hôm 29-9, dịch vụ thanh toán Alipay, trực thuộc tập đoàn Alibaba của tỷ phú Jack Ma, đã ra mắt Alipay Everywhere tại Thượng Hải. Có nhiều điểm tương đồng với Marketplace, Alipay Everywhere bổ sung thêm phần quan trọng nhất còn thiếu: công cụ thanh toán. Theo đó, người mua hàng / sử dụng dịch vụ sẽ thanh toán tiền qua Alipay, và tiền chỉ được chuyển cho người bán một khi giao dịch được xác nhận đã hoàn tất. Về mặt quản lý chợ rao vặt điện tử, Alibaba cũng đã có sẵn nhiều kinh nghiệm hơn Facebook: được mở cửa từ năm 2014, chợ Xianyu của họ hiện đã có tới 100 triệu người dùng, một con số đáng nể so với 60 triệu người dùng hàng tháng của Craigslist vốn đã có 21 năm hoạt động.

Tuấn Minh
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư