Bà chủ Citimart: "Bán lẻ cực lắm, như nuôi con mọn vậy"

Năm 1994, người dân Sài Gòn bắt đầu tiếp cận mô hình kinh doanh bán lẻ hiện đại - siêu thị. Và người mang mô hình này đến Việt Nam không ai khác, chính là bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Chủ tịch HĐQT Công ty Đông Hưng, chủ đầu tư hệ thống siêu thị Citimart.

Không chỉ thế, trong làn sóng mua bán - sáp nhập, những thương hiệu Việt Nam lần lượt rơi vào tay các đối thủ nước ngoài thì một lần nữa bà Hoa đã làm được điều khiến nhiều doanh nghiệp trong nước nể phục, đó là mua đứt một thương hiệu bán lẻ nước ngoài đang kinh doanh tại Việt Nam.

Vừa gặp mặt, bà cười và bảo rằng, gần 19 năm có mặt trên thị trường nhưng bà quên mất cá nhân mình đã tạo ra Citimart, cứ làm công việc của một người quản lý và bán hàng mà quên luôn chính mình là người mang mô hình bán lẻ hiện đại về Việt Nam. Công việc cứ cuốn bà đi, ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác mà không biết mình đã đóng góp chút ít cho nền kinh doanh bán lẻ.

* Hơn 19 năm mê mải kinh doanh trong lĩnh vực này, bà thấy mình được những gì?

- Phải nói là tôi được rất nhiều thứ. Đó là bề dày kinh nghiệm bán lẻ ở Việt Nam, là lượng khách hàng lớn trên toàn quốc. Khi đã có nhiều trải nghiệm thương trường thì mình tự tin trong kinh doanh, biết phải làm như thế nào để doanh nghiệp có thể tồn tại và phát triển trong môi trường cạnh tranh như hiện nay. Và quan trọng hơn là có thể giữ vững thương hiệu Citimart trước các đối thủ nước ngoài.

* Cách đây 5 năm, một số mặt bằng của Citimart đã đổi tên thành Wellcome - một thương hiệu của Công ty Giant South Asia Việt Nam thuộc tập đoàn bán lẻ nổi tiếng của Dairy Farm (Hồng Kông). Thời điểm đó, đã có nhiều thông tin cho rằng, Citimart đã bán một số mặt bằng cho Dairy Farm, nhưng đến đầu năm nay, những mặt bằng này đã được đổi tên thành Citimart. Thực hư chuyên này thế nào, thưa bà?

- Thực ra, năm 2007, chúng tôi cho Giant South Asia Việt Nam thuê một phần mặt bằng khu tự chọn tại 3 siêu thị Citimart ở TP.HCM, Cần Thơ, Kiên Giang để họ kinh doanh. Thời điểm đó, chúng tôi muốn cho thuê để học hỏi kinh nghiệm quản lý, điều hành... của tập đoàn nước ngoài nên hợp tác với họ. Đến đầu năm nay, thời hạn thuê đã hết nên chúng tôi lấy lại mặt bằng.

* Vậy Citimart và cá nhân bà đã học được gì từ Dairy Farm sau 5 năm cho thuê mặt bằng, thưa bà?

- Tất cả mọi đối thủ đều cần được tôn trọng và tất cả các kinh nghiệm đều đáng học. Tuy nhiên, đừng bao giờ nghĩ cứ cái gì của nước ngoài cũng hay, cũng giỏi, cũng thành công.

"Bán lẻ thì thu bạc cắc mà mất bạc chẵn. Tâm huyết của tôi thì cao lắm nhưng cũng có những lúc hơi bị... chơi vơi"

Họ cũng như mình, cũng phải làm quen với mọi thứ và cũng phải chấp nhận thách thức trong kinh doanh. Khi nhìn nhận vấn đề trên cả hai mặt này thì nhà kinh doanh sẽ sáng suốt hơn trong mọi quyết định của mình.

* Và bà đủ tự tin mua lại siêu thị mini Family Mart của nhà đầu tư Malaysia vào giữa năm 2010?

- Tôi mua Family Mart là để lấy mặt bằng kinh doanh ở một nơi tốt như Parkson. Trong kinh doanh, việc nước ngoài mua của mình và mình mua lại của nước ngoài là chuyện bình thường. Đừng bao giờ nghĩ chỉ có nhà đầu tư nước ngoài mới thâu tóm doanh nghiệp trong nước, mà các thương hiệu trong nước cũng có thể làm điều ngược lại.

Tôi nghĩ, trong thời gian tới sẽ có rất nhiều người Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam mua lại các thương hiệu nước ngoài. Hiện nay, doanh nghiệp trong nước chưa đủ tiềm lực vì tình hình kinh tế, tài chính, ngân hàng của Việt Nam chưa ổn định.

Nếu lãi suất hạ xuống 1 - 3%/năm và các ngân hàng tài trợ thoải mái như nước ngoài thì sẽ có rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội mua lại hệ thống kinh doanh của nước ngoài. Nếu Nhà nước có cơ chế và tạo điều kiện tốt hơn nữa thì doanh nhân trong nước sẽ làm được nhiều thứ hơn vì người Việt Nam mình rất giỏi và thông minh.

* Hiện nay, các tập đoàn nước ngoài với tiềm lực tài chính mạnh cộng với kinh nghiệm quản trị hiện đại đã và đang có những chiến lược thâm nhập thị trường một cách ồ ạt. Bà có ngại Citimart sẽ bị cơn sóng lớn này lấn lướt?

- Tôi không sợ bị các doanh nghiệp nước ngoài cạnh tranh vì sự xuất hiện của họ chính là cơ hội để mình phát triển hơn, hoàn thiện hơn. Tôi cũng không ngại phải đối đầu với họ vì tôi biết rõ hướng đi của họ như thế nào và họ cần cái gì. Nhưng tôi thực sự ngán tiềm lực tài chính của họ.

Tuy nghệ thuật tạo ra tiền phải đi đôi với năng lực tổ chức điều hành nhưng trong kinh doanh, tiền quyết định 80% sự thành công. Có tiền, doanh nghiệp có thể mời được nhiều chuyên gia, nhiều giám đốc điều hành giỏi để tổ chức bộ máy hoạt động tốt.

Có tiền, doanh nghiệp cũng có thể thuê được những mặt bằng tốt, đầu tư đạt yêu cầu tiêu chuẩn quốc tế, phát triển mảng kinh doanh, mảng nhân sự, đầu tư trang thiết bị... So với các tập đoàn nước ngoài thì mình không thể đấu lại về tiềm lực tài chính.

Họ có thể bỏ ra vài trăm tỷ đồng để đầu tư mặt bằng kinh doanh (tiền thuê đất, đặt cọc, xây dựng...) và liên tục khai trương để giành thị phần, trong khi tiềm lực của mình có hạn. Đó là bất lợi của doanh nghiệp trong nước.

* Liệu các doanh nghiệp bán lẻ trong nước có đủ sức vùng vẫy trước sức ép từ các tập đoàn nước ngoài?

- Dù các nhà đầu tư nước ngoài đã và đang tiếp tục vào Việt Nam nhưng trên thực tế, các doanh nghiệp bán lẻ trong nước vẫn hoạt động tốt. Họ vừa đẩy nhanh quy mô siêu thị, vừa liên kết với nước ngoài để mở trung tâm thương mại.

Điều tôi mong mỏi là người Việt Nam nên bảo vệ người Việt Nam. Có nhiều cách để đoàn kết bảo vệ doanh nghiệp Việt Nam. Thứ nhất là người Việt Nam nên mua hàng ở những siêu thị của Việt Nam. Thứ hai là các doanh nghiệp phải liên kết để có tiếng nói chung, chứ không nên "mạnh ai nấy làm" như hiện nay.

Tôi nghĩ, nhất thiết phải thành lập Hiệp hội Tiêu thụ và tất cả các giám đốc doanh nghiệp phải ngồi lại để ra chiến lược chung về bán hàng. Mình phải có kế hoạch phát triển lâu dài, bền vững thì mới có thể đương đầu với các đối thủ nước ngoài.

* Bà đã chuẩn bị như thế nào cho Citimart trong thời gian tới?

- Kinh doanh bán lẻ càng ngày càng khó. Trong khi giá mặt bằng đắt đỏ, lãi suất ngân hàng cao, tiền điện tăng, lương tăng... kéo theo chi phí tăng, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu thì các siêu thị lại mở ra ngày càng nhiều.

Để tồn tại trong môi trường cạnh tranh khốc liệt này, doanh nghiệp phải chấp nhận mức lãi thấp nhất và phải liên tục thực hiện các chương trình khuyến mãi, chăm sóc khách hàng. Nhận thức được điều này, chúng tôi phát triển kinh doanh theo hướng đa dạng hóa mô hình hoạt động.

Không chỉ có trung tâm thương mại, chúng tôi còn có siêu thị, rồi siêu thị trong trung tâm thương mại và cả cửa hàng tiện lợi. Với nhiều loại hình, việc tìm kiếm mặt bằng dễ hơn nhiều so với chỉ phát triển một mô hình.

Lâu nay, người ta cứ nghĩ Citimart bán mắc nhưng họ không biết là chúng tôi có nhiều chương trình ưu đãi khách hàng. Với chương trình thành viên, khách hàng được giảm giá bán ngay trên hóa đơn và họ cũng được tham gia nhiều chương trình khuyến mãi rầm rộ, thực hiện xuyên suốt cả năm.

Chủ trương của tôi là bán hàng tốt, không bán hàng dỏm, hàng bậy bạ cho người tiêu dùng. Để đảm bảo điều này, chúng tôi phải mời chuyên gia vệ sinh an toàn thực phẩm, thuê các quản lý chặt chẽ các khâu phục vụ khách hàng. Năm 2013, chúng tôi sẽ "cải cách" nhiều thứ để có thể làm thay đổi cái nhìn của khách hàng đối với Citimart.

Tuy nghệ thuật tạo ra tiền phải đi đôi với năng lực tổ chức điều hành nhưng trong kinh doanh, tiền quyết định 80% sự thành công.

* Những gì bà nói khiến người ta liên tưởng đến một "cuộc cách mạng" đối với Citimart?

- Đúng vậy! Năm 2013, chúng tôi sẽ cho khách hàng thấy Citimart thay đổi như thế nào. Về hàng hóa, Citimart có đầy đủ các nguồn hàng chất lượng cao từ thực phẩm, công nghệ phẩm cho đến hàng gia dụng, may mặc thời trang...

Trong đó, hàng tươi sống, trái cây, rau củ quả đa dạng hơn, giá cả hợp lý hơn, có thể so sánh được với các hệ thống siêu thị lớn và quan trọng hơn là hàng có nguồn gốc rõ ràng. Về dịch vụ, Citimart sẽ có nhiều chương trình rất đặc biệt dành cho khách hàng.

Chẳng hạn, những khách hàng thành viên của Citimart sẽ được gửi xe giá 1.000 đồng; mua hàng được ưu đãi vào ngày 8 hằng tháng và vào các ngày lễ lớn. Ngoài ra, định kỳ mỗi tháng, khách sẽ được mua hàng giá rẻ...

Ở Citimart sẽ không có tình trạng thiếu hàng và chúng tôi phục vụ tất cả các yêu cầu của khách, từ hàng trong nước lẫn hàng nước ngoài. Những nỗ lực này nhằm cho khách thấy: Citimart là một trong những nơi mua sắm tốt nhất.

Tâm huyết của tôi thì cao lắm nhưng cũng có những lúc hơi bị... chơi vơi. Cũng có những lúc mệt mỏi vì sai sót của nhân viên nhưng tôi không ngại khó, ngại khổ hay nản lòng trước bất cứ rào cản nào.

Làm nghề này nhìn vậy nhưng rất cực, như nuôi con mọn vậy. Chỉ cần một sơ suất nhỏ sẽ bị mang tiếng là làm ăn không đàng hoàng, thậm chí là lừa gạt, mà người ta đâu biết mình làm với tất cả tấm lòng.

Bán lẻ thì thu bạc cắc mà mất bạc chẵn. Mình bỏ vốn ra cả trăm tỷ đồng một lúc nhưng thu lại từng đồng một. Đã vậy còn hư hỏng hàng hóa, bị mất cắp...

Nhưng khi đã chọn nghề này thì phải chấp nhận và tôi chỉ mong đội ngũ nhân viên của mình giữ vững phong độ, làm tốt công việc để "khách hàng đến là hài lòng, ra về thì vui vẻ”.

* Bà từng đưa ra lộ trình cho Citimart là đến năm 2017 sẽ có 100 siêu thị Citimart trên cả nước. Chỉ còn 5 năm để thực hiện mục tiêu này, thời gian có đủ cho bà?

- Thực ra, điều này đã được chúng tôi chuẩn bị từ lâu rồi nhưng vì nhiều yếu tố chủ quan nên kế hoạch có bị chậm lại. Tuy nhiên, tôi chắc rằng, trong năm 2013 tới đây, những kế hoạch này sẽ được khởi động trở lại.

Với những siêu thị lớn, hơi khó tìm mặt bằng nên sẽ chậm hơn một chút, nhưng với hệ thống B&B (Best & Buy, diện tích khoảng 250m2) chắc chắn chúng tôi sẽ đẩy nhanh số lượng. Hiện tại, chúng tôi có 1 trung tâm thương mại, 12 siêu thị lớn, 6 siêu thị trong Parkson và 8 cửa hàng tiện lợi B&B. Với đà này thì việc thực hiện 100 siêu thị Citimart đến năm 2017 là khả thi.

Chúng tôi đang phát triển đội ngũ marketing, kinh doanh, trang bị công nghệ, đào tạo nhân viên chuyên nghiệp hơn để phục vụ khách hàng. Thế mạnh của Citimart nằm ở hàng thực phẩm với loại hàng đa dạng hơn các siêu thị khác, không chỉ hàng trong nước mà còn có hàng nhập.

Kinh doanh thì phải tính đến lợi nhuận và trong điều kiện khó khăn như hiện nay, việc kinh doanh cần phải cẩn trọng hơn nữa. Tuy nhiên, là doanh nghiệp Việt Nam, chúng tôi ý thức mình phải chung tay, góp sức cùng cơ quan nhà nước để chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng. Vì thế, nhiều năm nay chúng tôi đã tham gia Chương trình bán hàng bình ổn của Thành phố nhằm ổn định thị trường.

* Hỏi một câu thực lòng, theo bà, Citimart có thể xếp ở vị trí thứ mấy trong các chuỗi siêu thị tại Việt Nam hiện nay?

- Tôi nghĩ, Citimart chỉ đứng thứ tư. Năm 2011 và 2012, trong danh sách những nhà kinh doanh siêu thị được bầu chọn vào top 500 nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam thì Citimart xếp ở vị trí này. Hiện nay, Citimart có ưu thế về khách hàng nước ngoài và người dân ở các khu đô thị mới.

* Một câu hỏi riêng tư: Bà có cho con cái nối gót ba mẹ tiếp tục cái nghề "lượm bạc cắc, mất bạc chẵn" này?

- Dù trong gần 19 năm kinh doanh cũng có những lúc chơi vơi, những lúc muốn đổi nghề vì cực nhọc, nhưng thực tâm tôi vẫn còn đam mê lắm. Vui hơn nữa là công việc của mình đã có hai con hưởng ứng. Dù hai cháu vẫn chưa ra trường nhưng đã "xung phong" nhận nhiệm vụ sẽ tiếp tục lèo lái con thuyền Citimart trong tương lai.

Vì niềm đam mê của mình, vì sự yêu thích của các con, tôi quyết đưa Citimart phát triển. Trong thâm tâm, tôi đã nghĩ đến chuyện sẽ liên doanh, liên kết với các thương hiệu tầm cỡ để đẩy mạnh và phát triển hơn nữa việc kinh doanh của mình.

Nhưng trước mắt phải tái cấu trúc toàn bộ mọi hoạt động kinh doanh để có thể phục vụ tốt hơn người tiêu dùng, đặc biệt là người tiêu dùng đại chúng - những người lâu nay vẫn chưa đến được với Citimart.

* Xin cảm ơn bà và chúc bà sẽ tiếp tục gặt hái được nhiều thành công với những dự tính mới!

Nguồn CafeBiz