Cận cảnh phong trào khởi nghiệp

Theo các chỉ số trong báo cáo “Chỉ số khởi nghiệp Việt Nam 2015-2016” (GEM Việt Nam 2015) do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện, mới được công bố gần đây, chất lượng khởi nghiệp ở Việt Nam không cao.

Khảo sát của VCCI tại Việt Nam là một phần của khảo sát Chỉ số khởi nghiệp toàn cầu (Global Entrepreneurship Monitor - GEM). Năm 2015 là năm thứ ba liên tiếp VCCI đại diện cho Việt Nam thực hiện khảo sát GEM. Báo cáo GEM Việt Nam 2015 của VCCI dựa trên kết quả khảo sát 2.000 người trưởng thành và 36 chuyên gia hoạt động ở nhiều lĩnh vực trên cả nước.

Nhiều chỉ tiêu đều thiếu lạc quan

Báo cáo của VCCI cho thấy các hoạt động khởi nghiệp ở Việt Nam đa phần không mang tính sáng tạo, đổi mới. Chỉ số sáng tạo, đổi mới trong năm 2015 chỉ đạt 11,4%, xếp hạng 50 trong số 60 nước thực hiện GEM. Trong đó, mới về sản phẩm ở mức 4,8%, mới về thị trường ở mức 2,2%, mới về công nghệ ở mức 4,4%. Các hoạt động khởi nghiệp ở Việt Nam chủ yếu hướng đến phục vụ người tiêu dùng (74,5%). Tỷ lệ hoạt động trong lĩnh vực chế biến và phục vụ doanh nghiệp rất thấp, trong khi những hoạt động này mới là thước đo chính để xem xét một nước có nền khởi nghiệp mạnh hay không.

Quang cảnh một không gian khởi nghiệp. Ảnh: Đức Tâm.

Các hoạt động khởi nghiệp ở Việt Nam có định hướng quốc tế thấp, chỉ có 1,5% hoạt động là có trên 25% khách hàng nước ngoài, trong khi tỷ lệ này ở các nước cũng thuộc nhóm “Phát triển dựa trên nguồn lực” như Việt Nam là 5,7%. Triển vọng tăng trưởng việc làm đối với các hoạt động khởi nghiệp chỉ đạt 3,9% (xếp hạng 49/60), trong khi tỷ lệ trung bình ở các nước cùng nhóm là 12,9%. Ba lý do chính được người Việt Nam nêu ra khi từ bỏ kinh doanh là: gặp khó khăn về tài chính (29,2%), không có lợi nhuận (22,2%) và có được một cơ hội việc làm khác (19,4%).

Một số liệu khác đáng chú ý là 37,4% người Việt Nam khởi sự kinh doanh là vì nhu cầu thiết yếu, mưu sinh hàng ngày. Đây có thể là dòng người từ nông thôn lên thành phố gia nhập đội ngũ buôn gánh bán bưng; những sinh viên mới tốt nghiệp chưa tìm được việc làm mở tiệm bán trà sữa, cà phê mang đi; những công nhân mất việc ở khu công nghiệp ra sắm xe đẩy ra đường bán bánh mì. 62,6% còn lại khởi sự kinh doanh nhằm tận dụng cơ hội, trong số này lại chia nhỏ ra làm ba dạng: tăng thu nhập (75%), duy trì thu nhập (18%), độc lập hơn (7%). Tại các nước phát triển dựa trên sáng tạo đổi mới, khởi sự kinh doanh nhằm có sự độc lập hơn rất cao.

Bàn về số liệu này, Tiến sĩ Lương Minh Huân, Trưởng nhóm thực hiện GEM Việt Nam 2015, cho rằng quá trình đô thị hóa vẫn đang tiếp tục, lượng dân số trẻ ngày càng tăng và trình độ phát triển xã hội chưa cao là lý do chính dẫn đến tỷ lệ khởi sự kinh doanh vì nhu cầu thiết yếu cao và xu hướng này sẽ còn tiếp tục trong những năm tới.

Một số liệu đáng chú ý là 37,4% người Việt Nam khởi sự kinh doanh là vì nhu cầu thiết yếu, mưu sinh hàng ngày.

Thất bại ở hai tiêu chí lớn nhất

Những số liệu trên tương đồng với nhận xét của Tiến sĩ Nguyễn Đức Bình, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc VCCI TPHCM. Ông Bình cho rằng khởi nghiệp ở Việt Nam đang đi theo tính phong trào, nhà nhà khởi nghiệp, không đi vào chiều sâu, thiếu chất lượng, muốn gặt hái nhanh, thấy ai làm được là cũng nhào vào làm. Ví dụ, ở một quãng đường, có một quán chè khúc bạch đông khách là tuần sau mọc lên những quán mới, tiếp đó đua nhau giảm giá, dùng nguyên liệu không tốt để cạnh tranh về giá, rồi tháng sau tất cả cùng đóng cửa để chuyển sang những phong trào khác như xoài lắc, bắp Mỹ hấp sữa...

Ông Vũ Tuấn Anh, trưởng dự án khởi nghiệp cộng đồng Hoa Sen Group, tác giả cuốn sách mới xuất bản Khởi nghiệp ngay, sạt nghiệp luôn nhận xét phong trào khởi nghiệp ở Việt Nam xuất hiện cách đây năm năm, bắt đầu trở nên mạnh mẽ trong ba năm trở lại đây nhưng đang có những dấu hiệu không tốt. Cái được hiếm hoi chỉ là khích lệ được tinh thần và thay đổi được nhận thức về khởi nghiệp ở một bộ phận người.

Cần khắc phục những thiếu sót

Nghị quyết 35, Nghị quyết 19 của Chính phủ vừa ra năm nay, các cuộc vận động quốc gia khởi nghiệp, thành phố khởi nghiệp cũng đã diễn ra rất sôi nổi, nhưng theo ông Vũ Tuấn Anh cần phải khắc phục những thiếu sót và quan điểm chưa đúng về khởi nghiệp.

Thứ nhất, phần lớn các chương trình khởi nghiệp chỉ xem xét hỗ trợ cho thanh niên dưới 35 tuổi, điều này không đúng. Muốn có quốc gia khởi nghiệp, thành phố khởi nghiệp thì tại sao lại giới hạn về tuổi tác, hoặc về đối tượng khởi nghiệp?

Khởi nghiệp ở Việt Nam đang đi theo tính phong trào, nhà nhà khởi nghiệp, không đi vào chiều sâu, thiếu chất lượng, muốn gặt hái nhanh.

Theo báo cáo GEM Việt Nam 2015, tỷ lệ khởi nghiệp trong doanh nghiệp Việt Nam ở mức rất thấp là 0,6%, xếp hạng 51/60.

Thứ hai, phải đặt lại khái niệm. Khởi nghiệp là khởi sự một công việc kinh doanh đi từ con số 0 để lớn hơn con số 0. Đừng có kỳ vọng hay “giao nhiệm vụ” khởi nghiệp là phải đạt con số 100 tỉ đồng.

Theo ông Vũ Tuấn Anh, cần phải có 4-5 chương trình hỗ trợ khác nhau, mỗi chương trình tập trung hoạt động trong một phân khúc, thiết kế cho thật phù hợp với đối tượng hỗ trợ thì mới có kết quả tốt. Các cuộc thi khởi nghiệp cũng vậy, cần chia nhỏ ra nhiều phân khúc mới có tính khích lệ cộng đồng. Ví dụ, một bạn sinh viên đem ý tưởng bán phở đến xin hỗ trợ đầu tư, đầu tiên là có người giúp điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, rồi có người giúp về khảo sát mặt bằng, được thì đầu tư cho họ 20 triệu đồng bằng hình thức đầu tư vật dụng hoạt động, bàn ghế nhựa mua rẻ từ Duy Tân, bát đĩa mua rẻ từ Minh Long, vậy là có thêm nguồn ra cho hàng Việt, tất nhiên là các doanh nghiệp trên cũng tham gia vào chương trình hỗ trợ khởi nghiệp. Hàng trăm doanh nghiệp sẵn sàng tham gia vào các chương trình như vậy. Khởi nghiệp là có thắng có bại, nhưng 1.000 khởi nghiệp nhỏ như vậy chỉ cần 20 tỉ đồng vốn đầu tư, và họ sẽ tạo được nhiều công việc cho xã hội.

Ông Võ Trần Đình Hiếu - Giám đốc nghiệp vụ đầu tư công ty tư nhân - Dragon Capital Group:

Dragon Capital cho rằng đây là thời cơ khá chín muồi để tham gia đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam. Bởi vì, hệ sinh thái khởi nghiệp đang dần thành hình tại Việt Nam. Theo thống kê của chúng tôi, tại Việt Nam đang có hơn 30 nhà đầu tư mạo hiểm là tổ chức (trong nước và ngoài nước), hơn 25 chương trình ươm tạo ý tưởng và tăng tốc kinh doanh lớn nhỏ và nhiều chương trình hỗ trợ phi lợi nhuận của các tổ chức, chính phủ các nước.

Ngoài ra, các thị trường công và tư đều đang cởi mở hơn với các doanh nghiệp khởi nghiệp. Chúng tôi nhận thấy rằng trong nhiều lĩnh vực, các thị trường ngách mới đang được mở ra khi các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhà nước phải tìm cách cạnh tranh, đổi mới phương thức kinh doanh để phục vụ khách hàng tốt hơn. Đây là cơ hội mà chúng tôi nhìn thấy cho các doanh nghiệp khởi nghiệp.

Tiếp đến, đó là sự quan tâm chưa từng có tiền lệ từ cấp cao nhất của Chính phủ Việt Nam đến việc phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp và gia tăng vốn đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam. Qua nhiều cuộc đối thoại, chúng tôi nhận thấy sự quan tâm của Chính phủ là rất rõ ràng trong việc hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp và nhà đầu tư mạo hiểm. Có thể kể đến hai cố gắng mà chúng tôi đặc biệt quan tâm là Dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, và Dự thảo Thông tư hướng dẫn Quỹ đầu tư mạo hiểm vào khởi nghiệp sáng tạo do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì soạn thảo.

Nhận thấy thời cơ và vận hội mới (đối với doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam hiện nay - PV), Dragon Capital cùng với các đối tác là tập đoàn FPT, tập đoàn Hanwha (Hàn Quốc) và Ngân hàng BIDV hợp tác thành lập một chương trình tăng tốc kinh doanh dành cho các doanh nghiệp khởi nghiệp có yếu tố công nghệ tại Việt Nam - chương trình VIISA (Vietnam Innovative Startups Accelerator, www.viisa.vn)

Thu Nguyệt

Chỉ số khởi nghiệp toàn cầu (Global Entrepreneurship Monitor - GEM) bắt đầu được thực hiện từ năm 1999 dưới sự điều phối của Hiệp hội các nhà nghiên cứu kinh doanh toàn cầu (GERA) để đánh giá thực trạng khởi nghiệp và phát triển kinh doanh tại các quốc gia nhằm cung cấp những thông tin cập nhật và chính xác về hoạt động kinh doanh trên toàn cầu cho các nhà hoạch định chính sách, các nhà nghiên cứu, các doanh nhân và những người quan tâm trên toàn thế giới.

Sau 17 năm triển khai, GEM đã thu hút hơn 100 quốc gia tham gia và trở thành nghiên cứu có quy mô lớn nhất về khởi nghiệp trên toàn cầu. Các nước tham gia GEM được phân theo khu vực địa lý và trình độ phát triển. Việt Nam nằm ở trong nhóm “Phát triển dựa trên nguồn lực” (giai đoạn 1 trong các giai đoạn phát triển của một nền kinh tế), dưới các nhóm “Phát triển dựa trên hiệu quả” (giai đoạn 2) và “Phát triển dựa trên đổi mới” (giai đoạn 3).

Đinh Hiệp
Nguồn Tời báo Kinh tế Sài Gòn