CEO Toong: Nếu coi startup là đứa trẻ thì hãy để nó tự phát triển và nuôi một hoài bão

Theo CEO của Toong co-working place Đỗ Sơn Dương: “Hãy giúp cho startup có một tầm nhìn rộng mở, không chỉ ở Việt Nam mà còn ra thế giới để startup có thể tạo ra sản phẩm có sức ảnh hưởng hơn cả những gì mọi người nghĩ”.

Từ vị trí giám đốc kinh doanh của một công ty truyền thông Mỹ có trụ sở tại Việt Nam, Đỗ Sơn Dương đã có một quyết định táo bạo xây dựng mô hình co-working place chuyên nghiệp đầu tiên.

Tới nay Toong đã trở thành cái tên quen thuộc không chỉ trong cộng đồng khởi nghiệp mà còn giới công nghệ hay các quỹ đầu tư chọn làm nơi tổ chức những sự kiện lớn của mình.

* Trước khi anh làm co-working place, anh từng làm việc ở Richard Moore và Galaxy vậy anh có thấy khác biệt gì không?

Thực ra là khác biệt tới mức giật mình. Trước đây khi ở Galaxy mình ở vị trí quản lý cấp trung, đến khi làm Richard Moore mình trở thành người đứng mũi chịu sào. Lúc đó mọi chuyện bắt đầu khác. Đến khi bắt đầu khởi nghiệp và đặc biệt là khi nhận được đầu tư thì những sức ép còn khác hơn nữa.

Đỗ Sơn Dương

Anh Đỗ Sơn Dương - CEO Toong co-working place.

Khi đó mình phải học về startup, phải tìm thêm các mối quan hệ trong lĩnh vực. Lúc này chưa có ai là chuyên gia trong lĩnh vực để mình có thể bấu víu vào hỏi họ, mặc dù có những mentor hỗ trợ mình về quan điểm làm việc. Nhưng không có một hình mẫu cụ thể nào để có thể áp dụng vào mô hình của mình nên tất cả mọi thứ đều phải học từ nhân sự, phát triển thị trường hay quy trình điều hành.

Mặc dù trước đây khi ở Richard Moore mình cũng là người trả lương nhưng ở công ty đó mình có 1 quy trình rất rõ ràng và chỉ cần làm theo. Còn khi khởi nghiệp, mình phải chịu trách nhiệm trả lương, chịu trách nhiệm cho cuộc sống cho mấy chục con người làm việc cùng mình. Mình phải làm sao có một quy trình quản lý hiệu quả nhất để họ tạo ra hiệu quả cho doanh nghiệp.

* Tại sao anh chọn co-working place để khởi nghiệp?

Khi Toong bắt đầu khai trương vào tháng 9/2015, tại Việt Nam và nhất là tại thành phố Hồ Chí Minh đã có một số mô hình tương tự, tuy nhiên họ đã phải đóng cửa. Song song với thời gian đó cũng có một số mô hình với tên gọi co-working space nhưng theo nghiên cứu của mình, cùng là tên gọi đó nhưng cách tổ chức của họ vẫn có thể làm tốt hơn. Nhưng một co-working space đích thực vẫn chưa có ở Việt Nam.

Mô hình này tạo ra rất nhiều giá trị đặc biệt là những người làm việc trẻ do đó mình chọn mô hình này.

* Quãng đường phát triển của một doanh nghiệp luôn phải trải qua cả những lúc thành công và thất bại. Anh muốn nhìn lại thành công hay thất bại của mình và kỷ niệm đó của anh như thế nào?

Nếu hôm nay được hỗ trợ họ sống được ngày mai không hỗ trợ thì không sống thì nên xem lại có nên khởi nghiệp không?

Mình muốn nhìn vào thất bại vì khi đó mình học được nhiều hơn. Một trong những “vấp” mà mình gặp phải là đầu năm 2016, khi Toong bắt đầu nhận đầu tư. Lúc đó Toong mở rộng rất nhanh, chỉ trong vài tháng đã đầu tư vào địa điểm thứ 2.

Mình đã không chuẩn bị kịp nhân lực và áp lực dồn hết lên những nhân sự ở địa điểm đầu tiên. Điều này khiến nhiều người đã từng gắn bó với mình trong những ngày đầu làm Toong không chịu được và ra đi.

Nếu được làm lại, mình sẽ làm tốt hơn vì những người ban đầu là những người nắm rõ được sự phát triển của Toong mà mình đã không giữ được.

* Theo anh điều gì làm nên một doanh nhân thành công?

Mình hay nói đùa với mấy anh em là “Việc mình, mình làm”. Mình làm một công việc hay đầu tư vào một thứ mang lại giá trị mới cho xã hội chứ không phải làm lại một điều cũ. Có thể lúc này khách hàng chưa nhận ra nhu cầu của mình nhưng mình sẽ chỉ cho khách hàng thấy họ cần dịch vụ. Mình làm ở mức thay đổi suy nghĩ của mọi người thì sẽ càng cảm thấy có hứng thú.

Những ý tưởng kinh doanh mà tạo ra một tiêu chuẩn mới hay thay đổi cách nhìn của khách hàng về một mô hình hay dịch vụ mới thì về mặt cá nhân mình luôn có hứng thú. Về mặt cá nhân mình không so bì với đối thủ, tất nhiên mình vẫn có sự theo dõi nhất định tuy nhiên mình sẽ không đặt nặng việc cạnh tranh. Mình đi theo con đường riêng của mình.

* Việc phát triển của Toong lúc này có làm anh hài lòng không?

Có ở khía cạnh lan tỏa sức ảnh hưởng. Mặc dù Toong chưa có ở thành phố Hồ Chí Minh nhưng nhiều mô hình co-working space tại đây hay cả tại Đà Nẵng họ được xây dựng dựa vào sức ảnh hưởng của Toong. Nhiều bạn founder của các co-working space khác đã chia sẻ trên Facebook rằng “anh chị ấy làm tốt quá, làm thôi”.

Đây là một niềm khích lệ cho mình vì tựu chung lại nó thay đổi cách mọi người làm việc. Ít nhất Toong là mô hình đầu tiên để mọi người nhìn vào và thay đổi cách nghĩ về một phòng làm việc.

Mô hình co-working space tại Toong. Ảnh: CafeBiz.

* Một số quan điểm cho rằng chỉ nên khởi nghiệp ở một độ tuổi nhất định, khi đã tích lũy đủ về vốn, kinh nghiệm và quan hệ. Anh nghĩ sao về điều này?

Quan điểm của mình là hãy nhìn vào từng trường hợp cụ thể. Sự chín chắn của con người không phụ thuộc vào số tuổi. Tầm hiểu biết của người đó cũng không phụ thuộc vào bằng cấp của họ. Đặc biệt với mỗi ngành nghề lại đòi hỏi những nền tảng khác nhau. Điều gì cũng có thể xảy ra. Quan trọng nhất là mỗi người tự hiểu mình mạnh ở điểm gì yếu điểm gì.

Chỉ khi mình biết mình yếu ở đâu thì mình mới tìm được cách bù đắp những điểm yếu đó như kết hợp với những người khác trong nhóm hay tìm cách cải thiện bản thân.

* Nếu coi startup như một đứa trẻ anh nghĩ sao để đứa trẻ đó có thể lớn lên?

Mình đang có con nhỏ thì mình nghĩ nên để đứa trẻ tự phát triển là chính nó. Những người cha mẹ phải giúp đứa trẻ có tầm nhìn rộng mở, không chỉ ở Việt Nam mà ở cả thế giới để có thể nhìn thế giới xung quanh và nuôi một hoài bão. Nó có thể trở thành một sản phẩm có sức ảnh hưởng và thậm chí phát triển hơn cả những gì mọi người đang nghĩ về nó.

* Anh có kỳ vọng gì về những thay đổi chính sách của chính phủ mới sẽ giúp các doanh nghiệp có thể phát triển hơn?

Nếu một doanh nghiệp hoặc startup bị phụ thuộc vào sự ủng hộ của bất kỳ bên nào khác thì sẽ không bền vững. Quan trọng là bản thân doanh nghiệp nếu không được hỗ trợ vẫn sống được. Nếu hôm nay được hỗ trợ họ sống được ngày mai không hỗ trợ thì không sống thì nên xem lại có nên khởi nghiệp không?

Nhưng mình luôn hy vọng chính phủ có những chính sách để giúp cho môi trường kinh doanh và đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ phát triển thuận lợi hơn. Đây là xu hướng và là điều tất yếu mà chính phủ sẽ làm vì đây là điều tất yếu cho đất nước phát triển.

Việt Khôi
Nguồn BizLive