Thương mại điện tử - thế giới của những nhà tỉ phú mới nổi

Không phải là điều ngẫu nhiên khi một loạt nhà tỉ phú mới nổi lên đều xuất thân từ ngành thương mại điện tử, bởi trước hết đây chính là sức mạnh của công nghệ trực tuyến, và rồi được tiếp nối bởi sức mạnh của công nghệ di động hóa.

Jeff Bezos đã đi tiên phong trong việc khai thác công nghệ trực tuyến và tự tin đưa Amazon vào vị trí ngang hàng với những nhà kinh doanh siêu thị hàng đầu như Walmart. Trong khi đó, Sachin Bansal và Binny Bansal cũng nhanh chóng gia nhập câu lạc bộ tỉ phú toàn cầu nhờ phát triển thương mại di động. Thương mại điện tử không chỉ tiến nhanh mà còn tiến vững chắc nhờ vào khả năng kết nối mở rộng, liên kết các lĩnh vực với nhau để tạo nên một hệ sinh thái.

Sức mạnh của trực tuyến

Viện nghiên cứu Hurun tại Bắc Kinh (Trung Quốc) đã công bố danh sách những người giàu nhất thế giới tính đến ngày 15-1 năm nay, gồm 2.188 vị tỉ phú. Trong đó, ông chủ Amazon Jeff Bezos được xếp ở vị trí thứ 4, vượt lên 18 bậc, với 53 tỉ đô la so với con số 24 tỉ đô la của một năm trước đó. Điều đáng chú ý là Jeff Bezos đã vượt lên trên ba vị chủ nhân của hệ thống siêu thị lớn nhất thế giới Walmart là Rob, Jim và Alice Walton. Trong khi đó, Binny Bansal và Sachin Bansal của công ty Flipkart (Ấn Độ) lần đầu được ghi tên trong câu lạc bộ tỉ phú, ở thứ hạng 1510 và 1546, với giá trị tài sản cá nhân lên đến 1,4 tỉ đô la.

Jeff Bezos đã đi tiên phong trong việc khai thác công nghệ trực tuyến. Ảnh: aib.edu.au.

Câu lạc bộ nhà giàu đang dần chuyển dịch về phía châu Á, và lần đầu tiên Bắc Kinh qua mặt New York để trở thành kinh đô của các tỉ phú. Số lượng tỉ phú Trung Quốc đã lên đến 568, bao gồm cả 60 người ở Hồng Kông và 34 người ở Đài Loan, vượt qua con số 535 của Mỹ. Bên cạnh đó, Ấn Độ có số lượng tỉ phú tăng thêm 14 người, giữ vững vị trí thứ ba với 111 tỉ phú trên bảng xếp hạng. Công nghệ thông tin và viễn thông vẫn là lĩnh vực có nhiều người giàu có nhất, với 307 người, chiếm 14% danh sách. Trong đó, có 39 người đến từ AirBnB, Kulun Tech, Jetsen và Flipkart. Mỹ vẫn là nước dẫn đầu về tỉ phú công nghệ, nhưng Trung Quốc lại là cái tên đáng chú ý khi đóng góp cho làng công nghệ thế giới đến chín nữ tỉ phú.

Tờ tạp chí Retail Week liệt kê danh sách 100 tỉ phú hàng đầu trong ngành bán lẻ thế giới, và ở đó có đến chín người xuất thân từ thương mại điện tử gồm Jeff Bezos (vị trí thứ 2) của Amazon, Jack Ma (thứ 8) của Alibaba, Michael Otto (thứ 13) của Otto Group, David và Frederick Barclay (thứ 23) của Shop Direct, Pierre Omidyar (thứ 28) của eBay, Hiroshi Mikitani (thứ 32) của Rakuten, Liu Qiangdong (thứ 39) của JD.com – đối thủ của Alibaba, Joseph Tsai (thứ 42) của Alibaba, và Jeff Skoll (thứ 58) của eBay. Vị trí hàng đầu vẫn là Amancio Ortega thuộc tập đoàn thời trang Inditex, người mà trong một khoảng thời gian ngắn đã vượt qua người giàu nhất thế giới Bill Gates. Các vị trí từ thứ 3 đến thứ 5 thuộc về nhà Walton, chủ nhân của hệ thống siêu thị Walmart lớn nhất thế giới, và vị trí thứ 7 thuộc về nhà đầu tư nổi tiếng châu Á là Li Ka-Shing, chuyên ngành mỹ phẩm.

Hai yếu tố tạo nên bản lĩnh nơi một doanh nghiệp là nhận biết cơ hội và dám mạo hiểm.

Theo sau Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ, khu vực Đông Nam Á đang trở thành một trung tâm thương mại điện tử năng động với 600 triệu dân. Nơi đây đang diễn ra cuộc tranh đua ráo riết giữa những công ty kinh doanh trực tuyến nội địa, công ty khu vực và công ty quốc tế. Một luồng vốn đầu tư chưa từng thấy đã đổ vào vùng này từ năm 2014, và 2015 đã trở thành một năm sôi động nhất với sự nổi lên của một số thương hiệu lẫn sự bỏ cuộc của một số khác. Những cuộc mua bán, chuyển nhượng, sáp nhập đã nói lên sự cạnh tranh quyết liệt để chiếm phần trong một thị trường thương mại điện tử đang trên đà tăng trưởng nhanh chóng. Sức mạnh trực tuyến đang chuyển về Đông Nam Á, và người ta không thấy lạ khi Alibaba và JD.com trở thành đối thủ cạnh tranh của nhau ở thị trường này, tuy cùng đến từ Trung Quốc.

Tiên phong và mạo hiểm

Hai yếu tố tạo nên bản lĩnh nơi một doanh nghiệp là nhận biết cơ hội và dám mạo hiểm. Nền thương mại điện tử của thế giới ngày nay đã bắt đầu từ những doanh nhân và doanh nghiệp đi tiên phong như thế, đặc biệt với Jeffrey Preston Bezos, khi ông nhận ra tương lai phía sau sự phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ của Internet trong thập niên 1990. Năm 1994, vào tuổi 30, doanh nhân mạo hiểm đó đã lập nên công ty thương mại điện tử đầu tiên mang tên dòng sông hùng vĩ Amazon, để khai phá tài nguyên Internet vào việc bán hàng, bắt đầu bằng những cuốn sách. Dưới mắt Jeff lúc bấy giờ “Internet là tương lai của nhân loại. Đó không chỉ là một thư viện khổng lồ mà còn là một thị trường rộng lớn cho việc kinh doanh mọi lĩnh vực, mọi dịch vụ và sản phẩm”. Từ khám phá đến khai phá, Bezos đã viết nên trang sử mới cho nền thương mại hiện đại của thế giới.

Đến nay, khi thương mại điện tử ngày càng trở nên phổ biến trên toàn cầu thì người ta càng ngưỡng mộ và thán phục ý tưởng của Bezos. Lấy cảm hứng từ Amazon, tháng 12-1998, Jack Ma cùng với 17 người khác đã thành lập công ty thương mại điện tử đầu tiên cho lục địa Trung Quốc, lấy tên là Alibaba. Alibaba nay không chỉ là tên của một tập đoàn thương mại trực tuyến hàng đầu thế giới mà còn là nhà cung cấp dịch vụ từ bán sỉ, bán lẻ, bán đấu giá, tìm kiếm, mua sắm đến thanh toán điện tử và dữ liệu đám mây.

Ảnh minh họa: thedollarbusiness.com.

Jack Ma của Alibaba và Ren Zhengfei của Huawei là hai người đã mở ra thời đại Internet cho Trung Quốc. Trong khi Huawei tập trung vào việc sản xuất trang thiết bị và công nghệ viễn thông thì Alibaba chuyên chú vào việc phát triển ứng dụng phần mềm tạo nên một hệ thống hoàn chỉnh nền tảng thương mại điện tử.

Gầy dựng hệ sinh thái

Năm 2008, khi nền kinh tế Nhật Bản đi xuống theo cơn suy thoái toàn cầu thì công ty thương mại điện tử Rakuten do Hiroshi Mikitani sáng lập vẫn đạt mức tăng trưởng 16,8%. Người Nhật vốn rất bảo thủ với các thói quen truyền thống đã nhận ra giá trị của giải pháp mà ‘hệ thống kinh tế Rakuten’ đem lại. Tập đoàn kinh tế mang đậm dấu ấn Á Đông này tạo nên một môi trường kinh doanh hài hòa, từ mô hình thương mại B2B2C đến du lịch và bảo hiểm, từ việc cho người nghèo vay tiêu dùng đến việc hỗ trợ các nhà buôn bán nhỏ bán hàng.

Quay về quá khứ, vào tháng 10-1996, Mikitani bắt đầu thử thời vận với hai nhân viên và một trang web kinh doanh trực tuyến vốn rất xa lạ với người Nhật. Tháng 2 - 1997, ông tiếp tục mạo hiểm thành lập công ty MDM và đến tháng 5 năm đó khu chợ trực tuyến Rakuten Ichiba ra đời với chỉ 22 nhà buôn để rồi đến tháng 6-1999, ông chủ trẻ đổi tên MDM thành Rakuten Inc., và một năm sau đó cổ phiếu của tập đoàn này xuất hiện trên sàn chứng khoán Jasdaq.

“Internet là tương lai của nhân loại. Đó không chỉ là một thư viện khổng lồ mà còn là một thị trường rộng lớn cho việc kinh doanh mọi lĩnh vực, mọi dịch vụ và sản phẩm.”

Được thành lập trễ hơn các đối thủ, vào năm 2007, nhưng Flipkart đã trở thành công ty thương mại điện tử lớn nhất Ấn Độ – thị trường đông dân thứ hai của châu Á. Công ty nhanh chóng qua mặt Amazon.india và vượt xa các công ty thương mại bản địa nhờ vào sáng kiến khai thác ứng dụng phần mềm di động. Cũng như ở Trung Quốc, Việt Nam hay các nước Đông Nam Á, tiềm năng thương mại di động ở Ấn Độ rất lớn nhờ vào sự xâm nhập nhanh chóng của các dòng thiết bị di động, đặc biệt là điện thoại thông minh. Khác với việc đầu tư vào trang web thương mại kiểu Amazon hay eBay, việc đầu tư ban đầu vào thương mại di động giúp rút ngắn thời gian, đơn giản và ít tốn kém hơn. Và khi mà điện thoại thông minh ngày càng trở nên phổ biến thì việc sử dụng chúng như một công cụ trong hoạt động mua sắm cũng đang dần trở thành một thói quen của người tiêu dùng. Sachin Bansal và Binny Bansal đã cùng thành công với ý tưởng khai thác phần mềm ứng dụng di động vào việc bán hàng.

Việc Flipkart chọn thương mại di động làm môi trường khởi nghiệp đã tránh được cuộc đụng đầu trực diện với Amazon.india vốn đang sử dụng những trang web làm môi trường kinh doanh vào lúc bấy giờ. Khi mà công ty thương mại điện tử hàng đầu thế giới Amazon không coi Flipkart là đối thủ cạnh tranh thì công ty khởi nghiệp này đã có cơ hội để phát triển. Nhưng rồi đến lúc Amazon nhận ra phải giành miếng bánh thương mại điện tử vốn thích hợp hơn với văn hóa Ấn Độ thì cũng là lúc mà Flipkart đã chuẩn bị sẵn sàng cho chiến lược tạo dựng hệ sinh thái thương mại của riêng mình. Công ty này hiệp áp dụng rộng rãi nhiều phương thức thanh toán khác nhau, từ trả tiền mặt khi khách nhận hàng (COD) đến việc chi trả bằng thẻ tín dụng hay thẻ ghi nợ, và lẽ dĩ nhiên cả bằng phương thức thanh toán điện tử.

Tài liệu tham khảo:
Hurun Global Rich List 2016 (www.hurun.net)
Retail Week’s list of the industry’s wealthiest 100 retailers in 2016 (http://guides.retail-week.com/3264.guide)
India’s E-Commerce Kings Break Into the Billionaires Club (http://blogs.wsj.com)

Anh Vũ
Nguồn Thời báo Kinh tế Sài Gòn