Cho bé cùng đón Tết

Vào những ngày cuối năm, khi người lớn say sưa kể về cái “Tết ngày xưa” của mình, thì dường như các bé chẳng mấy “đồng cảm” với cái thời cổ tích xưa cũ ấy. Tết của bé giờ đây dường như mang đậm ý nghĩa của phong bao lì xì, được nghỉ học, được chơi game và đọc truyện tranh nhiều hơn là học hỏi những giá trị tốt đẹp của những ngày Tết.

Tết ngày xưa, Tết ngày nay

Trẻ con ngày nay hầu như không hiểu rõ giá trị của ngày Tết cổ truyền khi mà cuộc sống tiện nghi và đầy đủ của thời buổi “công nghiệp” đã chiếm hết thời gian cũng như sự quan tâm của các em. Các ký ức và truyền thống mà bố mẹ các em được trải qua như bếp lửa hồng, nồi bánh chưng, bánh tét nghi ngút tỏa hương, mẻ mứt sóng sánh thơm lừng, không khí rộn ràng của việc trang hoàng nhà cửa… trở nên thật xa lạ.

Chị Kim Dung chia sẻ: “Bọn trẻ ở quê thì hào hứng Tết lắm còn bọn trẻ con nhà mình thì chả biết Tết là gì, ăn uống và quần áo đầy đủ quá rồi chẳng thiết tha gì nữa!” Còn chị Phạm Thắm thì nói: “Ở thành phố giờ ngày nào cũng được ăn ngon mặc đẹp, rồi đi chơi khắp nơi, nên con tôi chả có khái niệm gì về tết cả!”

Ở một khía cạnh khác, chính các bậc phụ huynh cũng thừa nhận vai trò của mình trong thái độ thờ ơ với Tết của các em, chị Ngọc Hân nói: “Tết đến xuân về, thay vì sự háo hức rạo rực, bản thân tôi cũng cố gắng giản tiện hết mức có thể trong việc chuẩn bị Tết. Ngày Tết cũng như ngày thường, con lại chỉ thích “chúi đầu” vào tivi, máy tính và những quyển truyện tranh”. Hay như trường hợp của chị Ngọc Trang thì lại là: “Vì mải cuốn theo nhịp sống bận rộn của công việc mưu sinh, tôi vô tình làm mất đi cơ hội đón Tết đúng nghĩa của con trẻ. Tết nào cũng chỉ có thể cho con bánh mứt, kẹo ngọt, cứ nghĩ thế là đủ, mà vô tình quên mất chỉ cho các bé cái cảm giác “Tết đến trong lòng” thật ra là như thế nào cũng vô cùng quan trọng.”

Tết là của cả nhà!

Theo Tiến sĩ tâm lý Huỳnh Văn Sơn, trẻ em thường ấn tượng sâu sắc và mạnh mẽ với những kích thích lạ nên việc để cho trẻ nhớ và yêu Tết không có gì khó. Song song với việc hướng trẻ đến các ngày lễ hiện đại thì cha mẹ cũng nên giúp trẻ có ấn tượng về ngày Tết cổ truyền. Để trẻ hiểu hơn về giá trị Tết truyền thống, các bậc cha mẹ nên duy trì không khí chuẩn bị ngày Tết, tổ chức sinh hoạt gia đình phù hợp với sức khỏe và khả năng của trẻ: nhặt lá mai, lau bậc cửa, phụ mẹ những việc dọn dẹp lặt vặt…, tránh “công nghiệp hóa” Tết bằng cách: thuê dọn nhà, thuê nấu món… Những hành động giản đơn đó nghĩa là đã giúp trẻ hiểu biết sâu sắc và ý nhị về cái Tết. Đây cũng là cơ hội giáo dục sâu sắc để trẻ vẫn có thể hòa nhập với thế giới phẳng nhưng vẫn giữ bản sắc truyền thống.

Trẻ chung tay “làm” Tết

1. Bé đi sắm Tết

Hãy cho bé cùng tham gia vào những hoạt động mua sắm cuối năm của gia đình. Có thể trao đổi cùng với bé và để bé góp ý, khả năng tư duy của bé sẽ được vận dụng, đồng thời cho bé thấy rằng bé cũng có tiếng nói quan trọng trong gia đình của mình.

2. Bé cùng dọn nhà đón Tết

Chắc chắn bé sẽ rất háo hức khi tham gia dọn dẹp, giặt giũ, trang trí nhà cửa cùng bố mẹ vì đó cũng là cách chỉ bảo cho bé biết tự lập, cũng như biết chia sẻ, giúp đỡ cha mẹ. Nếu bé có một phòng ngủ hoặc góc học tập riêng, hãy để bé trang trí theo ý của mình, sẽ càng kích thích óc sáng tạo của bé hơn.

3. Chuẩn bị thức ăn, cỗ Tết cùng gia đình

Cho bé tham gia vào việc gói bánh chưng hoặc chuẩn bị các món ăn Tết để bé hiểu được ý nghĩa cũng như cách thực hiện các món ăn truyền thống đó. Khi chuẩn bị cỗ cúng giao thừa, bạn nên chỉ cho bé những việc đơn giản để bé làm cùng như nhặt rau, sắp mâm… Cả gia đình cùng nhau chuẩn bị đón Tết trong một không khí vui vẻ, đầm ấm, đó là điều hạnh phúc không chỉ với cha mẹ mà còn mang lại rất nhiều ý nghĩa cho con trẻ nữa.

Nguồn Omo Việt Nam