Những rào cản khiến startup công nghệ Việt khó "tỏa sáng"

Lê Thanh Sơn là nhà sáng lập Startup Grind (Singapore) - một cộng đồng kết nối doanh nhân, nuôi dưỡng các hệ sinh thái khởi nghiệp tại 85 quốc gia.

Startup Grind cũng là đối tác của Google trong phát triển kỹ năng cho doanh nhân. Với những hiểu biết về cộng đồng khởi nghiệp của nhiều quốc gia, anh Sơn đã chỉ ra những rào cản - đến từ chính các kỹ sư công nghệ Việt - khiến startup công nghệ Việt khó "tỏa sáng".

Nội dung dưới đây được lược trích trong bài chia sẻ của anh Sơn trên trang e27 - một blog dành cho giới công nghệ:

1. Khả năng ngoại ngữ

Phần lớn các kỹ sư Việt có khả năng Anh ngữ kém. Tôi biết có trường hợp một sinh viên kỹ thuật tài năng đã trượt khỏi cuộc phỏng vấn thực tập của Google bởi vì anh ta không thể hiểu được người phỏng vấn nói gì. Tiếng Anh yếu đồng nghĩa với việc các kỹ sư cũng như nhà sáng lập tự đánh mất rất nhiều cơ hội.

Lê Thanh Sơn

Lê Thanh Sơn, nhà sáng lập Startup Grind (Singapore).

2. Kỹ năng mềm

Tôi muốn nhắc đến các kỹ năng như thuyết trình, giao tiếp, ứng xử và tạo lập mối quan hệ. Trong chương trình đào tạo tại Việt Nam trước đây không có một môn học hay hoạt động ngoại khóa nào nhằm xây dựng những kỹ năng này cho sinh viên ngành kỹ thuật.

Những công ty sử dụng lao động công nghệ cao tại Việt Nam thường yêu cầu những sinh viên ngành này làm thử 3 - 6 tháng trước khi trở thành nhân viên chính thức của công ty. Thông thường, những sinh viên đã trải qua một vài kỳ thực tập trong quá trình học chính thức sẽ hoàn thành thử thách này tốt hơn những sinh viên khác.

3. Văn hóa đội nhóm

Các kỹ sư Việt Nam có thể làm việc một mình hoặc một nhóm nhỏ rất hiệu quả. Thế nhưng vấn đề sẽ xảy ra khi họ phải làm việc với đội ngũ lớn hơn, đó thực sự là một khó khăn để xây dựng và phát triển một doanh nghiệp.

4. Lập kế hoạch dài hạn

Một Việt kiều Canada có công ty công nghệ tại TP.HCM chia sẻ rằng, một trong những kỹ sư làm việc cho ông đã sẵn sàng đến một công ty khác vì mức lương cao hơn 50USD.

Ông chỉ ra rằng các kỹ sư Việt - ít nhất là những người đang làm việc cho ông - không sẵn sàng chấp nhận rủi ro và bó hẹp các suy nghĩ, tầm nhìn của mình. Một doanh nhân người Singapore đã xây dựng đội ngũ công nghệ với 20 nhân viên phát triển phần mềm tại TP.HCM cũng kể rằng sơ yếu lý lịch của những nhân sự này ghi nhận họ thay đổi công việc từng năm.

Có lẽ, những nhà sử dụng lao động nước ngoài ở Việt Nam không sẵn sàng trả mức lương cao, bởi họ vẫn coi Việt Nam là nơi có nhân công rẻ. Yếu tố đó cũng khiến những kỹ sư phần mềm dù có tài vẫn không thể tập trung vào xây dựng con đường sự nghiệp của họ.

5. Chảy máu chất xám

Rất nhiều kỹ sư giỏi đã rời bỏ Việt Nam để đến những nước phát triển như Singapore, Mỹ, Úc, Nhật, hay các nước châu Âu. Vì vậy, các công ty nước ngoài muốn xây dựng nhóm nhân viên công nghệ tại Việt Nam đã vấp phải khó khăn khi tìm kiếm những người tài năng và có kinh nghiệm, kể cả trong kỹ thuật lẫn khả năng lãnh đạo.

Tăng Khánh
Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn