Ngân hàng sẽ bỏ lại cuộc cạnh tranh về mạng lưới để bước vào “cuộc chiến” khác?

Nỗ lực mở rộng mạng lưới bằng chi nhánh, phòng giao dịch, điểm ATM, POS của các ngân hàng vẫn chưa có hồi kết thì gần đây xu hướng đầu tư mạnh vào công nghệ lại nở rộ.

Có ý kiến cho rằng, một "cuộc chiến" tiếp theo để thu hút khách hàng là khó tránh khỏi.

Các ngân hàng không ngừng chinh phục vùng đất mới

Thời kỳ cứ ra ngõ gặp ngân hàng với nhà nhà lập ngân hàng, rồi đua nhau mở rộng mạng lưới và ồ ạt tăng vốn đã qua, trải qua giai đoạn tái cấu trúc hệ thống theo đề án 254, hoạt động của các ngân hàng được phanh lại để đảm bảo an toàn, lành mạnh. Việc mở rộng chi nhánh, phòng giao dịch của các ngân hàng hiện đều phải tuân thủ quy định của NHNN một cách chặt chẽ, chẳng hạn như mỗi ngân hàng không được mở quá 10 chi nhánh trong nội thành Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh; phải đáp ứng tiêu chuẩn nợ xấu dưới 3%; vốn cho mỗi chi nhánh mới là 300 tỷ đồng…

Khó khăn là vậy, nhưng các ngân hàng vẫn nỗ lực mở rộng mạng lưới. Và hàng tháng, hàng năm, các nhà băng vẫn lên kế hoạch, nơi thì chuyển đổi phòng giao dịch, chỗ thì mở rộng ra các khu vực chưa tên mình, có những ngân hàng lại lên kế hoạch thâu tóm, sáp nhập các ngân hàng khác để mở rộng mạng lưới một cách nhanh chóng nhất.

Nếu như thời điểm này 2 năm trước, toàn hệ thống có 38 ngân hàng thương mại với hơn 9.200 chi nhánh/phòng giao dịch và tập trung nhiều ở thành thị, thì đến nay, dù số lượng ngân hàng đã giảm còn 34 sau các thương vụ sáp nhập đình đám, nhưng mạng lưới của các ngân hàng lại mở rộng lên con số hơn 10.000, trải dài không chỉ từ thành thị đến nông thôn khắp cả nước mà còn ra nước ngoài.

Dẫn đầu hệ thống hiện nay vẫn là Agribank với khoảng 2.300 chi nhánh, phòng giao dịch khắp 63 tỉnh, thành. Ngân hàng này cũng đã có chi nhánh nước ngoài ở Campuchia. Nhưng xét về điểm giao dịch thì Lienvietpostbank mới là ngân hàng dẫn đầu với hơn 10.000 điểm cung cấp dịch vụ trên hệ thống phòng giao dịch bưu điện trên toàn quốc, cộng với gần 100 chi nhánh, phòng giao dịch.

Tiếp đến là BIDV, sau khi nhận sáp nhập MHB thì BIDV có 191 chi nhánh và 815 phòng giao dịch. Ngân hàng VietinBank có 155 chi nhánh nhưng điểm giao dịch thì lên đến gần 1.200 điểm. Vietcombank là ngân hàng trong top đầu nhưng bị bỏ khá xa so với BIDV và VietinBank về mạng lưới, hiện chỉ có hơn 460 chi nhánh, điểm giao dịch.

Sacombank là ngân hàng cổ phần tư nhân đáng gờm nhất về mạng lưới sau khi nhận sáp nhập SouthernBank với 563 điểm giao dịch trên toàn quốc.

Cùng với Agribank thì các ngân hàng BIDV, VietinBank, Sacombank, SHB đều đã có chi nhánh, thậm chí là ngân hàng con ở nước ngoài như Sacombank, SHB.

Nỗ lực đổ tiền cho công nghệ

Trong thời gian tới, ngân hàng sẽ tiếp tục đầu tư cho công nghệ số và đây là một trong những chiến lược ưu tiên hàng đầu.

Trong bối cảnh mở rộng mạng lưới truyền thống khó khăn mà xu hướng sử dụng các dịch vụ online lại ngày càng nở rộ thì nhiều ngân hàng đã chuyển hướng sang đầu tư cho công nghệ, một mặt để cạnh tranh thu hút khách hàng, mặt khác không muốn bị bỏ lại phía sau trong công cuộc hội nhập.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Trần Nhất Minh, Phó Tổng giám đốc ngân hàng VIB cho biết, ngân hàng của ông khuyến khích khách hàng truyền thống thay vì đến chi nhánh thực hiện giao dịch, thì sẽ thực hiện giao dịch qua các kênh trực tuyến như là website, internet banking, mobile banking.

Và để đáp ứng nhu cầu, ngân hàng đang có các sản phẩm đa dạng trên kênh trực tuyến như là mở tài khoản thanh toán, gửi tiết kiệm, thanh toán hóa đơn, các sản phẩm thẻ…với tính bảo mật rất cao. Trong thời gian tới, ngân hàng sẽ tiếp tục đầu tư cho công nghệ số và đây là một trong những chiến lược ưu tiên hàng đầu.

Ông Minh cho biết thêm, không chỉ bây giờ ngân hàng mới chú trọng đến đầu tư cho công nghệ mà trong nội bộ ngân hàng từ 4 năm trước, các công việc tại hội sở đã được xử lý trên nền tảng cộng nghệ tới 90%. Ông đồng thời tự tin rằng nhờ có đối tác chiến lược CBA của Úc mà nhà băng này sẽ có được lợi thế trên thị trường, sẽ là một trong những ngân hàng ứng dụng công nghệ số tốt nhất.

Ông Huỳnh Bửu Quang, Tổng giám đốc Ngân hàng MaritimeBank trong khi đó chia sẻ, ngân hàng cũng rất chú trọng vào công nghệ. Chẳng hạn để nâng cao chất lượng trải nghiệm cho khách hàng, riêng năm 2016 HĐQT ngân hàng này đã phê duyệt ngân sách hơn 200 tỷ đồng để đầu tư vào các dự án công nghệ, trong đó có việc nâng cấp giao diện và các tính năng mới cho hệ thống internet banking.

CEO của một ngân hàng khác thì tiết lộ, ngân hàng của ông thời gian qua cũng chi khá mạnh tay cho công nghệ, và tới đây còn áp dụng công nghệ sinh trắc (dùng vân tay, khuôn mặt…) – công nghệ tiên tiến nhất hiện nay- trong các giao dịch trực tuyến nhằm đem đến dịch vụ bảo mật an toàn nhất cho khách hàng. Theo vị lãnh đạo ngân hàng này thì trong thời buổi internet và các thiết bị số ngày càng hiện đại, ngân hàng cũng phải hiện đại theo và ai bắt kịp tốt xu hướng này thì sẽ có lợi thế hơn, ít nhất là so với các ngân hàng cùng quy mô, phân khúc.

Các ngân hàng vừa nỗ lực cạnh tranh về mạng lưới vừa phải đầu tư cho công nghệ để thu hút khách hàng.

Ngân hàng sẽ bỏ lại cuộc cạnh tranh về mạng lưới để bước vào cuộc chiến công nghệ?

Trong khi cuộc chiến về mở rộng mạng lưới vẫn chưa có hồi kết thì việc các ngân hàng đồng loạt đầu tư mạnh vào công nghệ nhằm thu hút khách hàng đã làm dấy lên lo ngại rằng, có thể họ sẽ bước tiếp vào một cuộc chiến cạnh tranh khác đó là công nghệ.

TS. Bùi Quang Tín cho rằng, việc các ngân hàng đang đầu tư mạnh vào công nghệ chính là trả lời một phần cho câu hỏi này. Bởi lẽ theo xu thế hiện nay trên thế giới, các ngân hàng tại các quốc gia đang dần đóng cửa các chi nhánh, phòng giao dịch truyền thống để chuyển sang tăng cường các dịch vụ online thông qua việc phát triển mạnh công nghệ ngân hàng. Ngoài ra, ông Tín dự báo việc phát triển mạng lưới cũng đang bị NHNN hạn chế nên việc đầu tư công nghệ để phát triển khách hàng sẽ được các ngân hàng ưu tiên và phát triển mạnh trong thời gian tới.

Ông đồng thời lưu ý, việc đầu tư công nghệ ngoài việc thay thế cho việc cạnh tranh mở rộng mạng lưới như trước trong việc tăng khách hàng, thì ngân hàng còn phải gia tăng tính bảo mật và an toàn trong hệ thống cung cấp thẻ ngân hàng. Hơn nữa, các ngân hàng nội cũng phải cẩn trọng bởi xu thế sắp tới khi mà các ngân hàng nước ngoài vào theo các FTA mới thì họ sẽ mang công nghệ rất hiện đại theo ngân hàng của họ, nếu ngân hàng Việt không đầu tư, không nâng cấp thì xem như mình tự thua trong cuộc chiến tại sân nhà.

Một vị chuyên gia khác lại không hoàn toàn đồng tình với ý kiến này mà cho rằng, trong ngân hàng nói chung và đặc thù Việt Nam thì mỗi ngân hàng đều có định vị làm sao thuận tiện nhất cho khách hàng. Ngân hàng phải đa kênh, từ online, giao dịch trực tuyến, hệ thống ATM cho đến phòng giao dịch…Bởi cả chi nhánh truyền thống lẫn sử dụng công nghệ đều chung mục đích thuận tiện.

CEO của Maritime Bank ông Huỳnh Bửu Quang cũng nói rằng, dựa vào nhu cầu của khách hàng hiện nay cũng như xu hướng phát triển trong những năm sắp tới tại thị trường Việt Nam thì cần phải cân bằng việc đầu tư vào các kênh truyền thống như mạng lưới chi nhánh và ATM và các kênh hiện đại như internet, mobile banking…

Đầu tư công nghệ sẽ không thể tạo ra một cuộc chiến giữa các ngân hàng vì đó là xu thế tất yếu của ngành.

Như ở ngân hàng của ông vẫn đang tiến hành nâng cấp và mở rộng mạng lưới để phục vụ khách hàng tốt hơn. Hiện nay với số lượng gần 300 chi nhánh và gần 500 ATM tại 38 tỉnh thành trên cả nước, MaritimeBank đang nằm trong top những ngân hàng cổ phần có mạng lưới rộng nhất tại Việt Nam. Song không vì vậy mà cảm thấy an toàn trước đối thủ cạnh tranh, ngân hàng sẽ tiếp tục đầu tư phát triển mạng lưới chi nhánh để đáp ứng được các nhu cầu của khách hàng.

Một ý kiến trái chiều, TS. Phan Minh Ngọc lưu ý rằng, đầu tư công nghệ là nhằm tạo lợi thế cạnh tranh so với đối thủ trong bối cảnh ai cũng tương tự nhau và cùng cạnh tranh trên một thị trường chật hẹp. Đầu tư công nghệ sẽ không thể tạo ra một cuộc chiến giữa các ngân hàng vì đó là xu thế tất yếu của ngành. Giống như cách mạng công nghiệp trước đây, cơ khí hóa, tự động hóa là một xu thế tất yếu, ai không theo kịp sẽ bị bỏ lại mà chẳng có một cuộc chiến nào nổ ra giữa các nhà tư bản bỏ vốn hiện đại hóa cả.

Hơn nữa, theo Tiến sĩ Ngọc, đầu tư công nghệ cao tại một số ngân hàng sẽ làm cho khách hàng quen thuộc với những công nghệ mới, từ đó đòi hỏi những ngân hàng khác cũng phải đầu tư. Nhưng sự đầu tư này không phải là vô ích vì ngân hàng đi sau không mất tiền quảng cáo, trong khi vẫn tiết giảm được nhiều chi phí hoạt động, đồng thời giảm được nhiều rủi ro do ứng dụng công nghệ cao.

Tóm lại, ông Ngọc cho rằng, đầu tư vào công nghệ là một tình huống win-win cho tất cả các bên và xu hướng này cũng phổ biến ở các nước khác trên thế giới.

Tùng Lâm
Nguồn Trí thức trẻ