Evan Spiegel vs Mark Zuckerberg: Gợi lại hình ảnh Steve Jobs và Bill Gates trong quá khứ

Mối quan hệ giữa Steve Jobs và Bill Gates khá phức tạp. Họ thành lập công ty của riêng mình trong cùng một khoảng thời gian và có nhiều ý tưởng tương tự.

Cả hai đều tin rằng người tiêu dùng bình thường sẽ muốn mua một chiếc máy tính cá nhân. Cả hai đều nhìn thấy tiềm năng của các nghiên cứu được thực hiện trong phòng thí nghiệm của Xerox, nơi phát minh ra giao diện người dùng đồ họa và con chuột. Cả hai đều có cái tôi rất lớn và miệng lưỡi sắc sảo.

Jobs và Gates khá khác biệt về tính khí. Sáng lập Apple coi mình là một nghệ sĩ và đánh giá thiết kế cùng trải nghiệm người dùng cao hơn công nghệ. Ông hiểu được sức mạnh của một chiến dịch marketing được thiết kế tốt, một điều mà các kỹ sư thường không coi trọng. Ông biết cả kỹ thuật và công nghệ nhưng là người luôn đặt tính thẩm mỹ lên hàng đầu.

Gates là một nhà phát minh, một kỹ sư và một doanh nhân không ngừng phát triển. Nhưng trong nhiều cuộc phỏng vấn khác nhau, Jobs đã nói Gates là một người nhàm chán, một người "chả có vị quái gì", "chẳng phát minh ra bất cứ thứ gì" và là "một người có thể sao chép ý tưởng của người khác mà không thấy xấu hổ".

Hiện tại, một cuộc chiến khác gần giống cuộc chiến giữa Apple và Microsoft đang nổ ra. Hai bên tham gia cuộc chiến này là Facebook và Snapchat, những công ty đang muốn thống trị thế giới mạng xã hội.

Có gì vui?

Facebook hiện là gã khổng lồ không thể ngăn cản trong thế giới mạng xã hội, giống như Microsoft trong thị trường máy tính cá nhân. Gần hai tỷ người dùng mạng xã hội này mỗi tháng.

Mark Zuckerberg mang tâm hồn của một kỹ sư và anh đã xây dựng được một nền văn hóa đặc trưng tại Facebook nơi các kỹ sư có sự tự do và trách nhiệm. Kỹ sư của Facebook được phép thử nghiệp, phát triển nhanh và phá vỡ mọi thứ.

Zuckerberg cũng là một doanh nhân thông minh, anh nhanh tay thâu tóm các công ty như Instagram và WhatsApp trước khi chúng lớn mạnh tới mức trở thành đối thủ đáng gờm của Facebook. Zuck cũng có ý định thâu tóm Snapchat nhưng Spiegel đã từ chối.

Zukerberg cũng có những quyết định mang tính đột phá về mặt kỹ thuật. Anh đã tách chiến lược di động của Facebook khỏi tiêu chuẩn HTML5 tồi tệ và hướng tới một ứng dụng di động độc lập trước khi quá muộn. Anh còn tham gia vào nhiều thị trường khác như tin nhắn và thực tế ảo.

Facebook chẳng có gì vui

Người ta dùng Facebook vì mọi người đều dùng Facebook. Đây là cách mặc định để liên lạc với người thân, bạn bè trong thời đại ngày nay.

Nhưng lần cuối Facebook mang tới cho bạn một nụ cười là từ khi nào? Chắc là rất lâu rồi đúng không? Giống như Windows trong năm 1998, Facebook là một thứ tiện ích.

Nhưng Snapchat thì khác, tất cả đều hướng tới sự vui vẻ.

Những người trưởng thành có thể nhìn vào Snapchat và nghĩ: "Ảnh tự xóa và những bộ lọc ngớ ngẩn này là gì vậy? Ai thèm quan tâm chứ".

Nhưng giới trẻ yêu thích Snapchat vì nó không quá nghiêm túc. Không có bất kỳ áp lực nào khiến người dùng Snapchat phải gây ấn tượng với bạn bè bằng những hình ảnh đẹp và nhiều tương tác như trên Instagram hoặc Facebook. Không cần sống ảo, không cần câu like. Chẳng ai gây áp lực khiến bạn phải khoe cuộc sống của mình tuyệt như thế nào. Nó chỉ đơn giản là mang tới cho người dùng những giây phút vô lo vô nghĩ, vui vẻ...

Sáng lập Snapchat Evan Spiegel cho mọi người thấy anh thông minh như thế nào bằng việc tung ra chiếc kính thông minh Spectacles theo cách chẳng ai nghĩ tới. Không hề có sự kiện báo chí, không hề cần sân khấu, không cần gửi phiên bản thử nghiệm tới cho phóng viên chông nghệ. Thậm chí chẳng hề có thông cáo báo chí.

Thay vào đó, Snapchat tự chế một chiếc máy bán hàng tự động ngộ nghĩnh và đặt nó ở một con phố tại Vine, California, ngay gần văn phòng của mình.

Nhìn vào chiếc máy bán hàng tự động ấy chúng ta thấy bóng bay, một con mắt khổng lồ và màu sắc sặc sỡ.

Rất ngộ nghĩnh và hài hước. Các sự kiện ra mắt sản phẩm của Steve Jobs cũng vậy, thường rất hài hước.

Và mọi người xếp hàng dài xung quanh chiếc máy đó để mua kính Spectacles.

Theo logic, người ta nghĩ rằng chiếc máy bán hàng này sẽ được Snapchat đặt ở những nơi tập trung nhiều dân công nghệ như quận Mission ở San Francisco hoặc Williamsburg ở Brooklyn.

Nhưng Snapchat rất biết đùa, họ không làm như người ta thường nghĩ. Thay vào đó, họ mang những chiếc máy này tới những nơi có cảnh quan thiên nhiên đẹp nhất thế giới như Big Sur, lưng chừng bờ biển California giữa Los Angeles và San Francisco. Và mọi người đã phải lái xe hàng trăm kilomet để có thể mua kính.

Tiếp theo vẫn không phải là San Francisco hoặc New York. Thay vào đó, chiếc máy bán hàng tự động này xuất hiện phía trước một con cá voi bằng gỗ khổng lồ trên chiếc hồ gần Tulsa, Oklahoma. Và người ta vẫn xếp hàng trước nó để mua Spectacles.

Hiện tại, người dân Mỹ quét bản đồ Snapbot mỗi ngày nhằm tìm kiếm cơ hội xếp hàng và trả 130 USD cho một chiếc kính râm có khả năng quay video, chụp ảnh để chia sẻ với bạn bè.

Đố bạn nhớ được lần cuối cùng người ta xếp hàng để chờ đợi bất cứ điều gì từ Facebook là khi nào?

Giống như cuộc chiến giữa Microsoft và Apple, Facebook bắt đầu copy các tính năng của Snapchat. Có ít nhất hàng chục tính năng của Facebook giống với tính năng trên Snapchat. Gần đây nhất, Zuck đã nói với nhân viên của mình rằng: "camera chính là một nhà soạn nhạc". CEO Facebook muốn công ty của anh có camera mà Snapchat đang sở hữu. Snapchat cũng đã đổi tên thành Snap, Inc. và thay đổi thương hiệu thành "công ty camera".

Dẫu vậy, sự tương đồng giữa Snapchat/Facebook và Apple/Microsoft không được hoàn hảo cho lắm. Snapchat được thành lập sau Facebook trong khi Microsoft và Apple xuất hiện trong cùng một khoảng thời gian.

Và chắc chắn Snapchat sẽ không bao giờ tìm tới Facebook để tìm kiếm một sự hỗ trợ khẩn cấp giống như Apple từng làm với Microsoft, đặc biệt là khi Google, đối thủ lớn nhất hiện tại của Facebook, lại là một trong những nhà đầu tư của Snapchat. Vai trò của Google trong cuộc chiến giữa Snapchat và Facebook hiện tại giống IBM trong cuộc chiến năm xưa giữa Microsoft và Apple.

Nhưng dù nó kết thúc thế nào chăng nữa thì Spiegel và Zuckerberg đang tạo nên một cuộc chiến công nghệ cho cả một thế hệ.

Business Insider
Nguồn Trí thức trẻ