Starbucks sẽ làm thay đổi thói quen của người tiêu dùng?
Đầu năm 2013, chuỗi thương hiệu cà phê số 1 thế giới là Starbucks đến Việt Nam. Đây sẽ là cuộc thử thách với thương hiệu cà phê Việt.
Người vui, kẻ buồn
Thông tin Cafe Starbucks đến Việt Nam khiến người vui, kẻ buồn.
Vui vì nền kinh tế của nước ta phát triển khiến ngày càng có nhiều thương hiệu tham gia thị trường. Việc Tập đoàn giải khát nổi tiếng của Mỹ, cà phê Starbucks, sẽ khai trương cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam vào tháng 2 năm nay trong kế hoạch mở rộng hoạt động kinh doanh tại các thị trường phát triển nhanh ở Châu Á.
Giám đốc Starbucks ở Trung Quốc và Châu Á Thái Bình Dương, ông John Culver xác nhận Việt Nam là một trong những thị trường năng động và thú vị nhất trên thế giới. Ông này cũng thừa nhận Starbucks đã thu mua vài loại cà phê arabica cao cấp nhất của Việt Nam và cho hay về lâu dài sẽ tiếp tục tìm mua thêm các loại cà phê khác tại đây.
“Starbucks tôn trọng văn hóa uống càphê truyền thống và lâu dài của người Việt Nam, vậy nên chúng tôi muốn đóng góp vào sự phát triển sôi động của thị trường cà phê tại đây,” ông Culver nói.
Nhưng cũng có người buồn vì Việt Nam là "cường quốc" sản xuất cà phê nhưng không có nhiều thương hiệu chế biến cà phê uy tín. Các thương hiệu cà phê Việt vẫn chỉ ở mức định hình chỗ đứng.
Biến thách thức thành cơ hội
Tuy nhiên, cà phê Starbucks đến Việt Nam sẽ mang lại nhiều cơ hội hơn là thách thức cho thị trường cà phê trong nước. Nhiều chuyên gia và doanh nghiệp kinh doanh trong ngành cà phê đã nhận định như vậy khi được hỏi về cà phê Starbucks dự kiến sẽ tham gia thị trường cà phê của Việt Nam vào đầu năm 2013.
Để chuẩn bị cạnh tranh với Starbucks trong phân khúc cao cấp, Trung Nguyên đã chi hàng chục tỉ đồng để đầu tư và nâng cấp chuỗi 55 cửa hàng cao cấp trong cả nước. Vị đại diện Trung Nguyên vẫn tự tin: “Việt Nam là một nước có văn hóa cà phê riêng, nên để thâm nhập và thành công ở thị trường này không phải là điều dễ dàng. Starbucks cũng từng thất bại ở những thị trường có văn hóa cà phê mạnh như Úc và châu Âu”.
Còn ông Andrew Nguyễn, Giám đốc Điều hành chuỗi Coffee Bean & Tea Leaf tại Việt Nam nói rằng, cạnh tranh là quy luật của thị trường và mục tiêu cao nhất của họ là ngày càng cải thiện chất lượng dịch vụ để phục vụ khách hàng tốt hơn.
Ông Đoàn Đình Hoàng, người có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành cà phê cho rằng Starbucks đến Việt Nam sẽ làm thay đổi thói quen của người tiêu dùng.
Giám đốc một công ty kinh doanh cà phê ở TPHCM cũng cho rằng ông không lo ngại về việc các công ty kinh doanh cà phê mở chuỗi bán lẻ cà phê ở Việt Nam bởi “gu” cà phê của Việt Nam vẫn khác so với hương vị cà phê của các công ty cà phê quốc tế.
Ông cũng cho rằng, khi các công ty nước ngoài tham gia thị trường cà phê Việt Nam cũng là điều tốt đẹp cho nông dân trồng cà phê Việt Nam. Bởi Việt Nam vẫn là quốc gia hàng đầu về xuất khẩu cà phê nhân, về lâu dài các công ty đa quốc gia sẽ dùng nguyên liệu của nước sở tại để chế biến cà phê và thu mua cà phê nhân để phục vụ cho những chi nhánh của họ ở những quốc gia khác.