Diana, Phở 24 tự “bán mình” cho đối tác

Trong rất nhiều vụ thâu tóm, đối tác ngoại âm thầm dùng chiêu loại đối tác Việt ra khỏi liên doanh nhưng cũng có trường hợp, doanh nghiệp Việt chủ động ‘bán mình’.

Chủ động “bán mình”

Ts Lý Quí Trung, đồng sáng lập và là Chủ tịch của Nam An Group (chủ sở hữu Phở 24) chưa từng lên tiếng về thương M&A gây ồn ào suốt năm qua nhưng nhìn từ ngoài vào, hầu hết mọi người đều có cùng chung quan điểm, Phở 24 tự “bán mình” cho đối tác chứ không phải bị đối tác ngoại dùng chiêu thâu tóm.

Phở 24 là một trong những mô hình franchise thành công tại Việt Nam. Tiến sĩ Lý Quí Trung mở tiệm Phở 24 đầu tiên vào tháng 6/2003 tại số 5 Nguyễn Thiệp, Q.1, TP.HCM với số vốn ban đầu 1 tỷ đồng. Ông có thể coi là một trong những người đầu tiên mang mô hình nhượng quyền thương hiệu vào nước ta.


100% cổ phần Phở 24h được bán cho Highlands Coffee

Mô hình này làm mưa, làm gió trong một khoảng thời gian khá dài. Thế nhưng đùng một cái, dư luận bất ngờ với thông tin 100% cổ phần Phở 24 được bán cho Highlands Coffee. Thương vụ này được đồn đoán có giá trị lên tới 20 triệu USD. Sau đó lại có tin đồn cho rằng Highlands Coffee bán 50% cổ phần Phở 24 cho Jollibee (Philippines).

Một sự kiện “bán mình” của doanh nghiệp được nhắc tới nhiều nữa chính là Diana. Công ty Cổ phần Diana đã hoàn tất việc bán lại 95% cổ phần cho Unicharm của Nhật. 128 triệu USD là mức giá được giới truyền thông trong nước phát đi, nhưng con số được The Asset, tạp chí tài chính hàng đầu châu Á, nhắc đến khi trao giải thưởng cho các thương vụ tốt nhất châu Á năm 2011, trong đó có Diana của Việt Nam, lại là 184 triệu USD.

Là doanh nghiệp hàng đầu của Nhật, khi mua lại Diana, Unicharm cùng lúc đặt hai mục tiêu: thị trường Việt Nam và trở thành trung tâm xuất khẩu qua Trung Quốc và cả Đông Nam Á.

Unicharm rõ ràng được hưởng lợi từ lãi suất vay rất thấp từ quốc gia của họ, cộng với giá trị đồng yen đang tăng cao. Và quan trọng là sau nhiều năm kinh doanh tại Việt Nam, từ năm 2007, sản phẩm ở phân khúc cao của Unicharm là băng vệ sinh Sofy và tã giấy Mamy Poko chưa thể phát triển mạnh và đạt thị phần như mong đợi (thị phần nhỏ đến mức không thể thống kê được).

Unicharm lại đang cần bàn đạp để chinh phục châu Á, đặc biệt là miền Nam Trung Quốc. Vì thế, Việt Nam là một lựa chọn tốt để trở thành trung tâm xuất khẩu qua Trung Quốc và cả Đông Nam Á. Thế nên, đây được xem là thương vụ có lợi cho Unicharm.

Ít gây xôn xao hơn nhưng vụ việc chủ sở hữu “Coffee Đức Lập Minh An” và “Coffee Đức Lập Dakmil” dự định đem bán 2 thương hiệu này cho một doanh nghiệp Trung Quốc (từng lấy cắp thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột) với giá 18 tỉ đồng cũng khiến dư luận giật mình.

“Bán mình” để “chạy làng”

Không ít người đã lên tiếng chê trách các doanh nghiệp chủ động “bán mình”. Tuy nhiên, xét ở một góc độ nào đó, doanh nghiệp không phải không có lý khi “chạy làng” đúng thời điểm.

Ông Đỗ Anh Tú, Tổng giám đốc công ty Diana phát biểu trong thông cáo báo chí là việc Unicharm trở thành cổ đông nắm cổ phần chi phối sẽ giúp Diana cải tiến về công nghệ, phát triển sản phẩm và đẩy mạnh xuất khẩu thông qua mạng lưới rộng khắp toàn cầu của Unicharm.

Tìm hiểu sâu hơn, vào thời điểm “bán mình”, Diana cũng như nhiều doanh nghiệp Việt khác đang chịu áp lực từ điều kiện kinh tế vĩ mô cho sự tăng trưởng cả ở nội địa và ra nước ngoài. Đó là lãi suất vay USD đến 7% và tiền đồng đến xấp xỉ 20%, cộng thêm đồng nội tệ giảm giá. Chi phí vốn trở nên đắt đỏ và tác động đến ngay cả những công ty dẫn đầu ngành như Diana.

Trong nước đã khó, mà ra nước ngoài thì càng khó khăn. Diana muốn tăng trưởng bền vững và tăng cường năng lực cạnh tranh xuất khẩu trong dài hạn thì phải chọn 1 trong 3 con đường: hoặc tiếp tục tự thân vận động bằng các nguồn vốn vay ngân hàng, hoặc phát hành cổ phiếu ra công chúng, hoặc sáp nhập với một đối tác chiến lược mạnh.

Và Unicharm là lựa chọn cuối cùng để tối đa hóa giá trị nguồn vốn, cũng như tận dụng các thị trường mạnh mà công ty Nhật này có được, chẳng hạn Thái Lan, nơi mà Unicharm chiếm được hơn 50% thị phần.

Vì vậy, ông Tú bộc bạch: “Chuyện bán cổ phần Diana cũng giống như một ông bố cho đứa con gái yêu quý đi lấy chồng vậy. Nói về tình cảm thì thật là tiếc nuối. Nhưng nói về lý trí thì gả con đến chỗ tốt, con sẽ có cuộc đời hạnh phúc”.

Trong khi đó, Phở 24 cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Trong vài năm trở lại đây, thương hiệu Phở 24 có dấu hiệu đi xuống và bị người tiêu dùng chê đắt (tăng từ 24.000 đồng/tô năm 2003 lên 39.000 đồng/tô năm 2012), chất lượng dịch vụ sa sút, không đảm bảo được chất lượng đồng nhất trong chuỗi.

Bên cạnh đó, mô hình hệ thống quản lý chuỗi Phở 24 ngày càng xuất hiện nhiều thách thức. Hình thức này đòi hỏi phải kiểm tra liên tục và nếu bên nhận nhượng quyền (Franchisee) không đáp ứng được các tiêu chuẩn kiểm soát bắt buộc của bên nhượng quyền (Franchiser) thì phải kết thúc hợp đồng, nếu không muốn đánh mất hình ảnh thương hiệu.

Khác với các chuỗi thức ăn nhanh công nghiệp, việc nấu một tô phở ngon cũng cần sự kiểm soát khẩu vị chặt chẽ hơn. Duy trì chất lượng của phở khi công nghiệp hóa/đại trà hóa sẽ là thách thức rất lớn. Đã xuất hiện nhiều lời phàn nàn rằng, bánh phở trong một số tiệm Phở 24 không mềm như ở Hà Nội, nước phở không nóng, giá đắt.

Phở 24 gặp một số khó khăn trong việc quản lý chuỗi tiệm phở, vì họ không có kinh nghiệm quản lý chuỗi. Dù ban lãnh đạo có thời còn chấp nhận chi phí cao để thuê quản lý nước ngoài. Ông Đỗ Hòa của IME Việt Nam cũng đã từng được mời về làm CEO cho Phở 24 vào năm 2009, sau khi Phở 24 không thành công với CEO ngoại do xung đột văn hóa. Nhưng ông Hòa cho biết, ông đã từ chối vì không thấy phù hợp với cách quản trị công ty ở đây.

Chính vì vậy, thay vì đương đầu với các thách thức khó tìm phương án giải quyết, Phở 24 đã nhắm đến lợi ích tài chính khi bán lại thương hiệu họ đã cất công gây dựng từ năm 2003.

Trong khi đó, chủ sở hữu “Coffee Đức Lập Minh An” và “Coffee Đức Lập Dakmil” lại rơi vào hoàn cảnh bi đát hơn nhiều.

Hợp tác xã Minh An chuyên mua bán nông sản, chế biến cà phê bột xuất khẩu. Sản phẩm cà phê bột của HTX Minh An xuất khẩu dưới 2 nhãn hiệu hàng hóa là “Coffee Đức Lập Minh An” và “Coffee Đức Lập Dakmil”.

Hiện nay, hợp tác xã này đang đứng trước nguy cơ phá sản, buộc phải tính đến việc bán hai nhãn hiệu cà phê trên cho đối tác nước ngoài để lấy tiền trả nợ.

Người đại diện của một doanh nghiệp Trung Quốc từng lấy cắp thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột (Guangzhou Buon Ma Thuot Coffee Co.Ltd, tỉnh Quảng Đông - PV) đã liên hệ với hợp tác xã hỏi mua lại nhãn hiệu này với giá 18 tỉ đồng - bằng với số tiền mà hợp tác xã này đang mang nợ.

Nguồn Dùng hàng Việt