Vinamilk: Thương hiệu gắn với cộng đồng

Được thành lập năm 1976, Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk), tiền thân là Công ty Sữa, Cafe miền Nam, thuộc Tổng cục Công nghiệp thực phẩm miền Nam, với ba đơn vị trực thuộc là Nhà máy sữa Thống Nhất, Trường Thọ, Dielac.

Những ngày đầu tiếp quản, tình hình sản xuất gặp nhiều khó khăn, trong điều kiện đó công ty vẫn bảo đảm một lượng hàng nhất định để phục vụ người tiêu dùng. Trải qua các giai đoạn phát triển, Vinamilk đã không ngừng mở rộng về quy mô, thị trường và cho ra đời nhiều sản phẩm có giá trị cao, đáp ứng được nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Liên tục đạt Top 5 DN tư nhân lớn nhất

Dưới áp lực cạnh tranh từ những tập đoàn thực phẩm trên thế giới cũng như sự phát triển của các DN trong nước, Vinamilk vẫn tạo được những bước đột phá trong ba năm qua để tiếp tục giữ vị trí là công ty sữa hàng đầu Việt Nam. Trong khối các DN tư nhân, Vinamilk liên tục có mặt trong Top 5 DN có doanh thu lớn nhất từ năm 2008 cho đến nay. Năm 2012, Vinamilk tiếp tục đứng thứ 4 trong Top 5 DN tư nhân lớn nhất Việt Nam. Vinamilk cũng là DN Việt Nam đầu tiên vừa tham gia Hiệp hội Quản trị DN Châu Á (ACGA), một hiệp hội độc lập, phi lợi nhuận có 94 thành viên (56 thành viên ở Châu Á - Thái Bình Dương và 38 thành viên ở Châu Âu và Bắc Mỹ). Thành viên Hiệp hội gồm các tổ chức tài chính đầu tư toàn cầu, các công ty niêm yết hàng đầu Châu Á, công ty luật và kế toán, các hiệp hội nghề và các trường đại học… Việc Vinamilk trở thành DN Việt Nam đầu tiên tham gia ACGA sẽ giúp Vinamilk nâng tầm quản trị quốc tế, thúc đẩy sự phát triển của Vinamilk trong khu vực và thế giới.


Dây chuyền sản xuất sữa hộp của Công ty sữa Vinamilk.

Đạt được kết quả trên phải kể đến Vinamilk đã có được một tập thể lãnh đạo có tầm nhìn và kỹ năng lãnh đạo xuất sắc. Với việc luôn tìm sự đổi mới, cải tiến trong quản lý, tập thể lãnh đạo đã góp phần mang đến cho Vinamilk nhiều thành công trong thời kỳ đổi mới. Vinamilk đã luôn không ngừng sáng tạo, đột phá trong kinh doanh và cạnh tranh lành mạnh với các thương hiệu sữa hàng đầu thế giới đang có mặt tại Việt Nam. Tháng 3-2012, Tạp chí Forbes đã đưa bà Mai Kiều Liên - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Vinamilk vào danh sách 50 nữ doanh nhân có quyền lực nhất Châu Á. Tháng 5-2012, Corporate Governance Asia (Tạp chí Quản trị DN Châu Á), trụ sở tại Hồng Kông, tiếp tục bình chọn bà Mai Kiều Liên là "Lãnh đạo DN xuất sắc Châu Á"…

Đầu tư công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất

Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng với nền kinh tế thế giới, Vinamilk đã đầu tư thiết bị công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất trên cơ sở tăng cường lượng và chất nguồn sữa tươi nguyên liệu. Hiện Vinamilk có một nhà máy sản xuất sữa ở New Zealand, 10 nhà máy sản xuất sữa hiện đại từ Bắc vào Nam chạy 100% công suất, mỗi ngày sản xuất và đưa ra thị trường hơn 18 triệu sản phẩm. Năm 2012, Vinamilk đã khởi công xây dựng Nhà máy sữa Lam Sơn tại Thanh Hóa, với tổng vốn đầu tư hơn 276 tỷ đồng, công suất khoảng 156 triệu hũ sữa chua; 60 triệu lít sữa tiệt trùng mỗi năm. Thiết bị của nhà máy được nhập từ các nước Châu Âu; đưa vào hoạt động nhà máy ở Đà Nẵng chuyên sản xuất sữa tươi, sữa chua. Để phục vụ chiến lược tăng tốc phát triển, Vinamilk sẽ khánh thành hai nhà máy chế biến sữa hiện đại bậc nhất thế giới vào đầu quý II-2013, với tổng vốn đầu tư khoảng 4.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 200 triệu USD). "Siêu nhà máy" thứ nhất ở Bình Dương cho 400 triệu lít sữa/năm, công suất tương đương gần 9 nhà máy hiện nay của Vinamilk cộng lại; giai đoạn 2, sẽ nâng công suất lên 800 triệu lít sữa/năm. Nhà máy này hoàn toàn tự động hóa, được vận hành bằng robot. Nhà máy thứ hai chuyên sản xuất sữa bột trẻ em Dielac 2 ở Khu Công nghiệp Việt Nam - Singapore, Vinamilk đã mua lại của Công ty F&N, công suất 54.000 tấn/năm...

Để làm ra sản phẩm sữa bảo đảm chất lượng, cần phải có một quá trình liên hoàn và khép kín: Chăn nuôi, thức ăn, môi trường, thu hoạch, chế biến sản phẩm, rồi quy trình vắt sữa, bảo quản, xử lý sữa... Từ nhận thức đó, Vinamilk đã xây dựng quy trình sản xuất khép kín, kiểm soát chặt nguồn nguyên liệu và quy trình chế biến sữa. Hiện nay, Vinamilk là một trong những công ty thu mua tới hơn 60% sản lượng sữa của nông dân, với lượng sữa tươi ngày càng tăng cao cả về chất lượng và số lượng. Vinamilk tiếp tục đồng hành cùng người chăn nuôi bò sữa Việt Nam với chính sách hỗ trợ nâng cao chất lượng con giống, tăng năng suất và phát triển nhiều mô hình chăn nuôi bò sữa quy mô công nghiệp để phát triển bền vững.

Bên cạnh những ly sữa chất lượng cao, thương hiệu Vinamilk còn gắn liền với cộng đồng bằng các hoạt động xã hội. Những năm qua, Vinamilk đã khởi xướng nhiều loại quỹ như "Quỹ 1 triệu cây xanh cho Việt Nam"; "Quỹ sữa Vươn cao Việt Nam"; "Quỹ học bổng Vinamilk Ươm mầm tài năng trẻ Việt Nam"… với số tiền hàng chục tỷ đồng.

Đến nay, Vinamilk đã có 17 đơn vị trực thuộc và một văn phòng chính, với tổng số CBCNV gần 5.000 người. Công ty có chức năng chính là sản xuất sữa và các chế phẩm từ sữa, gồm sản phẩm chủ lực là sữa nước và sữa bột, nước trái cây; sản phẩm có giá trị cộng thêm như sữa đặc, sữa chua ăn và sữa chua uống, kem, pho mát... Năm 2012, công ty đạt mức tăng trưởng ngoạn mục, với doanh thu hơn 27.300 tỷ đồng, tiêu thụ hơn 4 tỷ sản phẩm. Các sản phẩm của công ty đã có mặt tại 23 quốc gia. Vinamilk (đang đứng thứ 53) phấn đấu lọt vào Top 50 DN sữa lớn nhất thế giới, với doanh thu 3 tỷ USD, vào năm 2017.

Nguồn Dùng hàng Việt