Thị trường thực phẩm châu Á: Thách thức và xu hướng

Phát triển cùng quá trình bùng nổ kinh tế của châu Á là một tầng lớp trung lưu ngày càng đông đảo. Số liệu báo cáo cho thấy đến năm 2020, châu Á sẽ có đến 1,7 tỉ người được cho là trung lưu và tính đến năm 2030, con số này sẽ chiếm gần 2/3 dân số là trung lưu của thế giới.

Thế nhưng, dù có những bước tiến dài trong phát triển kinh tế, khu vực này vẫn đang đối mặt và giải quyết một trong những vấn đề lớn nhất và cơ bản nhất nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống – đó là sự mất cân bằng dinh dưỡng ở diện rộng.

Chẳng hạn, châu Á vẫn là khu vực có tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị thiếu cân, chậm phát triển cao nhất thế giới. Những vấn đề này đặc biệt nghiêm trọng ở các nước kém phát triển hơn như Ấn Độ, Pakistan, Việt Nam và Campuchia.

Những nước phát triển hơn trong khu vực vẫn còn đối mặt nhiều thách thức liên quan đến dinh dưỡng. Các báo cáo gần đây cho thấy người dân Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc và Thái Lan đang tiêu thụ ngày càng nhiều chất béo, thịt, sữa và đường. Nếu không được kiểm soát, sự mất cân bằng dinh dưỡng sẽ để lại những ảnh hưởng lâu dài đối với vấn đề chăm sóc sức khỏe, ngân sách y tế cũng như năng suất lao động.

Phân phối và bán thực phẩm qua kênh kỹ thuật số

Tính đến tháng 11/2015, có khoảng 252 triệu người sử dụng internet trên khắp Đông Nam Á và con số này sẽ còn tăng khi mà chi phí tiếp cận internet xuống thấp hơn. Các công ty phục vụ cho thị trường trung lưu ở thế giới phát triển đang hướng đến châu Á và mang đến cho người tiêu dùng của khu vực này những sự chọn lựa đa dạng hơn.

Chẳng hạn, các công ty phương Tây đã “đi tắt đón đầu” qua kênh thương mại điện tử để tiếp cận và phân phối sữa bột công thức cho thị trường Trung Quốc sau vụ bê bối xảy ra đối với mặt hàng này vào năm 2008 làm cho 50.000 trẻ em phải nhập viện. Người tiêu dùng nước này đã đặt hàng sữa công thức trực tiếp qua các trang thương mại điện tử như Alibaba và Amazon.

Emmanuel Faber – CEO của Danone, tập đoàn thực phẩm toàn cầu, cho biết hiện có khoảng 30% sữa công thức dành cho trẻ em đang tiêu thụ ở thị trường Trung Quốc được đặt hàng qua internet. Faber cũng dự đoán rằng, với đà tăng trưởng của thị trường này, phương thức bán hàng xuyên lục địa từ châu Âu đến Trung Quốc sẽ được mở rộng nhiều hơn nữa trong tương lai.

Giáo dục về dinh dưỡng qua nền tảng công nghệ

Bên cạnh việc bán sản phẩm qua internet, một cách tiếp cận toàn diện nhằm giải quyết các vấn đề dinh dưỡng ở châu Á cũng yêu cầu người tiêu dùng cần được trang bị những kiến thức dinh dưỡng đầy đủ và chính xác.

Với những khu vực kinh tế phát triển hơn, họ cần biết nên bớt tiêu thụ cái gì và với những khu vực kém phát triển hơn thì nên tiêu thụ thêm cái gì.

Nhờ vào internet và mạng xã hội cũng như khả năng tiếp cận dễ dàng nguồn thông tin này, phần đông người tiêu dùng có thể nhận được các thông tin dinh dưỡng theo nhu cầu tiêu thụ và thói quen một cách nhanh hơn và rẻ hơn.

Các công ty thực phẩm đã nhanh chóng đầu tư vào xu hướng này. Chẳng hạn, thương hiệu thức ăn nhanh toàn cầu McDonald's gần đây khởi xướng một chiến dịch truyền thông mạng xã hội nhằm phá bỏ những lo ngại về nguồn gốc các sản phẩm của họ.

Thương hiệu này không chỉ giới thiệu các khía cạnh dinh dưỡng của thức ăn mà còn giới thiệu sự đa dạng trong thực đơn với những món tốt hơn cho sức khỏe vừa ra mắt trên toàn cầu, được xem là một phần của nỗ lực quảng bá những bữa ăn cân bằng hơn.

Các nhà bán lẻ thực phẩm và thực phẩm tươi sống cũng đang khai thác sự gia tăng của điện thoại thông minh và kết nối di động để cung cấp cho khách hàng thông tin về sản phẩm mà họ mua.

Năm 2015, chuỗi siêu thị Tesco Lotus ở Thái Lan đã đưa vào sử dụng hệ thống mã QR giúp khách hàng tiếp cận ngay chi tiết về nguồn gốc sản phẩm. Khi quét mã, khách hàng có thể xem trên điện thoại thông tin về giá trị dinh dưỡng và thành phần của sản phẩm.

Tesco Lotus hy vọng rằng khả năng tiếp cận ngay về nguồn gốc và thông tin dinh dưỡng của thực phẩm sẽ giúp người tiêu dùng có sự chọn lựa tốt hơn cho bữa ăn của họ.

Nhờ có thể tiếp cận nhanh hơn và dễ hơn với các nguồn thông tin này, người tiêu dùng hiện nay biết họ cần tìm gì ở thực phẩm và quan trọng hơn, loại thực phẩm nào phù hợp với họ.

Sự phát triển liên tục của internet và tỷ lệ tiếp cận được kỳ vọng khắp khu vực này đã mang lại cho ngành công nghiệp thực phẩm rất nhiều triển vọng hấp dẫn liên quan đến bán, phân phối và giáo dục kiến thức tiêu dùng.

Các nhà quan sát đã dự đoán về một sự thay đổi lớn trong cách thức mà mọi người tương tác với thực phẩm, do tính cá nhân hóa và sự kết nối mà thế giới đang trải qua.

Long Hồ / Future Ready Singapore
Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn