Thị phần bán lẻ của doanh nghiệp FDI ngày càng mở rộng

Theo thống kê của Bộ Công Thương, các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài hiện chiếm thị phần lớn ở các kênh bán lẻ qua cửa hàng tiện lợi và một nửa thị phần bán lẻ qua hình thức bán hàng trực tuyến, truyền hình, điện thoại.

Tại các kênh khác như trung tâm thương mại, siêu thị và siêu thị mini, thị phần của doanh nghiệp FDI chưa cao nhưng đang ngày một gia tăng.

Báo cáo về tình hình thương mại trong nước năm 2016 của Bộ Công Thương hôm 6-1 cho biết, các doanh nghiệp FDI chiếm 70% thị phần bán lẻ qua cửa hàng tiện lợi; khoảng 17% thị phần qua trung tâm thương mại, siêu thị; 15% thị phần qua siêu thị mini và khoảng 50% thị phần không thông qua cửa hàng mà qua các hình thức bán hàng trực tuyến, truyền hình, điện thoại…

Cho dù con số thống kê chỉ ra rằng thị phần bán lẻ qua trung tâm thương mại, siêu thị và siêu thị mini của các doanh nghiệp FDI chưa cao nhưng trên thực tế, sự gia tăng hiện diện của các doanh nghiệp này tại các trung tâm thương mại, siêu thị (ở các thành phố lớn) là khá rõ ràng, nhất là sau khi tập đoàn bán lẻ Central Group mua lại chuỗi bán lẻ Big C, tập đoàn TCC (Thái Lan) mua lại Metro Cash & Carry. Ngoài ra, các tập đoàn như Lotte, Aeon… cũng tích cực mở rộng thị phần và đều có dự định tăng gấp đôi, gấp ba số cửa hàng trong vài năm tới qua việc mở từ hàng chục đến hàng trăm siêu thị hay trung tâm thương mại tại Việt Nam.

Các doanh nghiệp FDI hiện chiếm 17% thị phần bán lẻ ở các trung tâm thương mại, siêu thị. Ảnh:TL.

Các doanh nghiệp ngoại ngày càng mở rộng thị phần đã không ngừng gia tăng sức ép cạnh tranh lên các doanh nghiệp bán lẻ trong nước do sự gia tăng nhanh chóng nguồn hàng nhập khẩu từ nước ngoài nhờ giá thành rẻ hơn, chất lượng và mẫu mã đa dạng hơn. Sức ép đó càng lớn khi các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài còn hướng đến các nhãn hàng riêng tại hệ thống siêu thị của mình, khiến cho thị phần của hàng hóa trong nước tại các siêu thị có vốn ngoại ngày càng thu hẹp.

Đó là chưa kể đến nguy cơ không kiểm soát được hàng hóa nhập khẩu do các hàng rào kỹ thuật không hiệu quả sẽ khiến Việt Nam trở thành thị trường tiêu thụ các sản phẩm chất lượng kém, ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng.

Theo thống kê của Bộ Công Thương, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội năm qua ước đạt 3,53 triệu tỉ đồng, tăng 10,2% so với 2015. Riêng doanh thu bán lẻ hàng hóa năm 2016 ước đạt 2,67 triệu tỉ đồng, chiếm 75,9% tổng mức tăng. Trong đó, mức tăng cao nằm ở nhóm lương thực, thực phẩm (13,6%) và nhóm đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình (tăng 11,4%).

Doanh số thương mại điện tử bán lẻ B2C (Business To Customer) của Việt Nam ước đạt 5 tỉ đô la Mỹ, tăng hơn gấp đôi từ 2,2 tỉ đô la năm 2013 và chiếm trên 3% tổng mức bán lẻ, doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.

Lan Nhi
Nguồn Thời báo Kinh tế Sài Gòn