Đinh Dậu 2017: Chờ gà cất tiếng gáy

Tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm nay có thể đạt 6,3%, tương đương với năm 2016.

Khá đúng với dự đoán của nhiều chuyên gia phong thủy, năm Bính Thân 2016 đã đi qua với nhiều sự kiện gây chấn động lớn trên toàn cầu, để lại các hệ quả sâu sắc và có thể định hình lại toàn bộ cấu trúc kinh tế xã hội của thế giới trong những năm tới.

Điển hình như tại châu Âu khi người dân lục địa già đã trải qua một năm đầy sóng gió: liên tiếp đối mặt với các vụ khủng bố đẫm máu, gây ra cái chết của hàng trăm người; Liên minh châu Âu (EU) bất ngờ trước quyết định thoái lui của nước Anh. Trong khi đó, tại Mỹ, vị tân Tổng thống với những quan điểm có phần bảo thủ Donald J. Trump lên nắm quyền khiến cả thế giới ít nhiều cảm thấy bất an.

Trong vòng xoáy này, Việt Nam cũng chịu nhiều tác động bất lợi. GDP cả năm chỉ tăng trưởng 6,2%, khá thấp so với mục tiêu 6,7% đặt ra. Lần đầu tiên trong nhiều năm trở lại đây, tổng giá trị xuất khẩu của cả nước chỉ tăng trưởng ở mức một con số (8,6%), khiến nhiều doanh nghiệp trong nước lao đao, gồm cả lĩnh vực có thế mạnh của Việt Nam là da giày và dệt may.

Bỏ qua những khó khăn của năm cũ, bước sang năm Đinh Dậu 2017, tình hình có thể sẽ thuận lợi hơn nếu xét trên một số khía cạnh chiêm tinh học. Lý do mà các chuyên gia phong thủy tin rằng năm 2017 sẽ tốt hơn là vì gà là con vật khá toàn diện về tính cách và sức khỏe. Nó mang trong mình lòng dũng cảm, trung thành, làm việc chăm chỉ, nhưng không kém phần khôn ngoan, khéo léo. So với khỉ, chú gà thường điềm tĩnh và ít nóng vội hơn.

Nếu để ý kỹ đến văn hóa phương Đông, gà thường gắn liền với hình ảnh của Mặt Trời, trung tâm của vũ trụ. Nó mang đến ánh sáng, sự nóng bỏng và năng động. Vì vậy, nhiều người tin rằng 2017 có thể là năm chứng kiến nhiều sự chuyển biến tích cực.

Theo chuyên gia phong thủy Marites Allen, 2017 là năm lửa theo thuyết Ngũ hành của người Hoa. Đây là năm có nhiều điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. Trong đó, doanh nghiệp kinh doanh trong các lĩnh vực liên quan đến nước và kim loại có nhiều cơ hội để thành công. Các ngành giải trí, ăn uống, thể thao và làm đẹp cũng sẽ khả quan. Giai đoạn thuận lợi cho các doanh nghiệp kinh doanh đầu tư là đầu năm. Thị trường sôi động cho đến cuối mùa hè với nhiều cơ hội mở ra. Tuy vậy, giai đoạn cuối năm có thể sẽ chứng kiến một số biến động lớn, nhất là thị trường tài chính có thể gặp một số trục trặc, gây rủi ro cho các nhà đầu tư nếu không có biện pháp phòng vệ.

Hãy quay trở lại với nền kinh tế trong nước. Có thể 2017 sẽ là năm khá thách thức cho Việt Nam do rủi ro của môi trường thế giới vẫn còn lớn. Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) nhiều khả năng sẽ không được thông qua, gây tác động xấu đến dòng vốn đầu tư nước ngoài. Nguồn lực trong nước cũng khá giới hạn bởi nợ công đã khá cao, trong khi hệ thống ngân hàng vẫn chưa qua giai đoạn tái cấu trúc căng thẳng.

Trong bối cảnh đó, tương lai của nền kinh tế sẽ phụ thuộc vào các tiến trình cải cách nhanh hay chậm của Chính phủ, nhất là các hành động cụ thể hơn về việc kiến tạo, thiết lập nên một môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng cho các doanh nghiệp hoạt động. Điều này là chủ trương đúng đắn nhằm tận dụng nguồn lực phát triển kinh tế từ khu vực dân doanh, giảm dần vai trò chủ đạo của khu vực kinh tế nhà nước và tiến tới một nền kinh tế vận hành theo hướng thị trường ở mức độ cao hơn.

“Doanh nghiệp đang có điều kiện phát triển thuận lợi khi Chính phủ mới bộc lộ rõ mối quan tâm trong cải cách thủ tục hành chính và cải thiện môi trường kinh doanh. Nghị quyết 19 và 35 của Chính phủ trong năm 2016 được kỳ vọng sẽ giúp giảm bớt các thủ tục hành chính không cần thiết cũng như hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, đặc biệt là khối doanh nghiệp tư nhân”, Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), nhận định.

Một điểm nhấn trong năm 2016 là lần đầu tiên, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới lên đến hơn 110.000 doanh nghiệp, với tổng số vốn đăng ký 891.094 tỉ đồng, tăng 48,1% so với năm trước đó. Sự quay trở lại của cộng đồng doanh nghiệp là tín hiệu tốt và có thể mang lại những đóng góp tích cực cho tăng trưởng trong năm nay và các năm sau.

Tất nhiên, một trong những ẩn số có thể tác động không nhỏ đến cục diện phát triển kinh tế của Việt Nam và các quốc gia châu Á khác chính là các động thái bảo hộ thương mại của tân Tổng thống Mỹ Donald J. Trump và kèm theo đó là phản ứng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới Trung Quốc. Sự căng thẳng leo thang giữa hai cường quốc này sẽ kéo theo nhiều hệ lụy không tốt cho cả khu vực, đưa đến những biến động lớn không dễ dự đoán.

Theo dự báo của Ngân hàng Phát triển châu Á, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm nay có thể đạt 6,3%, tương đương với năm 2016. Trong khi đó, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia tin rằng Việt Nam có thể đạt tốc độ tăng trưởng mạnh hơn, lên đến 6,7% nếu tiến trình cải cách nền kinh tế diễn ra hiệu quả.

Một sự kiện lớn được chờ đợi trong năm nay là Việt Nam sẽ trở thành chủ nhà của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại Đà Nẵng. Sự kiện này quy tụ lãnh đạo của 21 quốc gia hàng đầu như Mỹ, Nhật, Trung Quốc, Úc, Nga, Singapore, Mexico... với quy mô chiếm đến 57% GDP toàn cầu. Số lượng đại biểu tham gia được dự đoán lên tới 10.000 người, gồm nguyên thủ các quốc gia và đông đảo giới doanh nghiệp.

Nam Việt
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư