Bài học của cựu CEO Công ty linh kiện máy tính Samsung: Nhẫn nhịn 17 năm để vượt qua "người khổng lồ"

Sau những thương hiệu thành công, mỗi tên tuổi vượt trội là câu chuyện vượt bão tố phong ba và bài học đúc kết lại luôn có giá trị trường tồn với thời gian.

Dưới đây là câu chuyện được chia sẻ bởi GS. TS. Lee Beom Jae - người đã đưa Công ty linh kiện Samsung đạt được những thành tích thần kỳ mà ít người dám tin.

Ông Lee Beaom Jae đã có 20 năm làm việc ở Samsung và thời đó, họ chẳng có thành tựu nào trong tay. "Năm 1969 khi công ty được thành lập, chúng tôi không có công nghệ, không có kỹ sư giỏi, chỉ có mỗi nhà máy”, ông nói.

Trong giai đoạn này, ông Lee được giao nhiệm vụ phát triển thị trường linh kiện máy tính. Công ty linh kiện máy tính Samsung được thành lập trong bối cảnh các thị trường lớn đều từ chối linh kiện máy tính của hãng.

Khi đó họ chỉ đứng vị trí thứ 50 – vị trí chót bảng trong hệ thống 50 công ty thành viên của Tập đoàn Samsung.

Năm 1980 cũng là thời điểm khó khăn nhất khi máy tính chỉ mới xuất hiện ít lâu, là một thứ gì đó quá mới mẻ. Hàn Quốc không có công nghệ, hàng có sản xuất ra thì bị các công ty hàng đầu từ chối.

Lee Beom Jae

GS. TS. Lee Beom Jae.

Sau rất nhiều nỗ lực nhưng vẫn thất bại. Cuối cùng, ông nghĩ ra một chiến lược, đó là dựa vào Nhật Bản, vì công nghệ của họ đang ở vị trí số 1 thế giới.

Ở thời điểm đó, đây được coi là một quyết định khó khăn. Bởi lẽ do bối cảnh lịch sử, người Hàn và Nhật từ lâu đã luôn tồn tại những khúc mắc với nhau. Dù vậy, ông Lee với tâm niệm xác định chiến lược phát triển công nghệ cao là tiêu chí đầu tiên để Samsung có thể thành công.

Từ đó ông đưa ra quyết định: công ty và bản thân ông phải tiến đến người khổng lồ, chung sống với họ, cho dù không thích.

“Tôi có một giấc mơ là Hàn Quốc sẽ qua Nhật mua một công ty của họ cùng ngành rồi từ đó học hỏi: học từ công nghệ, từ kỹ sư, sau đó chúng ta sẽ biến họ trở thành chúng ta…”, ông chia sẻ.

“Người Nhật không ưa người Hàn, ăn cơm chúng tôi cũng không ngồi chung bàn", ông Lee nhớ lại. Tuy nhiên, ông vẫn phải cố gắng hết sức. "Hồi đó, 9h là giờ làm việc nhưng khi tôi đến công ty, 200 nhân viên Nhật ở đó không ai nghe tôi. Thế là tôi đến từ 7h, tôi làm tất cả những công việc của lao công. Họ vẫn nhìn, quan sát tôi như vậy trong 6 tháng. Sau 6 tháng, họ hiểu tôi đến đây chỉ để làm việc và đã chấp nhận tôi. Cuối cùng, tôi đã mời được họ về nhà chơi”.

Vị cựu CEO tự hào nói tiếp “Chúng tôi đã đi chung một con đường”. Nhờ vậy, chỉ sau 3 năm (từ 1992 – 1995), ông đã quản trị thành công công ty Samsung tại Nhật.

Sau đó, công ty đã tiến đến thị trường Mỹ. Đó là Compaq – tập đoàn chiếm 10% thị trường thế giới thời bấy giờ. “Họ đã từng từ chối Samsung vì là sản phẩm Hàn Quốc, nhưng lần này tôi đến và đưa cho họ sản phẩm công nghệ Nhật do người Nhật làm ra. Nhờ đó, tôi đã có trong tay đơn hàng 2 triệu sản phẩm”, ông Lee cho biết.

Sau 17 năm theo đuổi mục tiêu với chiến lược “Nhẫn nhịn để vượt qua người khổng lồ”, Công ty linh kiện máy tính Samsung đã trở thành công ty số 1 thế giới về lĩnh vực máy tính.

Năm 2000, sau 17 năm theo đuổi mục tiêu với chiến lược “Nhẫn nhịn để vượt qua người khổng lồ”, Công ty linh kiện máy tính Samsung đã trở thành công ty số 1 thế giới về lĩnh vực máy tính, góp phần không nhỏ giúp Tập đoàn Samsung trở thành tập đoàn đứng thứ 17 trong danh sách 100 thương hiệu tốt nhất thế giới 2011 do InterBrand công bố.

“Ngày xưa chúng tôi cũng không thích Nhật Bản đâu, nhưng giờ khác rồi, chúng tôi là một gia đình”, ông nói. Bởi lẽ, ông cho rằng muốn phát triển, phải đi cùng với nhau, phải biết bỏ qua những cái tôi cảm tính không cần thiết.

GS. TS. Lee Beom Jae là CEO duy nhất trong Tập đoàn Samsung liên tiếp 3 năm nhận giải thưởng “Đột phá trong chiến lược kinh doanh”, một kì tích mà đến nay chưa được lặp lại. Hiện ông đang là Chủ tịch toàn cầu của Hiệp hội Thương Mại Toàn Cầu cùng Công Nghệ Hàn Quốc (I.B.K.T) với hơn 300.000 doanh nghiệp hội viên.

Bài học tưởng chừng đơn giản nhưng vẫn đã và đang là những “vết xe đổ” của nhiều công ty, tập đoàn lớn của Việt Nam. Vì vậy, việc học từ những thành công thực tế luôn là một trong những phương thức nhanh, hiệu quả và không bao giờ cũ.

Đức Minh
Nguồn Trí thức trẻ