Khi Android soán ngôi Windows

Theo công bố mới đây của StatCounter, một công ty phân tích dữ liệu mạng, thì lần đầu tiên kể từ năm 1980, Windows đã đánh mất vị thế là hệ điều hành phổ biến nhất thế giới.

Cụ thể, trong khi hệ điều hành Windows (tính tất cả các phiên bản gồm hệ điều hành trên thiết bị di động, máy tính cá nhân…) chiếm 37,91% các thiết bị truy cập internet trên toàn thế giới, thì Android – “con bọ xanh” của Google chiếm tới 37,93%.

Theo những chuyên gia phân tích của trang Fast Company, sự lên ngôi của Android không thể bỏ qua yếu tố may mắn đến từ sự phát triển chóng mặt của các thiết bị di động thông minh. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là quá trình ấy diễn ra quá nhanh. Cụ thể, kể từ khi chính thức ra mắt năm 2007, Android chỉ mất 10 năm (2007-2017) để chiếm ưu thế tuyệt đối so với iOS (ở mảng thiết bị di động, Android có thị phần gần gấp ba lần đối thủ xếp phía sau là iOS của Apple (13,09%), trước khi soán ngôi vị hệ điều hành phổ biến nhất thế giới của gã khổng lồ Windows.

Miễn phí mà không miễn phí

Theo David Ogilvy, huyền thoại về quảng cáo, từng nhận định trong quyển Lời tự thú của một bậc thầy quảng cáo, thì hai từ luôn tạo ra tác động lớn nhất đến con người, chính là “miễn phí” và “mới”. Theo đó, với từ miễn phí, chúng ta luôn có một cơ chế phản ứng rất đơn giản, đó là “miễn phí mà, tại sao lại không thử, có mất mát gì đâu?”.

Và giống như cách Google đã làm để trở thành công cụ tìm kiếm lớn nhất thế giới, Android cũng sử dụng chiến thuật miễn phí mà không miễn phí để bao phủ thị trường. Trải qua nhiều bản nâng cấp khác nhau, Android thực chất chỉ gồm hai phiên bản: bản miễn phí hoàn toàn (Android Open Source Platform (AOSP) – bản mã nguồn mở – cho phép kỹ sư phần mềm tùy ý chỉnh sửa, tạo ra hệ điều hành mới trên nền tảng Android) và bản Google Mobile Services platform (GMS), bản được tích hợp tất cả những thứ thiết yếu mà hệ điều hành nào cũng cần đến, như: dịch vụ định vị vị trí, cho phép mua bên trong ứng dụng, những dịch vụ cho doanh nghiệp để bảo mật thông tin… Đây cũng là bản mà các nhà sản xuất điện thoại thông minh như Samsung, HTC, Sony… sử dụng (khi những nhà sản xuất này muốn thêm vài dịch vụ mặc định vào để hoàn thiện thiết bị mà họ bán ra, sẽ phải nộp một khoản phí cho Google).

Với việc dám tung ra cả hai phiên bản như vậy, Android không chỉ nhanh chóng vừa phủ sóng toàn bộ thị trường, mà còn đè nén các đối thủ của mình về mọi mặt, bởi tìm được một hệ điều hành vừa tốt, đầy đủ các tính năng, lại vừa rẻ tới mức… miễn phí như Android, gần như là điều quá khó. Đơn cử, có thể kể đến trường hợp của Symbian, hệ điều hành gắn liền với Nokia. Trước khi Android xuất hiện, hệ điều hành Symbian từng nắm giữ tới 60% thị phần thiết bị di động cùng với các sản phẩm của Nokia. Thế nhưng, ngay sau khi Android ra đời, đi theo trào lưu mang tên điện thoại thông minh, Symbian vừa hụt hơi về công nghệ, như việc thao tác chậm chạp và thường xuyên xảy ra lỗi… cộng với việc Nokia bất lực với những điện thoại thông minh sử dụng nhan nhản hệ điều hành Android, nên hệ quả là Symbian dần rơi vào quên lãng cùng với chính Nokia.

Sống cộng sinh với những gã khổng lồ

Android chỉ mất 10 năm (2007-2017) để chiếm ưu thế tuyệt đối so với iOS (ở mảng thiết bị di động, Android có thị phần gần gấp ba lần đối thủ xếp phía sau là iOS của Apple (13,09%), trước khi soán ngôi vị hệ điều hành phổ biến nhất thế giới của gã khổng lồ Windows.

Các chuyên gia phân tích của trang Business Insider cho rằng, lý do thứ hai khiến Android thành công vang dội như vậy, là bởi hãng đã sớm nhận ra đối thủ lớn nhất của mình chính là iOS của Apple, nên Android đã có một chiến thuật phù hợp để chiếm ưu thế và dần vượt trội so với đối thủ này.

Nhận thấy điểm yếu từ chính sách “khác biệt” của Apple, chính là việc iOS ra đời không phải để trở thành một hệ điều hành thống trị về thị phần, mà nó là hệ điều hành kén người dùng, thường đi cùng với các thiết bị như iPhone, iPad, những sản phẩm với mức giá cao, nên những nhà phát triển của Android đã chọn cho mình một con đường khác, đó là sử dụng chính sách “hòn tuyết lăn”, sống cộng sinh với mọi gã khổng lồ.

Theo đó, dù Android ra đời sau iOS khoảng gần một năm (chiếc điện thoại đầu tiên sử dụng hệ điều hành Android ra mắt năm 2008, trong khi chiếc iPhone đầu tiên được Steve Jobs giới thiệu năm 2007), Android nhanh chóng choán vào chỗ trống mà iOS không chiếm lĩnh. Với lợi thế miễn phí cùng công nghệ không thua kém gì iOS, Android đã uốn mình theo mọi đối tượng người dùng, “luồn lách” để thỏa mãn mọi tầng lớp, mọi dòng điện thoại, từ những chiếc Samsung, HTC ở những ngày đầu tiên cho tới những chiếc Oppo mới ra đời trong thời gian gần đây.

Sự mềm mỏng và đa dạng này, giúp Android thâm nhập những thị trường được xem là khó tính nhất, như Trung Quốc hay Ấn Độ, những nơi mà Apple cùng iOS còn đang loay hoay tìm cách tiếp cận. Chính Windows cũng phải sớm chào thua Android khi nhắm vào mảng hệ điều hành các thiết bị di động. Để đảm bảo tính nhất quán về phần cứng, Windows với hệ điều hành Windows Phone (dùng cho các thiết bị điện thoại, máy tính bảng) từng đòi hỏi một cấu hình tối thiểu cao ngất ngưởng (CPU 1GHz, 512MB RAM…) và ép buộc các nhà sản xuất phải cập nhật các phiên bản Windows Phone cho các thiết bị cũ, đồng thời không được tùy biến hệ điều hành này. Ngoài ra, kho ứng dụng của Windows Phone cũng khắt khe chẳng kém gì iOS, với vô số những hạn chế dễ dàng làm… mếch lòng các lập trình viên.

Chính Steve Wozniak, đồng sáng lập của Apple, đã phải thừa nhận: “Dù Apple với hệ điều hành iOS là một sự kết hợp vô cùng hoàn hảo và Android (theo Wozniak thì chẳng tốt hơn Windows Phone là mấy) không hơn iOS ở bất cứ một khía cạnh nào, nhưng iOS và những sản phẩm của Apple không dành cho tất cả mọi người, vì thế, không cách gì iOS có thể ngăn được Android trên con đường trở thành hệ điều hành phổ biến nhất thế giới trong mảng các thiết bị di động thông minh”.

Phạm Tú
Nguồn Doanh Nhân Cuối Tuần