Trung Nguyên quyết “đấu” Starbucks tại Mỹ

Trung Nguyên muốn mua lại các nhà rang xay tại Mỹ và mở cửa hiệu tại Seatle, New York và Boston ngay trong năm nay. Dự định này của nhà bán lẻ cà phê lớn nhất Việt Nam được đưa ra ngay sau khi chuỗi nhà hàng cà phê lớn nhất thế giới là Starbucks mở cửa hiệu đầu tiên tại TP.HCM.

Trả lời phỏng vấn hãng tin tài chính Bloomberg, ông Đặng Lê Nguyên Vũ, nhà sáng lập kiêm Tổng giám đốc Trung Nguyên, cho biết, công ty của ông dự kiến sẽ bán lại mức cổ phần lên tới 15% để có vốn thực hiện các vụ thâu tóm tại thị trường Mỹ. Starbucks chính thức mở cửa hiệu đầu tiên tại Việt Nam vào ngày 1/2 vừa rồi.

Trung Nguyên quyết “đấu” Starbucks tại Mỹ

Trung Nguyên lên kế hoạch tiến vào thị trường Mỹ sau khi công ty này trở thành nhà rang xay và bán lẻ cà phê đóng gói lớn nhất ở Việt Nam, quốc gia có truyền thống cà phê từ thế kỷ 19. 60 cửa hiệu hiện có của Trung Nguyên trên toàn quốc phục vụ cà phê phong cách Việt Nam, cùng với các loại cà phê espresso kiểu Italy và cà phê phong cách Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Vũ dự kiến sẽ đưa các tất cả các sản phẩm này tới Mỹ.

“Người tiêu dùng Mỹ phải được thưởng thức cà phê thật. Trình độ đánh giá cà phê của họ có thể chưa phải là cao, nhưng chúng tôi sẽ giải quyết vấn đề này”, ông Vũ nói.

Một trong những loại cà phê đặc biệt của Trung Nguyên hiện nay là cà phê “Legendee” (Huyền thoại) được chế biến có hương thơm giống như hương của hạt cà phê lấy từ phân của loài cầy hương. Trung Nguyên đã phát hiện ra các loại enzyme tương tự như trong hệ tiêu hóa của con cầy hương và phát triển thành một quy trình đem đến cho sản phẩm cà phê “Legendee” mùi hương tương tự - website của công ty này cho biết.

Ông Vũ cho hay, doanh thu của Trung Nguyên trong năm 2012 đã tăng 32%, đạt mức 200 triệu USD. Ông dự kiến, mức doanh thu này sẽ tăng gấp đôi trong năm nay nhờ nhu cầu cà phê đóng gói gia tăng của các thị trường Trung Quốc và Đông Nam Á. Cũng theo ông Vũ, doanh thu của Trung Nguyên có thể chạm mức 1 tỷ USD vào cuối năm 2016.

Ông Vũ tuyên bố ông có dự định xây dựng một thương hiệu toàn cầu và một “đế chế cà phê” trong vòng 10 năm tới để cạnh tranh với Starbucks. Theo ông Vũ, công ty của ông cũng đang xem xét phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) nhưng chưa quyết định thời điểm.

“Starbucks không còn cá tính mà họ có khi mới thành lập. Sự thống trị đó sẽ sớm chấm dứt. Chúng tôi sẽ nỗ lực để trở thành người thay thế họ”, ông Đặng Lê Nguyên Vũ phát biểu.

Nhận xét về kế hoạch tiến vào thị trường Mỹ của Trung Nguyên, ông Jack Russo, một nhà phân tích chuyên về các công ty hàng tiêu dùng bao gồm Starbucks tại hãng tư vấn Edward Jones & Co. có trụ sở ở Boston, nói: “Nếu họ theo đuổi phần cốt lõi của họ và nỗ lực thu hút những khách hàng mong muốn thưởng thức nhiều hương vị khác nhau, nhất là hương vị đến từ các quốc gia khác, họ có thể sẽ mở được một số cửa hàng và thành công. Nước Mỹ là một thị trường cởi mở với các dạng thương hiệu khác nhau, từ các quốc gia khác, các nền văn hóa khác”.

Từ một người từng theo học ngành y, Vũ đã phát triển tiệm cà phê mà ông thành lập khi còn là một sinh viên thành một tập đoàn có hơn 3.000 nhân viên. Ông dự kiến sẽ tăng số cửa hiệu cà phê Trung Nguyên tại Việt Nam lên 200 cửa hiệu trong vòng 2 năm tới. Hiện Trung Nguyên cũng đang điều hành 5 cửa hiệu ở Singapore.

Về phần mình, Starbucks mới đây cũng tuyên bố sẽ mở hàng trăm cửa hiệu tại Việt Nam, nhưng không nêu ra một khung thời gian cụ thể. Ông Vũ nói, ông đã sẵn sàng “đấu” với Starbucks bằng một kế hoạch mà ông đã xây dựng trong 3 năm qua.

Ông Vũ cho biết, để hỗ trợ cho kế hoạch tiến vào thị trường Mỹ, Trung Nguyên sẽ hợp tác với các đối tác giàu chuyên môn trong ngành cà phê có cùng tầm nhìn phát triển ra toàn cầu. Các nhà đầu tư sẽ được mua tối đa 15% cổ phần của Trung Nguyên, và mức cổ phần này sẽ tăng dần lên 30% trong vòng 10 năm. Ông Vũ nói rằng, hiện Trung Nguyên đang đàm phán với những “tay chơi lớn” trong ngành, nhưng từ chối nêu tên các công ty này.

“Nói muốn trở nên lớn hơn Starbucks hay McDonald’s thì dễ, nhưng làm được như vậy thì không dễ. Việc đó đòi hỏi phải có nhiều tiền, nhiều nhân lực, nhiều bí quyết”, ông Peter Saleh, một nhà phân tích thuộc công ty tư vấn Telsey Advisory Group ở New York, nhận xét.

Ông Vũ nói, cửa hiệu Trung Nguyên đầu tiên tại Mỹ, có thể mang một tên khác, sẽ nằm ở một địa điểm mang tính “biểu tượng”.

Các cửa hiệu Trung Nguyên mới nhất ở Việt Nam khiến nhiều người liên tưởng đến cửa hiệu Starbucks, với những chiếc ghế lớn, âm nhạc đương đại, và menu cà phê, sinh tố và đồ ăn nhanh.

Một số cửa hiệu có cả giá sách với những cuốn như tiểu sử của huyền thoại công nghệ Steve Jobs. Vũ cho biết, đích thân ông đã chọn một số đầu sách để gây cảm hứng và khuyến khích khách hàng là người Việt Nam trẻ tuổi.

“Starbucks không còn cá tính mà họ có khi mới thành lập. Sự thống trị đó sẽ sớm chấm dứt. Chúng tôi sẽ nỗ lực để trở thành người thay thế họ”, ông Vũ phát biểu.

Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn