“Thiên đường” ai nỡ chối từ?

Kể từ khi thành lập vào năm 1994, Amazon.com Inc. đã tái tạo ngành bán lẻ. Nhưng, một thứ vẫn luôn vượt ngoài tầm với của tập đoàn thương mại trực tuyến này: thực phẩm.

Tham vọng của Amazon rất lớn. Mục tiêu của công ty là trở thành nhà bán lẻ thực phẩm đứng trong top 5 toàn cầu vào năm 2025, theo một nguồn tin thân cận với Amazon. Điều đó có nghĩa là Amazon muốn có hơn 30 tỷ USD từ thị trường nước giải khát và thực phẩm hàng năm qua các website của công ty, tăng từ mức 8,7 tỷ USD (bao gồm AmazonFresh và tất cả doanh số bán đồ uống và thực phẩm khác từ công ty) của năm 2016, theo Cowen & Co. LLC.

Thiên đường ẩm thực mang tên Amazon

Dĩ nhiên, để đạt được cột mốc 30 tỷ USD, Amazon phải đầu tư hàng tỷ USD vào hệ thống cửa hàng và kho bãi. Đó là một sự thay đổi lớn đối với Amazon, vốn từ lâu né tránh việc tích trữ những mặt hàng dễ hỏng (như thực phẩm tươi) cũng như chi phí cố định quá lớn từ việc mở hệ thống cửa hàng.

“Những bộ óc thông minh tại Amazon đang thiết kế giai đoạn tiếp theo của mô hình bán lẻ qua các hệ thống cửa hàng”, Scott Jacobson, từng là một nhà điều hành tại Amazon, hiện giữ chức Giám đốc điều hành tại Madrona Venture Group nhận xét. “Họ muốn chiếm phần lớn hơn trong chiếc ví tiêu dùng và mục tiêu cuối cùng là làm sao để người mua sắm có thói quen thường xuyên mua hàng thực phẩm, rau củ ở Amazon”, ông nói thêm. CEO Jeff Bezos của Amazon dường như hiểu rằng, ông không thể thắng cuộc chơi thực phẩm 800 tỷ USD này chỉ bằng việc mở các website, đầu tư kho bãi và xe tải. Ông nhận thấy các cửa hàng “bằng xương bằng thịt” đóng vai trò chủ chốt trong cuộc tấn công lần này của Amazon. Có nhiều dấu hiệu cho thấy, Amazon đang thay đổi cách tiếp cận để thu hút người mua thực phẩm. Năm ngoái, Amazon đã mua lại phần mềm chuỗi cung ứng từ LLamasoft Inc.

Ngửi, chạm và móc ví

Đầu tháng 3/2017, Amazon đã cho nhân viên treo bảng hiệu “AmazonFresh” vào một ki-ốt phục vụ khách đi xe hơi ở Ballard, thuộc Seattle. Tại đây, khách có thể lựa mua thực phẩm trực tuyến và cho vào đầy giỏ hàng của mình. Vào ngày 29/3/2017, Amazon lại tuyên bố sẽ đóng cửa bộ phận Quidsi điều hành các website Diapers.com và Soap.com của hãng, chuyển các nhà phát triển phần mềm của các đơn vị này sang bộ phận AmazonFresh. Nhưng bước đi quan trọng nhất là dự kiến trong năm 2018, Amazon sẽ mời người mua sắm ghé thăm các cửa hàng thực phẩm của mình để có thể ngửi, chạm… vào từng quả cà chua, quả dưa hấu, hay quả cam. Amazon đang thử nghiệm 3 mô hình cửa hàng thực phẩm ở bang Seattle: một là mô hình cửa hàng tiện lợi có tên là Amazon Go; hai là các quầy ki-ốt bán thực phẩm cho phép khách lái ô tô vào tận quầy để mua có tên là AmazonFresh; ba là một loại siêu thị “lai” kết hợp cả mua sắm online lẫn tại cửa hàng. Công ty có thể sẽ mở tới 2.000 cửa hàng.

Rủi ro?

Nhưng khả năng thành công của Amazon trong cuộc tấn công vào thực phẩm đang bị đặt dấu hỏi. Lấy ví dụ về những vấn đề ở AmazonFresh. Một trong những mối quan ngại đối với AmazonFresh là tổn thất do thực phẩm bị hỏng rất cao. Đối với các nhà kinh doanh thực phẩm truyền thống, họ sẽ giảm giá mặt hàng ức gà sắp hết hạn. Nhưng tại AmazonFresh, những mặt hàng như vậy không giảm giá mà bị bỏ đi, vì Amazon không muốn hàng bị khách hàng trả lại kèm theo những lời than phiền. “Rau quả, thực phẩm là chủng loại hàng hóa hấp dẫn nhất, nhưng cũng là khó chiều nhất. Nó thu hút nhà đầu tư và các nhà bán lẻ vì lượng mua sắm đều đặn, thường xuyên và rồi khiến họ mắc kẹt, vì đây là phân khúc có biên lợi nhuận thấp”, Nadia Shouraboura, nguyên cũng là một nhà điều hành Amazon nhận xét. Hiện công ty của Nadia – công ty Hointer Inc. – đang phát triển công nghệ để cải thiện hoạt động mua sắm rau củ quả tại các cửa hàng.

Để cạnh tranh với các gã khổng lồ trong ngành bán lẻ như Wal-Mart Stores Inc. và Kroger Co. và xóa bỏ sự e dè của khách hàng khi mua thực phẩm tươi sống qua mạng, các nhà điều hành Amazon năm ngoái quyết định sẽ xây dựng các cửa hàng thực phẩm có quy mô gần với một cửa hàng Trader Joe’s, hơn là siêu thị Walmart để dễ dàng trữ sữa, trứng và các hàng hóa khác. Các mặt hàng khác như giấy vệ sinh và hàng đóng hộp thì được trữ tại chỗ trong một kho hàng, từ đó có thể dễ dàng được đem đi giao cho người mua trước khi họ về tới nhà, theo các tài liệu của Bloomberg.

Bên cạnh đó, Amazon Go ra mắt vào tháng 12 vừa qua, hiện chỉ phục vụ cho các nhân viên vì các hệ thống đang trong giai đoạn thử nghiệm. Hệ thống camera và các bộ cảm biến theo dõi người đi mua sắm, vốn chỉ cần quét smartphone là vào được cửa hàng. Hệ thống công nghệ cho phép người mua chọn các món hàng như bánh sandwich, đồ uống và snack và tự động thanh toán mà không cần qua quầy thanh toán tiền. Các món hàng được gắn thiết bị theo dõi (cũng có trong smartphone của khách hàng) để tính tiền vào tài khoản của người mua. Amazon cũng sẽ dễ theo dõi khi nào cần trữ thêm hàng.

Amazon đã kỳ vọng cho ra mắt công chúng cửa hàng Amazon Go vào đầu năm 2017, nhưng đã thất bại trong các cuộc thử nghiệm vì xảy ra tình trạng một cửa hàng quá đông người mua. Ngày 27/3, tờ Wall Street Journal thông báo kế hoạch ra mắt cửa hàng bị hoãn lại để tiếp tục hoàn thiện công nghệ. Nhưng cho dù có giải quyết được các vấn đề kỹ thuật, thì Amazon cũng sẽ đối mặt với một thách thức lớn hơn trong ngành. “Thực phẩm trực tuyến đang thất bại”, Kurt Jetta, CEO của TABS Analytics, một hãng nghiên cứu các sản phẩm tiêu dùng, nhận xét. Bởi lẽ, chỉ 4,5% người mua sắm là thường xuyên mua rau củ quả, thực phẩm qua mạng trong năm 2016, tăng nhẹ so với 4,2% của 4 năm trước đó, mặc dù các công ty như Amazon đã đầu tư rất lớn, theo các khảo sát hàng năm của TABS. “Tất cả câu chuyện là bạn đang giúp cho khách hàng đỡ phải đi ra tận cửa hàng để mua. Nhưng vấn đề là ở chỗ, mọi người lại thực sự thích ra cửa hàng để chọn thực phẩm”, Jetta nói.

Nhưng Amazon dường như không bận tâm bởi những mối lo ngại như vậy. “Amazon muốn là người đầu tiên mà người tiêu dùng nghĩ đến khi họ cần mua cái gì đó”, Jim Hertel, một Phó chủ tịch cấp cao tại hãng công nghệ marketing Inmar Inc. nhận xét. “Thực phẩm là phân khúc bán lẻ lớn nhất. Họ không thể làm những gì họ muốn làm mà không có mảng thực phẩm. Họ nhất định sẽ không từ bỏ”, ông kết luận.

3 mô hình cửa hàng thực phẩm của Amazon

  • Mô hình cửa hàng tiện lợi có tên là Amazon Go
  • AmazonFresh gồm các quầy ki-ốt bán thực phẩm cho phép khách lái ô tô vào tận quầy để mua
  • Siêu thị “lai” kết hợp cả mua sắm online lẫn tại cửa hàng

Thành Lợi
Nguồn Doanh Nhân Online