Cái “chết” và sự hồi sinh của Shoppie

Sau khi hồi sinh dưới một cái tên mới là Abbycard, start-up Shoppie đã cố gắng tự làm mới mình để tránh đi vào vết xe đổ.

Là một start-up từng được đánh giá cao trong giai đoạn trào lưu khởi nghiệp còn mới manh nha, do theo đuổi chiến lược sai lầm, Shoppie giờ mãi chỉ nằm ở dạng “có tiềm năng”.

Sai lầm với “củ cà rốt”

Vào năm 2013, khi phong trào start-up vẫn còn khá mới mẻ tại Việt Nam, Vũ Anh Đức cùng các đồng sự đã sáng tạo ra một ứng dụng có tên gọi Shoppie, giúp người dùng tích lũy điểm miễn phí khi mua sắm tại hệ thống các thương hiệu đối tác. Số điểm này có thể quy đổi thành quà tặng, voucher hay sản phẩm của chính các thương hiệu này. Mỗi khi người dùng đến gần cửa hàng ở phạm vi 5-10m, ứng dụng sẽ tự động gửi thông tin về cửa hàng và những chương trình khuyến mãi hiện có. Các chức năng này của Shoppie được kỳ vọng sẽ gia tăng không chỉ hoạt động mua sắm mà còn cả sự trung thành của khách hàng.

Mọi thứ khởi đầu không thể suôn sẻ hơn với đội ngũ của Vũ Anh Đức khi Shoppie gây tiếng vang lớn bằng giải nhất cuộc thi Start-up Weekend Hanoi và nhận được tiền từ các nhà đầu tư nước ngoài chỉ một thời gian ngắn sau đó. Đối với Shoppie, càng thu hút được nhiều người dùng thì sẽ có càng nhiều cửa hàng đăng ký trở thành đối tác (merchant) và khi số cửa hàng tăng lên rất dễ kéo theo nhiều người dùng tham gia vào.

Nhưng vấn đề nằm ở chỗ, trong giai đoạn đầu phát triển nên ưu tiên tăng số lượng người dùng, hay số lượng merchant? Một câu hỏi dạng “con gà - quả trứng” kinh điển. Nắm trong tay một lượng lớn tiền mặt nhờ được đầu tư, các lãnh đạo của Shoppie đã chọn câu trả lời nghiêng về phía người dùng. “Chúng tôi đã quyết định tập trung vào tăng trưởng người dùng trước, thu hút họ bằng cách tặng tiền hoặc thẻ điện thoại khi đăng ký dùng mới”, Vũ Anh Đức chia sẻ. Với ‘mồi câu” hấp dẫn như vậy, phương pháp này nhanh chóng chứng minh được hiệu quả khi lượng người dùng tăng lên từng ngày, vào giai đoạn đỉnh cao đã vượt mốc 10.000.

Có danh tiếng, có nguồn vốn dồi dào, có trong tay cộng đồng hơn một vạn người dùng, mọi thứ dường như đều là màu hồng với Shoppie khi đó. Nhưng chỉ chưa đầy 2 năm từ ngày ra mắt, ứng dụng này đã “đột tử”. Vì sao lại chóng vánh như vậy?

“Chúng tôi đã phạm phải 2 sai lầm lớn”, Vũ Anh Đức nhớ lại. Nguyên nhân đầu tiên được nhắc đến lại nằm ở chính chiến lược thu hút người dùng tưởng chừng như hiệu quả. Sử dụng những khuyến mãi về vật chất để câu kéo người dùng mới đúng là có tác dụng trong tăng trưởng về số lượng, nhưng nó lại không phải yếu tố giữ họ chung thủy với sản phẩm. Đã có rất nhiều người tải Shoppie về và đăng ký trở thành thành viên, mục đích chỉ là để được nhận các thẻ cào điện thoại. Những tính năng của sản phẩm không phải là mối quan tâm lớn nhất của họ. Vì thế con số người dùng trên giấy tờ sẽ phình to lên theo thời gian, nhưng lượng người sử dụng thường xuyên Shoppie lại không nhiều.

“Khi số người dùng thực sự và thường xuyên sử dụng Shoppie không nhiều, các merchant hợp tác cũng giảm dần theo”, Vũ Anh Đức cho biết. Khi đã “đốt” quá nhiều tiền cho chiến lược thu hút người dùng mới, thì đội ngũ của Shoppie không còn "võ" gì để cứu vãn tình trạng cả số lượng “gà” và “trứng” đều tụt dốc.

Abbycard được định vị là một chiếc ví điện tử chứa tất cả thẻ thành viên của nhiều thương hiệu khác nhau.

Sai lầm thứ hai nằm ở việc lựa chọn thời điểm. Vũ Anh Đức chia sẻ rằng, trong giai đoạn Shoppie ra mắt, các cửa hàng nhỏ và vừa chưa quen với một sản phẩm dịch vụ áp dụng công nghệ cao trong việc quản lý và chăm sóc khách hàng. Đối với người dùng, hành vi của họ chưa đa dạng, chiếc điện thoại thông minh trên tay họ vẫn chỉ được dành cho các mục đích trò chuyện hay đọc tin tức. Việc sử dụng nó để tích điểm hay “săn” khuyến mãi vẫn còn là điều gì đó quá mới mẻ. Shoppie là một ý tưởng tốt, nhưng thị trường khi đó chưa sẵn sàng. Trong khi việc định hướng (educate) thị trường thông qua người dùng mới cũng đã không thành công do sai lầm đầu tiên.

“Tất cả trong một” và chậm mà chắc

Vậy là Shoppie nhanh chóng chỉ còn là một cái tên trong quá khứ. Nhưng Vũ Anh Đức cùng các đồng sự của mình không bỏ cuộc. Họ tạo nên một ứng dụng quản lý và chăm sóc khách hàng mới, lấy tên là Abbycard. Đây không phải là Shoppie theo kiểu “bình mới rượu cũ”. Abbycard quản lý khách hàng theo một cách tổng thể hơn, cung cấp cho cửa hàng thông tin về các nhóm khách dựa trên các cấp độ thân thiết, cùng với đó là các công cụ khuyến mãi để gắn kết khách hàng.

Từ bài học thất bại trước đây, Vũ Anh Đức đã quyết định tập trung phát triển các merchant, bởi theo anh, để educate người dùng sẽ tốn rất nhiều tiền, nhưng educate các cửa hàng thì kinh phí không hề lớn và chính các cửa hàng sẽ educate khách hàng của họ. Chiến lược này sẽ tốn nhiều thời gian hơn, nhưng là bước đi “chậm mà chắc”.

Còn đối với người dùng, Abbycard được định vị là một chiếc ví điện tử chứa tất cả thẻ thành viên của nhiều thương hiệu khác nhau. Đội ngũ phát triển ứng dụng này đặt mục tiêu sẽ liên tục đem đến các trải nghiệm tốt hơn cho người dùng, mọi thao tác để sử dụng các dịch vụ khuyến mãi được tối giản hóa hết mức có thể. Hiện tại Abbycard đã đạt được 40.000 người dùng cùng hơn 150 merchant hợp tác.

Trong tương lai, những người lãnh đạo Abbycard đang hướng tới 2 mục tiêu lớn. Thứ nhất đó là khi dữ liệu người dùng tăng lên, ứng dụng sẽ có thể cung cấp cho các merchant một cái nhìn 360 độ về hành vi khách hàng của họ, để từ đó merchant tự xây dụng chiến lược chăm sóc riêng đến từng nhóm khách hàng, thậm chí là từng khách hàng riêng lẻ.

Thứ hai là song song với Abbycard, họ sẽ phát triển thêm các tính năng bổ sung xoay quanh nó, để từ đó giới thiệu giải pháp “tất cả trong một” (all-in-one) trong việc quản lý và chăm sóc khách hàng dành cho các thương hiệu. Đó sẽ là một ứng dụng thực hiện được cả các chức năng của hệ thống POS, hay cả việc gọi món, phân loại khách hàng…

Nhưng đó sẽ là câu chuyện của tương lai, còn hiện tại các nhà phát triển Abbycard muốn có được thị trường và phát triển một cách bền vững, điều mà trước đây Shoppie đã không làm được.

Tuấn Mạnh
Nguồn Diễn đàn Doanh nghiệp