KDC sẽ liên doanh với đối tác Thái Lan bán tương ớt

Để mở rộng hoạt động trong ngành thực phẩm và gia vị, Công ty Cổ phần Tập đoàn KIDO (mã KDC) sẽ đẩy nhanh việc hợp tác với các doanh nghiệp sản xuất lớn trong khu vực như Thái Lan, Indonesia... và tập trung M&A nhằm rút ngắn thời gian ra đời sản phẩm.

Ông Trần Lệ Nguyên, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc KDC, cho biết KDC sẽ có thêm mặt hàng tương ớt vào tháng 9-10 nhờ liên kết với Thái Lan, và sẽ có hợp đồng liên kết với Indonesia về mảng thực phẩm.

"Trong năm nay sẽ có những sản phẩm về nước chấm, đông lạnh. Lợi nhuận cũng như doanh số sẽ chưa được thể hiện nhiều trong báo cáo năm 2017", ông Nguyên nói với các cổ đông tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2017.

Nói về lý do chọn các đối tác Thái Lan, ông Nguyên cho biết nước này phát triển hơn Việt Nam khi có các sản phẩm nước chấm kỹ thuật cao hơn, sản phẩm đa dạng hơn.

"Hai bên sẽ kết hợp, đầu tư vốn và khai thác thị trường Việt Nam. Sản phẩm là thương hiệu của hai bên, chỉ có công nghệ và kỹ thuật từ Thái Lan sẽ được chuyển giao về Việt Nam", ông nói.

Để đẩy mạnh sự hợp tác với nước ngoài, KDC sẽ nới room ngoại lên 100%. Các nhà đầu tư Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Singapore mong muốn đầu tư vốn và khai thác sản phẩm ở thị trường Việt Nam nhằm tận dụng kênh phân phối của KDC.

"KDC muốn mở room 100% để các nhà đầu tư vào thị trường Việt Nam có thể đóng góp về tài chính và KDC có cơ hội tham gia mua những đơn vị cùng ngành ở nước ngoài."

Tập đoàn KIDO sẽ liên doanh với đối tác nước ngoài và tiến hành M&A để mở rộng sang ngành thực phẩm và gia vị.

KDC quyết định gia nhập vào ngành thực phẩm và gia vị từ năm 2016 sau khi bán đi mảng bánh kẹo. Năm 2017, KDC thâm nhập vào ngành hàng thực phẩm chế biến khi sở hữu 50% vốn Công ty Cổ phần Tập đoàn Dabaco. Đây là doanh nghiệp có quy mô trong ngành hàng thực phẩm chế biến với các mặt hàng xúc xích, chả lụa, đồ hộp và có nhà máy giết mổ gà 25.000 con/ngày. Bước đầu, các sản phẩm của Dabaco sẽ sử dụng hệ thống phân phối và đông lạnh sẵn có của KDC để đưa sản phẩm đến người tiêu dùng.

Còn theo bà Nguyễn Thị Xuân Liễu, Phó Tổng Giám đốc KDC, cho rằng tham vọng của KDC là lấp đầy gian bếp Việt của người tiêu dùng. Do đó, công ty sẽ tiến hành M&A các mặt hàng tươi sống và sắp tới sẽ đưa ra sản phẩm trong ngành này. Theo bà Liễu, mảng dầu ăn là mảng cốt lõi đầu tiên sau khi doanh nghiệp bán đi mảng bánh kẹo, tuy nhiên KDC sẽ không dừng lại ở đó. Đối với mặt hàng lạnh, KDC không chỉ có kem và sữa chua mà còn làm những sản phẩm tiện ích như chả lụa, bánh bao, há cảo...

Với 50 triệu cổ phiếu quỹ, ông Nguyên cho biết hiện đã có đối tác muốn mua lại số cổ phiếu quỹ này. Nếu bán 50 triệu cổ phiếu quỹ thì KIDO thu về 2.500 tỷ đồng do mục tiêu bán phải trên 50.000 đồng/cổ phiếu. Hiện chưa đạt giá mục tiêu. Nếu bán thì số tiền đó để chia cổ tức bất thường cho cổ đông như trước đây bán mảng bánh kẹo.

Kế hoạch năm 2017, KDC dự tính sẽ đạt 7.700 tỷ đồng doanh thu, tăng gấp 3,4 lần năm 2016, và 490 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Trong đó, mảng thực phẩm đóng gói dự kiến đem về doanh thu 5.800 tỷ đồng, lợi nhuận dự kiến 240 tỷ đồng, còn mảng thực phẩm đông lạnh dự kiến có doanh thu 1.900 tỷ đồng và lợi nhuận 250 tỷ đồng.

Trong năm vừa qua, KDC đạt doanh thu 2.239 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 1.507 tỷ đồng. Trong cơ cấu doanh thu, mảng kem chiếm phần lớn, hơn 45%, với mức tăng trưởng 30% trong năm qua.

Mảng kinh doanh dầu ăn chiếm 34,7% doanh thu trong năm qua. Cuối năm 2016, dầu Tường An đã chính thức trở thành công ty thành viên của KDC, đồng thời mới đây, KDC cũng nâng sở hữu Tổng công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam (Vocarimex) lên 51%. Ước tính KDC đang nắm hơn 30% thị phần dầu ăn tại Việt Nam.

Trường Văn
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư