Các hãng dược sẽ “không chỉ bán thuốc”?

Hãy tưởng tượng một dụng cụ hít-xịt (inhaler) có thể theo dõi liều dùng thuốc và nhắc bệnh nhân theo đúng chế độ điều trị.

Bằng cách cung cấp thông tin về thời gian và mức độ thường xuyên của việc sử dụng thuốc, cũng như những trở ngại khi tuân thủ chế độ điều trị, một dụng cụ như thế có thể giúp cho cả bác sĩ và bệnh nhân quản lý việc điều trị bệnh.

Hãng dược GlaxoSmithKline đang hợp tác với nhà cung cấp giải pháp sức khỏe kỹ thuật số Propeller Health để phát triển chiếc “inhaler” thông minh này. Đây là cách họ tìm kiếm giải pháp để cải thiện sản phẩm và giúp bệnh nhân chăm sóc sức khỏe.

Sản phẩm được hình thành từ những đối tác như thế trở nên quan trọng hơn khi mà các công ty dược bắt đầu đa dạng hóa và mở rộng phạm vi của họ trên thị trường chăm sóc sức khỏe từ chỗ phát triển sản phẩm điều trị đến các giải pháp chăm sóc sức khỏe.

Những thay đổi này một phần là do áp lực của dân số đang già đi và sự tăng lên của các bệnh mạn tính, cũng như chi phí chăm sóc sức khỏe đang gia tăng. Kết quả là áp lực từ những người trả tiền dành cho các hãng dược, thúc đẩy họ vượt qua cái ngưỡng “chỉ bán thuốc”. Con đường phía trước cho những công ty dược là cung cấp giải pháp toàn diện – những giải pháp đòi hỏi sự hợp tác để có thể đạt được.

Các hãng dược sẽ “không chỉ bán thuốc”?

Từ lâu, các công ty dược đã phối hợp với những công ty khởi nghiệp, công ty nhỏ hơn trong lĩnh vực công nghệ sinh học nhằm kết hợp sức mạnh tài chính của họ với sự đa năng và khả năng sáng tạo, cải tiến của các công ty nhỏ. Với sự chuyển đổi mô hình hướng đến việc tạo nên các giải pháp toàn diện, các hãng dược bắt đầu nhận ra rằng họ cần tiến một bước xa hơn trong hợp tác với những đối tác phi truyền thống như tập đoàn công nghệ hay công ty khởi nghiệp về sức khỏe trực tuyến.

Nhờ vào những sự hợp tác đó, các công ty dược có thể tận dụng lợi ích của dữ liệu lớn (big data) để phát triển các thiết bị theo dõi bệnh nhân, giúp cho họ “hơn là một viên thuốc” – tạo nên những giải pháp kiểm soát bệnh trạng ở phổ rộng hơn.

Giống như GlaxoSmithKline và chiếc “inhaler” thông minh, nhà sản xuất thuốc trị bệnh tiểu đường Sanofi đã bắt đầu tìm phương pháp để gia tăng các thiết bị theo dõi lượng đường qua hợp tác với công ty công nghệ Verily, với hy vọng sẽ tận dụng chuyên môn của công ty này về phần mềm dành cho người tiêu dùng và thiết bị điện tử thu nhỏ.

Qua hợp tác, các nhà sản xuất thuốc cũng tìm con đường mới để tương tác, gắn kết với người bệnh một cách trực tiếp hơn tại nhà của họ hay những bối cảnh khác. Chẳng hạn, hãng Merck đã hợp tác với Practice Fusion – nhà cung cấp dữ liệu y tế điện tử để theo dõi xem bệnh nhân có được cập nhật về thông tin vaccine hay chưa và để thông báo cho những người cần được điều trị. Novo Nordisk thì cộng tác với IBM Watson Health để tạo nên một “bác sĩ ảo” có thể mang đến cho bệnh nhân tiểu đường lời khuyên về cách điều trị.

Thách thức là điều không tránh khỏi nhưng với công nghệ kỹ thuật số là một tác nhân chủ yếu, các khả năng dường như là vô tận. Câu hỏi mà ngành công nghiệp dược cần trả lời là làm thế nào để có thể lấp đầy các khoảng trống hiện nay, bước trên ngọn sóng của cuộc cách mạng kỹ thuật số để mang đến những giải pháp mà thị trường đang cần.

Long Hồ / Future Ready Singapore
Nguồn Doanh nhân Cuối tuần