Chiến lược của Amazon với Prime Day

Ý nghĩa của Prime Day không chỉ gói gọn trong việc thúc đẩy doanh số cho một tương đối ảm đạm (do yếu tố mùa vụ) đối với Amazon. Đằng sau sự kiện mua sắm lớn vào giữa mùa hè này là rất nhiều chiến lược.

11/7 là Prime Day, một ngày lễ mua sắm với rất rất nhiều mặt hàng giảm giá sâu do Amazon tạo ra và có những đặc điểm tương tự với Single's Day (11/11) của Alibaba. Amazon bắt đầu chính thức có ngày này vào năm 2015, và những nhà bán lẻ khác đã tham gia kể từ đó, nhằm cạnh tranh về doanh số với gã khổng lồ ngành thương mại điện tử.

Năm nay, Amazon tuyên bố đợt giảm giá mùa hè sẽ mang đến nhiều mặt hàng hấp dẫn hơn cả dịp lễ mua sắm cuối năm Black Friday. Ý nghĩa của Prime Day không chỉ gói gọn trong việc thúc đẩy doanh số cho một quý tương đối ảm đạm (do yếu tố mùa vụ) đối với Amazon. Đằng sau sự kiện mua sắm lớn vào giữa mùa hè này là rất nhiều chiến lược. Và đây là 3 lý do cho thấy vì sao Prime Day thực sự là 1 "siêu phẩm".

Nó mang về thêm nhiều người đăng ký Prime mới

Có rất nhiều người đăng ký dùng thử tài khoản Prime vào mùa mua sắm cuối năm. Prime Day có thể giúp thu hút thêm nhiều thành viên dùng thử đó đến với Amazon vào quý 3 với những deal giảm giá sâu. Sau đó, Amazon có thể dễ dàng chuyển những thành viên dùng thử đó thành thành viên phải trả phí sau khi 30 ngày dùng thử kết thúc, hoặc khi họ trở lại mua sắm vào cuối quý 4.

Prime Day là 1 cách để khuyến khích khách hàng gia nhập nhóm Prime. Đồng thời, với việc mở rộng kì nghỉ sang Trung Quốc trong năm nay, nơi mà Amazon vừa tung ra Prime vào mùa thu năm trước, Amazon hiện đã sẵn sàng cạnh tranh với Alibaba. Vào thời điểm hiện tại, Amazon không thể cung cấp nhiều quyền lợi dành cho Prime ở Trung Quốc giống như ở Mỹ. Chẳng hạn, Prime Video và Music hiện không có mặt ở Trung Quốc vì luật kiểm duyệt, đồng thời việc giao hàng miễn phí hiện mất nhiều thời gian hơn và chỉ dành cho các đơn hàng đạt tới một giá trị nhất định.

Tuy nhiên, việc cung cấp các deal đặc biệt sẽ hấp dẫn nhiều người Trung Quốc đăng ký các dịch vụ mới. Ngoài ra, Prime có “chiêu” trói chân khách hàng, biến Amazon thành nhà bán lẻ được yêu thích của họ. Điều đó có thể giúp Amazon thâm nhập thị trường thương mại điện tử Trung Quốc, nơi mà cho đến nay họ vẫn thất bại trong việc tạo được một dấu ấn lớn.

Người tiêu dùng Trung Quốc rất thích các ngày lễ mua sắm. Năm ngoái, nếu tính theo khối lượng giao dịch trên các trang web của Alibaba, Single's Day đã mang về cho họ 17,7 tỉ USD. Còn JD.com, “đối thủ truyền kiếp” của Alibaba, đã bán được một lượng hàng hóa trị giá đến 17,6 tỉ USD trong suốt lễ hội mua sắm của họ hồi tháng trước. Nếu Amazon có thể đạt được thậm chí chỉ một phần nhỏ trong thành công đó ở Trung Quốc thì điều đó sẽ “thổi bay” kỉ lục Prime Day của họ vào năm trước, với doanh số ước tính là 500 triệu USD.

Nó khuyến khích nhiều người bán tham gia vào chương trình FBA

Chương trình FBA của Amazon cho phép người bán gửi hóa đơn đến các kho hàng của Amazon và Amazon đảm bảo việc giao hàng chỉ trong 2 ngày dành cho các khách hàng Prime. Vì Prime Day là ngày ưu đãi dành cho khách hàng Prime, nên người bán buộc phải có sản phẩm đủ điều kiện cho chương trình này và tận dụng lượng khách Prime trên thị trường.

Thị trường của Amazon đang trở nên cực kì đông đúc, khiến cho một số người bán khó nổi bật. Điều đó khiến một số người thử nghiệm bằng cách chuyển sang nền tảng thương mại điện tử của Wal-Mart. Nhưng có 1 cách để trở nên khác biệt là làm cho sản phẩm của họ đủ tiêu chuẩn Prime. Điều đó có thể làm giảm lợi nhuận của họ, vì Amazon tính phí cho việc cất giữ và vận chuyển hàng hóa, nhưng nó có thể thúc đẩy doanh số cho các người bán thuộc bên thứ ba.

Một cuộc sát hạch

Năm ngoái, Prime Day là ngày mua sắm lớn nhất của Amazon trong lịch sử của công ty này. Tất cả những chỉ dấu hiện cho thấy rằng Amazon sẽ lại phá kỉ lục khi tính luôn cả hai thị trường Trung Quốc và Ấn Độ trong năm nay.

Điều đó mang đến cho Amazon cơ hội để kiểm tra khả năng phân phối của họ trước mùa mua sắm trong các dịp lễ lớn. Năm 2015, Amazon đã phải tốn chi phí hơn dành cho trung tâm cung ứng trong quý 4 vì không đủ khả năng bắt kịp với sức ép lên cơ sở hạ tầng của mình từ cả những người bán theo chương trình FBA lẫn các thành viên Prime. Trong năm 2016, Amazon đã phản ứng kịp thời bằng cách xây thêm 26 trung tâm phân phối mới, phần lớn là vào 6 tháng cuối năm, sau sự bùng nổ doanh số Prime Day.

Prime Day cho phép Amazon đo lường nhu cầu nửa sau của năm và bảo đảm rằng các trung tâm cung ứng của họ có khả năng đáp ứng được nhu cầu đó. Sau đó, họ có thể đầu tư tương ứng dựa trên dữ liệu người mua sắm gần đây thay vì dựa vào dữ liệu và những ước tính có từ năm ngoái. Điều đó sẽ làm cho việc chi tiêu vốn của họ hiệu quả hơn.

Prime Day không chỉ có ý nghĩa trong việc tăng doanh số. Nó cho Amazon cơ hội thu hút nhiều khách hàng hơn đến với Prime, mà lại là một cơ hội đặc biệt lớn ở tầm quốc tế, biến họ thành khách hàng Amazon trung thành hơn. Nó cũng cung cấp sự khuyến khích dành cho những người bán tham gia chương trình FBA, và nó cho Amazon cơ hội sát hạch khả năng phân phối trước một quý 4 quan trọng đầy các ngày lễ lớn vào cuối năm.

Thanh Hải
Nguồn Trí thức trẻ