Marissa Mayer sẽ trở thành CEO mới của Uber?

Bất chấp hàng núi những vấn đề cần giải quyết, vẫn có rất nhiều người muốn ngồi vào chiếc ghế CEO đang để trống của Uber, sau khi Travis Kalanick từ chức.

Sau khi nhà sáng lập Travis Kalanick từ chức, Uber đang phải tìm kiếm một người khác ngồi vào chiếc ghế CEO. Liệu dịch vụ gọi xe hàng đầu thế giới có tìm được một nhà lãnh đạo phù hợp?

Người thay thế được Kalanick phải là một nhà điều hành dạn dày kinh nghiệm để có thể vực dậy một công ty đang vướng vào rất nhiều tai tiếng, cũng như có khả năng thanh lọc một môi trường làm việc có văn hóa không tốt, hợp tác được với một người tiền nhiệm hay gây hấn, và cuối cùng là sẵn sàng đương đầu với một vụ kiện lớn và chuẩn bị cho kế hoạch IPO trong tương lai.

Đó là núi việc mà CEO mới của Uber cần phải làm. Liệu sẽ có ứng viên nào sẵng sàng ngồi vào chiếc ghế nóng đó? Hóa ra, cuộc cạnh tranh vào vị trí CEO của Uber vẫn rất khốc liệt với rất nhiều ứng cử viên danh tiếng. Theo nguồn tin ẩn danh của New York Times, kể từ khi Travis Kalanick từ chức hồi tháng 6, Uber đã “ngập chìm” trong rất nhiều hồ sơ ứng viên, và một vài người trong số đó đã có những cuộc phỏng vấn với ban điều hành hiện tại của Uber.

Bất chấp những vấn đề nóng của Uber, những ứng viên trên chắc chắn đã ngửi thấy những cơ hội lớn khi được trực tiếp điều hành một công ty đang hoạt động tại hơn 80 nước trên thế giới và vẫn đều đặn thu về hàng tỉ USD mỗi quý.

Trong quý I/2017, Uber đã có doanh thu (màu xanh) tăng mạnh và bắt đầu cắt lỗ (màu nâu). Ảnh: Business Insider.

“Đây là một cơ hội tuyệt vời cho những ai có khả năng giải quyết khủng hoảng, và muốn để lại dấu ấn của mình qua việc thay đổi hình ảnh của công ty”, là bình luận của Jason Hanold, một chuyên gia tuyển dụng các vị trí điều hành cấp cao. “Họ có thể phải thừa hưởng những tàn tích độc hại của ban lãnh đạo cũ. Nhưng mặt khác, họ cũng có hàng ngàn nhân viên đang khát khao thay đổi”.

Khả năng xảy ra những va chạm cũng rất cao. Chưa nhắc đến việc soạn ra những chiến lược có thể khác hoàn toàn so với trước kia, vị CEO mới còn phải nắm một công ty đã đạt đến quy mô khổng lồ, và bất cứ thay đổi nào cũng có thể ảnh hưởng đến 15.000 nhân viên và hàng trăm ngàn tài xế đang làm việc ở khắp nơi trên thế giới.

Vị CEO mới cũng sẽ có cơ hội đưa Uber niêm yết trên sàn chứng khoán. Mới ra đời từ năm 2009, nhưng Uber hiện được định giá 70 tỉ USD, trở thành công ty chưa niêm yết có giá trị nhất thế giới. Theo những công bố mới đây nhất, tuy tình hình tài chính của Uber không tốt nhưng vẫn ghi nhận tăng trưởng doanh thu. Điều này sẽ khiến cho vụ IPO của Uber trở thành sự kiện lớn tại Wall Street.

Tại thời điểm hiện tại, hội đồng tìm kiếm CEO mới gồm 5 người vẫn kín như bưng về danh sách các ứng cử viên mà họ đang tăm tia. Sau khi một số tin tức bị rò rỉ ngay trước khi Travis Kalanick chính thức từ chức, Uber đã cẩn trọng hơn rất nhiều và kỹ càng hơn nhằm tránh để lộ tin tức thêm lần nữa.

Susan Wojcicki (trái) và Marissa Mayer (phải) là 2 trong số các ứng viên tiềm tàng có thể thay thế Kalanick. Ảnh: photoshelter.com.

Trong số những tên tuổi đang được nhắc đến hiện nay có Susan Wojcicki, người đang điều hành YouTube. Những cái tên khác bao gồm Adam Bain, David Cush, Marissa Mayer hay Thomas Staggs, đều là những cựu CEO của các công ty lớn như Twitter, Virgin America, Yahoo hay Disney. Tuy nhiên, nguồn tin của NYTimes cho biết không rõ mức độ quan tâm của những ứng cử viên này như thế nào. Cũng theo các nguồn tin này, có thêm một số ứng cử viên khác, như cựu lãnh đạo mảng kinh doanh của Google là Nikesh Arora cũng đang âm thầm chạy đua cho vị trí tại Uber. Tất cả những nhân vật mới được kể đến đều không phản ứng khi được giới truyền thông đề cập, phát ngôn viên của YouTube cũng từ chối bình luận về trường hợp của Susan Wojcicki.

Một số ứng viên cũng thắc mắc về cách hoạt động của ban điều hành mới, đặc biệt khi Travis Kalanick vẫn còn vị trí trong hội đồng quản trị. Với vai trò sáng lập viên, Kalanick đang nắm giữ đáng kể cổ phần của Uber, và ông cũng đã khá năng động tìm kiếm những ứng viên có thể thay thế mình. Ngoài ra, Uber cũng còn có các lựa chọn khác. Công ty đang phải đối mặt với nhiều sự chỉ trích do thiếu đa dạng về thành phần giới tính và sắc tộc, và vấn đề này cũng mới chỉ được ban điều hành quan tâm gần đây. Vào năm ngoái, Ariana Huffington, nữ doanh nhân đang điều hành Thrive Global, cũng đã gia nhập Uber, và trong vài tháng gần đây công ty đã tuyển dụng khá nhiều phụ nữ và các nhóm sắc tộc thiểu số vào các vị trí điều hành cấp dưới.

Nikesh Arora, một ứng viên khác cho vị trí CEO của Uber. Ảnh: Japan Times.

Với bất kể ứng cử viên nào giành được chiến thắng, người đó cũng sẽ phải đối mặt với vô vàn khó khăn. Tỷ lệ người có ấn tượng xấu về Uber đã tăng 3 lần lên 27%, theo khảo sát mới nhất được hãng tư vấn CG42 thực hiện hồi tháng 5. Việc mang hình ảnh xấu xí trước công chúng cũng khiến Uber rất khó khăn trong việc tuyển dụng các tài năng về công nghệ.

Uber cũng đang phải đối mặt với vụ kiện từ Waymo, một công ty con tách ra từ Google, về việc ăn cắp bằng sáng chế công nghệ xe không người lái. Hãng này cũng đang đứng giữa một mớ hỗn độn sau khi bị nhiều nhân viên đứng ra tố cáo các hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc.

Vị trí CEO tại Uber cũng sẽ giúp người nắm giữ nó giàu lên nhanh chóng. Bởi giá trị công ty hiện tại đã quá cao, bất cứ khoản cổ phần nào được thưởng cho CEO mới cũng sẽ mang lại giá trị lớn, và thậm chí còn lớn hơn rất nhiều nếu Uber lên sàn chứng khoán. Những giá trị tích cực mà Uber có thể mang lại rõ ràng là rất hấp dẫn đối với các ứng viên.

Dù chỉ mới hoạt động 8 năm, nhưng Uber đã có mức định giá đáng kể so với những công ty lâu đời hơn nhiều. Ảnh: Bloomberg.

“Thậm chí với hàng đống những rắc rối đó, vẫn sẽ có nhiều ứng viên hàng đầu muốn đến với Uber”, chuyên gia tuyển dụng Jason Hanold cho biết. “Họ phải là người giỏi giải quyết vấn đề: Vấn đề càng phức tạp, họ càng bị thu hút để cố gắng khắc phục nó".

Huy Khang / New York Times
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư