Tuyên chiến với cà phê pha tạp, Vinacafe thực sự có "thật"?
Mặc dù mạnh mẽ “tuyên chiến” với cà phê "không phải làm từ cà phê" nhưng dường như Vinacafe "phớt lờ" về minh bạch thành phần và không dám khẳng định 100%, tuyệt đối không dùng hóa chất.
Vinacafe đang làm nóng “cuộc chiến
cà phê hòa tan” bằng những quảng cáo phát sóng thường xuyên trên truyền hình với slogan “cà
phê mới chỉ làm từ cà phê”, và những phát ngôn "vạch trần" cà phê không thật, cà phê pha tạp các loại nguyên liệu khác trên các phương tiện truyền thông.
Vinacafe chưa minh bạch thành phần?
“Cà phê chỉ làm từ cà phê”, là slogan mới nhất được Vinacafe tung ra trong quảng cáo phát sóng trên các kênh truyền hình lớn nhất thời gian gần đây.
Với quảng cáo này, Masan - chủ nhân của thương hiệu Vinacafe đã “một mũi tên trúng 2 đích”. Thứ nhất là gửi thông điệp đến người tiêu dùng, rằng “các bạn có đang sử dụng cà phê sạch?”, như thế vô tình người mua hàng sẽ đặt câu hỏi: “Ai là người sản xuất cà phê pha tạp”. Nó như một phát súng đầu tiên đánh thức nghi ngờ của người tiêu dùng Việt về sản phẩm họ đã và đang sử dụng, khơi dậy cuộc chiến về chất lượng cà phê Việt Nam.
Thứ hai, Masan cũng đồng thời gửi thông điệp đến các nhãn hàng cà phê khác rằng: “Tôi lấy điểm yếu của bạn làm điểm mạnh của tôi”.
Còn những người trong ngành, am hiểu về cà phê thì đã có kết luận rằng: "Bí quyết của một ly cà phê ngon chính là lương tâm". Bởi làm một ly cà phê ngon không khó, cái khó là có thắng được lòng tham trước lợi nhuận của việc pha trộn các thứ rẻ tiền cùng hóa chất vào sản phẩm bán ra.
Theo dự đoán của một chuyên gia trong lĩnh vực marketing, Vinacafe đưa ra thông điệp "cà phê chỉ làm từ cà phê" nhằm nhắm tới việc sử dụng đậu nành, hóa chất tạo mùi cà phê trong sản xuất cà phê hòa tan, đặc biệt là trong cà phê bột đóng gói cung cấp cho các tiệm cà phê.
Có vẻ như Vinacafe đã chuẩn bị cho thông điệp này từ lâu. "Cuộc chiến cà phê hòa tan" hay gọi đúng ra thì đây chính là lộ trình minh bạch hóa về chất lượng, đúng với bản chất của vấn đề hơn. Bởi cho tới nay, người tiêu dùng đã không còn quá bất ngờ trước việc mình sẽ bỏ tiền ra mua những hỗn hợp được quảng cáo là cà phê thứ thiệt nhưng thực chất lại có nhiều đậu nành.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó tổng giám đốc Vinacafe Biên Hòa mới đây cũng chia sẻ trên VNE rằng: Hiện nay chúng ta đang phải chịu một hệ lụy "đắng" của thời bao cấp. Hồi đó, do thiếu cà phê nguyên liệu, nên các cơ sở rang xay cà phê đã phải dùng bắp rang và một số chất độn khác để thay thế cà phê. Lâu ngày, việc uống cà phê có chất độn như vậy trở thành gu cà phê pha tạp.
“Thực trạng cà phê giả ở Việt Nam đã ở mức báo động đỏ. Cà phê giả làm ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người uống, làm giảm thu nhập của người trồng, làm giảm giá trị của cà phê Việt Nam và làm xấu đi hình ảnh của Việt Nam trong mắt bạn bè thế giới” – ông Tùng nói.
Mặc dù mạnh mẽ “tuyên chiến” với cà phê pha tạp như vậy nhưng trong các cuộc trao đổi với báo giới, dường như Vinacafe "phớt lờ" về minh bạch thành phần và không dám khẳng định 100%, tuyệt đối không dùng hoá chất.
Bạn Nhân Lê (cư ngụ tại Ba Đình, Hà Nội) nhận xét: Công nhận Masan đánh vào tâm lý người dân tốt vì dạo này toàn là cà phê hàng nhái, hàng giả. Nhưng có ai đủ bằng chứng và chứng thực Masan không vì lợi nhuận làm mờ mắt hay không? và ai đảm bảo đó là 100% cà phê không có phụ gia hay hóa chất hay không?
Cần truy cứu trách nhiệm hình sự với cà phê pha tạp
Trao đổi với báo Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Thế Khoa, CEO Greem Stamdard Coffee & Tea cho biết: Có rất nhiều công ty ở Việt Nam đang kinh doanh lại cà phê pha trộn bắp rang và đậu nành cháy. Vì chạy theo lợi nhuận khá lớn mà quên đi đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm với xã hội.
“Nhưng cũng không thể đổ lỗi hoàn toàn do doanh nghiệp, mà phải xem lại văn hoá tiêu dùng của người dân. Ví dụ như ở TP.HCM, ta sẽ dễ dàng mua được những tách cà phê với giá 5.000 – 10.000 đồng ở những quán cà phê nhỏ và bán dạo tại lề đường. Người dân thì vô tư uống thứ nước được gọi là "cà phê" mà không hề biết nguyên liệu là gì, có tẩm những loại hoá chất gây hại cho sức khoẻ hay không” – ông Khoa nói.
Theo ông Nguyễn Thế Khoa, CEO Greem Stamdard Coffee & Tea: Việc một công ty, cơ sở sản xuất cà phê chất lượng kém khi pha trộn đậu nành và bắp vào sản phẩm thì phải truy cứu trách nhiệm hình sự.
Còn nhớ cách đây không lâu, một số báo có uy tín tại Việt Nam đã đăng một loạt bài về cà phê sử dụng hóa chất sản xuất bột giặt để tạo bọt. Hay đến những cơ sở rang xay cà phê mà họ sử dụng đậu nành rang cháy đen thêm hóa chất độc hại và bán ra thị trường với giá 60.000 đồng/kg.
“Người dân không hề biết thứ bột đen hằng ngày họ đang uống ở các quán vỉa hè ở Việt Nam đang đầu độc họ từng ngày. Lấy ví dụ điển hình trong nghành thực phẩm Việt Nam có việc nước tương nhiễm chất 3MCPD từ đậu nành có thể gây ung thư. Vậy có thể hiểu lấy đậu nành làm cà phê cho người tiêu dùng uống sẽ độc hại như thế nào?” – chuyên gia trong lĩnh vực cà phê Nguyễn Thế Khoa nhấn mạnh.
Theo quan điểm của cá nhân ông Khoa, việc một công ty, cơ sở sản xuất cà phê chất lượng kém khi pha trộn đậu nành và bắp vào sản phẩm thì phải truy cứu trách nhiệm hình sự. Vì họ đang đầu độc nhân dân mình bằng thứ bột đen pha trộn hóa chất độc hại là vô nhân tính. Các cơ quan chức năng phải quyết liệt hơn nữa để xoá bỏ những sản phẩm bán cà phê kém chất lượng trên thị trường.