TPHCM được dự báo là đô thị tăng trưởng nhanh thứ nhì châu Á

Trong top 5 đô thị tăng trưởng nhanh nhất châu Á, TPHCM là thành phố duy nhất nằm bên ngoài Ấn Độ.

Theo một khảo sát 30 đô thị lớn nhất châu Á của Oxford Economics, các thành phố Ấn Độ sẽ có tăng trưởng mạnh nhất khu vực trong giai đoạn 5 năm sắp tới (2017-2021). Các ngành dịch vụ tài chính và outsourcing dự kiến ​​sẽ là những ngành phát triển nhanh nhất ở Ấn Độ, và với vị trí thống trị trong ngành này thì thủ đô Delhi cũng sẽ là đô thị tăng trưởng mạnh nhất châu Á, với GDP dự kiến tăng khoảng 49% trong 5 năm tới (bình quân 8,3%/năm).

Theo sau Delhi là Thành phố Hồ Chí Minh của Việt Nam, dự kiến tăng trưởng khoảng 46% trong 5 năm tới (bình quân 7,9%/năm).

Mark Britton, nhà nghiên cứu chính của báo cáo này, cho biết: "Ấn Độ đang dần giảm bớt hoặc loại bỏ những hạn chế về trần sở hữu của khối ngoại. Trong ngắn hạn, điều này có lợi cho sự tăng trưởng mạnh mẽ trong lĩnh vực dịch vụ cao cấp tại Delhi, vì các nhà đầu tư nước ngoài sẽ tìm kiếm dịch vụ tư vấn cho các thương vụ của mình, trong khi về dài hạn điều này có nghĩa là thu nhập ổn định cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực này".

Tăng trưởng GDP dự kiến của 30 thành phố hàng đầu Châu Á trong giai đoạn 2017-2021.

Ảnh: Bloomberg.

Các thương hiệu tiêu dùng như Muji (Nhật Bản) cũng đang đặt cược vào sự thay đổi đó. Công ty mẹ của Muji là Ryohin Keikaku nhìn thấy triển vọng Ấn Độ trở thành thị trường quốc tế lớn thứ hai của hãng, sau Trung Quốc. Và chi nhánh Ấn Độ của Amazon.com đang xin cấp phép đầu tư vào chuỗi cung ứng thực phẩm, cũng như tận dụng những động thái của chính phủ trong việc giảm bớt hạn chế đối với các nhà bán lẻ nước ngoài.

Starbucks thì có kế hoạch tăng gấp đôi số lượng cửa hàng ở Trung Quốc đại lục vào năm 2021, và McDonald's lên kế hoạch mở thêm 2.000 nhà hàng mới trong cùng giai đoạn. Cả hai công ty này gần đây đã tuyên bố họ đã mua lại các đối tác ở Trung Quốc đại lục và nắm toàn quyền kiểm soát hoạt động.

Tăng trưởng của Trung Quốc sẽ chậm lại, dù 5 thành phố lớn nhất của nước này vẫn sẽ đạt mức tăng trưởng 6%/năm hoặc hơn. Việc nhu cầu nhập khẩu từ Trung Quốc giảm xuống sẽ làm giảm nhẹ mức tăng trưởng cho toàn khu vực, với tốc độ tăng trưởng ​​trung bình dự kiến đạt 4,2%/năm trong giai đoạn 2017-2021, so với mức 4,5% trong giai đoạn 2012-2016.

Thiên Tân được dự báo sẽ có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất ở Trung Quốc, do có ngành sản xuất mạnh và là một trong những cảng biển tấp nập nhất nhất của nước này. Tuy nhiên, khi lĩnh vực dịch vụ mở rộng, các ngành sản xuất và vận tải có thể sẽ không có nhiều triển vọng tích cực trong tương lai.

Các thành phố Nhật Bản được dự kiến sẽ có mức tăng trưởng thấp nhất khu vực, do các thách thức về nhân khẩu học. Osaka sẽ là một ví dụ điển hình, khi phải đối mặt với tình trạng dân số trong độ tuổi lao động giảm khoảng 1%/năm.

Hoàng Phượng / Bloomberg
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư