Toyota đầu tư vào Grab, lấn sân mảng kinh doanh dịch vụ gọi xe

Tập đoàn xe hơi lớn nhất Nhật Bản là Toyota Motor sẽ đầu tư một số tiền không tiết lộ vào Grab, dịch vụ gọi xe hàng đầu của Đông Nam Á. Ngoài ra, Toyota cũng cho biết họ sẽ hợp tác với Grab để cung cấp các dịch vụ trong khu vực này.

Một năm trước đó, Toyota cũng đã mua một cổ phần nhỏ trong Uber. Những động thái này cho thấy Toyota đang xây dựng các mối liên kết để tìm kiếm những nguồn doanh thu mới.

"Thông qua việc hợp tác với Grab, chúng tôi muốn khám phá các phương thức mới để cung cấp các dịch vụ đi lại an toàn, tiện lợi và hấp dẫn cho khách hàng của chúng tôi tại khu vực Đông Nam Á", Shigeki Tomoyama, một quan chức cấp cao của Toyota cho hay.

Khoản đầu tư của Toyota vào Grab sẽ được thực hiện thông qua Quỹ Next Technology Fund trị giá 6 tỉ yen (55 triệu USD) được thành lập vào tháng 4 vừa qua bởi công ty con Toyota Tsusho.

Về phần Grab, công ty này đang đặt mục tiêu huy động thêm 2,5 tỷ USD từ vòng gọi vốn mới nhất. Hồi tháng 7, Grab đã công bố nhận được khoản đầu tư 2 tỷ USD từ Didi Chuxing và SoftBank Group.

Ảnh: TechSign.in.

Thông qua quan hệ đối tác với Grab, Toyota sẽ được quyền lưu trữ và phân tích các dữ liệu lái xe trong 100 chiếc Grab ở Singapore và đưa ra các khuyến nghị về những dịch vụ kết nối mà hãng có thể cung cấp cho Grab.

"Chúng tôi tin rằng điều này sẽ đem lại lợi ích cho các tài xế" là tuyên bố của ông Anthony Tan, đồng sáng lập và CEO của Grab. "Chúng tôi mong muốn tìm ra những phương thức hợp tác khác với Toyota trong tương lai."

Hợp tác và cạnh tranh

Trước đó, một hãng xe Nhật khác là Honda Motor cũng đã đầu tư vào Grab, đánh dấu khoản đầu tư đầu tiên của Honda vào một dịch vụ gọi xe.

Các nhà sản xuất ôtô như Toyota và Honda đang vừa hợp tác vừa cạnh tranh với các công ty công nghệ, nhằm tìm cách kiếm doanh thu từ các công nghệ và dịch vụ mới. Hiện nay, các công nghệ như tự động hoá, xe điện và gọi xe theo yêu cầu (on-demand sharing) đang định hình lại khái niệm sở hữu xe hơi.

Tại Mỹ, General Motors đã hợp tác với cả Uber và Lyft. Ở châu Âu, Volvo hợp tác với Uber, còn Jaguar Land Rover hợp tác với Lyft. Volkswagen thì tạo ra một bộ phận dịch vụ đi lại với thương hiệu Moia, và đầu tư 300 triệu USD vào dịch vụ gọi xe Gett.

Ngoài dịch vụ gọi xe, Toyota cũng hợp tác với dịch vụ chia sẻ xe Getaround của Mỹ để quảng bá nền tảng dịch vụ mới của mình. Toyota đã bắt đầu thử nghiệm một bộ ứng dụng và dịch vụ chia sẻ xe trong tháng này, thông qua công ty Servco Pacific ở Honolulu, Hawaii.

 Akio Toyoda

Chủ tịch Akio Toyoda đã nói rằng công ty buộc phải đánh giá lại các mô hình kinh doanh truyền thống, nhằm nắm bắt xu hướng mới. Ảnh: Houston Style Magazine.

Toyota đang đẩy mạnh chi tiêu vào "những lĩnh vực quan trọng" là trí tuệ nhân tạo và các công nghệ tiên tiến khác, hiện đang chiếm tới 1/4 tổng ngân sách nghiên cứu và phát triển của hãng, so với khoảng 1% trước đó. Chủ tịch Akio Toyoda đã nói rằng ngành công nghiệp xe hơi đang trong tiến trình "thay đổi mô hình", buộc công ty phải đánh giá lại các mô hình kinh doanh truyền thống.

Nguy cơ các hãng sản xuất xe truyền thống bị tụt hậu trong thời đại mới đã trở nên rõ ràng vào tháng 5, khi CEO Mark Fields của Ford Motor đã bị buộc rời khỏi công ty sau khi không thể thuyết phục ban giám đốc và các nhà đầu tư rằng ông có thể theo kịp tốc độ thay đổi nhanh chóng trong ngành.

Trong khi đó, Grab - hiện có hơn 1,2 triệu tài xế trên 7 quốc gia - cũng đang mở rộng quan hệ đối tác với các nhà sản xuất xe. Grab đang hợp tác với Tokyo Century về việc cung cấp dịch vụ thuê xe cho các tài xế; đồng thời họ đang tích hợp các dịch vụ của mình tại Singapore với mạng lưới trung tâm mua sắm và chung cư của tập đoàn CapitaLand. Grab cũng đã hợp tác với Tập đoàn Lippo của Indonesia, do tỷ phú Mochtar Riady thành lập.

Tại khu vực Đông Nam Á, Grab tuyên bố đang nắm giữ 95% thị phần trong mảng dịch vụ gọi xe bên thứ ba (tức là gọi taxi truyền thống), và 71% thị phần dịch vụ gọi xe tư nhân. Theo một nghiên cứu của Google và Temasek, quy mô thị trường dịch vụ gọi xe tại Đông Nam Á dự kiến ​​sẽ tăng gấp 5 lần lên 13,1 tỷ USD vào năm 2025.

Bá Ước / Bloomberg
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư