Sức mạnh độc quyền của những ông lớn công nghệ

Ba mươi năm trước, gần như không ai dùng Internet. Ngày nay, gần như tất cả mọi người dùng nó, để làm tất cả mọi thứ.

Vào đêm 7/11/1876, phu nhân tổng thống Rutherford B. Hayes, bà Lucy, đi ngủ với một cơn đau đầu. Kết quả tích cực thu được từ cuộc bầu cử tổng thống đang trở nên ít ỏi, và gia đình Hayes, những người đã ngồi cả buổi tối ngoài phòng khách tại nhà ở Columbus, Ohio không vui vì điều đó.

Bản thân ông Hayes cũng thức tới nửa đêm; khi đó, ông cũng bỏ cuộc và tin rằng đối thủ đảng Dân chủ của mình, Samuel J.Tilden, sẽ trở thành tổng thống kế tiếp.

Hayes thực sự đã để mất lượng phiếu phổ thông là hơn 250.000 phiếu. Và ông có thể đã đánh mất cả phiếu của cử tri đoàn nếu không nhờ những mưu kế của các nhà báo làm việc trong những góc khuất của cái gọi là “Internet thời Victoria.”

Chủ mưu của các hoạt động này là một người Ohio tên là William Henry Smith. Smith điều hành khu vực miền tây của Associated Press (AP), và bằng cách này, kiểm soát phần lớn các bản in trên nhiều tờ báo ở các thị trấn nhỏ.

AP miền Tây hoạt động trong một mối liên kết chặt chẽ - một số người có thể gọi đây là sự thông đồng - với Western Union, công ty giữ thế gần như độc quyền về mảng điện tín trong nước.

Ngay từ đầu chiến dịch, Smith đã quyết định sẽ dùng mọi cách cần thiết để bảo đảm chiến thắng cho Hayes, người mà khi đó đang làm thống đốc bang Ohio nhiệm kỳ thứ ba.

Tổng thống Mỹ Rutherford B. Hayes. Nguồn: History.

Trong cuộc chạy đua tới Đại hội toàn quốc Đảng Cộng hòa, Smith đã chỉ huy việc tung ra những thông tin gây hại cho các đối thủ của ông thống đốc. Sau đó, ông ta cho AP miền Tây rầm rộ đưa tin về những phát ngôn tranh cử của Hayes và chặn những phát ngôn của Tilden.

Từng có thời điểm, một bài báo không hay về Hayes đã xuất hiện trên tờ Chicago Times, một tờ báo ủng hộ đảng Dân chủ. (Bài viết này khẳng định ông Hayes, người từng làm tướng trong Quân đội liên minh, đã tiền của một binh sỹ để chuyển cho gia đình anh ta, nhưng sau đó đã không làm vậy khi binh sỹ này thiệt mạng.)

AP liền nhấn chìm tất cả bằng những bài viết khẳng định tính không đáng tin của câu chuyện.

Sau khi kiểm phiếu, sự chú ý đã chuyển sang Nam Carolina, Florida và Louisiana - các bang có kết quả gây tranh cãi. Cả hai đảng đều gửi phái viên tới ba bang này để gây ảnh hưởng lên quyết định của Cử tri đoàn.

Những bức điện tín do các đại diện của Tilden đã được chuyển tới cho Smith, nhờ sự giúp đỡ của Western Union. Đổi lại, Smith đã chia sẻ nội dung các công văn này với phía Hayes.

Trò lấy dữ liệu trái phép những thông tin liên lạc của đảng Dân chủ đã cho các đảng viên Cộng hòa một lợi thế rõ ràng.

Trong khi đó, AP tiếp tục tìm kiếm và đưa ra các ý kiến pháp lý ủng hộ Hayes. (Những người ủng hộ Tilden đã nổi giận và gọi tờ báo là “Hayesociated Press” — báo ủng hộ Hayes).

Khi các đảng viên Dân chủ phát hiện ra cái mà họ cho là vụ trộm cắp của cuộc bầu cử, họ đã rơi vào bế tắc.

“Họ đầy nhiệt huyết và rất muốn làm điều gì đó, nhưng gần như chẳng biết làm thế nào,” một quan sát viên ghi nhận.

Hai ngày trước khi Hayes tuyên thệ nhậm chức, ngày 5/3/1877, tờ New York Sun đã ra số báo có một đường viền màu đen ở trang nhất.

Hai ngày trước khi Hayes tuyên thệ nhậm chức, ngày 5/3/1877, tờ New York Sun đã ra số báo có một đường viền màu đen ở trang nhất.

“Đây là những ngày nhục nhã, xấu hổ và tang thương cho mọi người Mỹ yêu nước,” biên tập viên của tờ báo viết.

Như câu nói được cho là của Mark Twain, lịch sử không lặp lại chính nó, nhưng nó diễn ra một cách có vần điệu. Một lần nữa, tổng thống Hoa Kỳ lại là một đảng viên Cộng hòa bị thua số phiếu phổ thông. Một lần nữa, ông ta được tiếp sức bởi những kẻ đứng trong bóng tối và chi phối tin tức. Và một lần nữa, các đảng viên Dân chủ lại ở thế bị công kích.

Các nhà báo, các ủy ban quốc hội, và một cố vấn đặc biệt đang tìm hiểu chi tiết những gì đã xảy ra vào mùa Thu năm ngoái. Nhưng hai cuốn sách mới cho rằng những vấn đề lớn đã quá rõ ràng.

Cũng như những năm 1870, chúng ta đang ở giữa một cuộc cách mạng công nghệ đã làm xô lệch dòng thông tin. Bây giờ, cũng như hồi đó, chỉ có vài công ty nắm quyền kiểm soát, và sự tập quyền đó - cái mà người Mỹ đã chấp nhận mà chưa bao giờ thực sự muốn vậy, chỉ bằng một cái nhấp chuột - đang lật đổ nền dân chủ của chúng ta.

Nguồn: Getty Images.

Ba mươi năm trước, gần như không ai dùng Internet. Ngày nay, gần như tất cả mọi người dùng nó, để làm tất cả mọi thứ.

Ngay cả khi các trang web tăng trưởng, thì chúng cũng đang bị thu hẹp. Google hiện kiểm soát gần 90% quảng cáo trên các công cụ tìm kiếm, Facebook nắm gần 80% lưu lượng truy cập mạng xã hội trên di động, và Amazon giữ khoảng 75% doanh số bán sách điện tử (e-book).

Sự thống trị đó, như Jonathan Taplin lập luận trong cuốn sách “Đi nhanh và Phá vỡ mọi thứ: Facebook, Google và Amazon đã dồn nền văn hóa vào một góc và làm xói mòn nền dân chủ bằng cách nào,” về cơ bản là sự độc quyền.

Theo quan điểm của ông, những công ty độc quyền mới còn quyền lực hơn những công ty trước đây thường chỉ giới hạn ở một sản phẩm hay dịch vụ duy nhất.

Lấy Carnegie làm ví dụ, Taplin cho rằng ông vua thép sẽ rất ghen tị với tầm phủ sóng của Mark Zuckerberg và Jeff Bezos.

Taplin, người tới gần đây vẫn là giám đốc phòng thí nghiệm đổi mới Annenberg tại Đại học Nam California, từng khởi nghiệp với công việc của một người quản lý tour.

Ông từng hợp tác với Judy Collins, Bob Dylan, và The Band, cũng như với George Harrison cho buổi hòa nhạc vì Bangladesh.

Trong “Đi nhanh và Phá vỡ mọi thứ,” Taplin đã đào sâu trải nghiệm này của mình để minh họa cho sự tổn thất, cả cố ý và ngoài dự kiến, mà các ông lớn công nghệ đang gây ra.

Ba mươi năm trước, gần như không ai dùng Internet. Ngày nay, gần như tất cả mọi người dùng nó, để làm tất cả mọi thứ.

Hãy xem xét trường hợp của Levon Helm. Ông từng là tay trống của The Band, và mặc dù chưa bao giờ giàu lên nhờ hoạt động âm nhạc, ở tuổi trung niên, ông đã được trả rất nhiều tiền tác quyền.

Năm 1999, ông bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư họng. Cùng năm đó, Napster xuất hiện, và sau đó là YouTube vào năm 2005. Theo Taplin, thu nhập từ tác quyền của Helm, từng ở mức 100.000 USD một năm, đã giảm xuống mức “gần như không còn gì.”

Khi Helm qua đời năm 2012, hàng triệu người vẫn nghe nhạc của The Band, nhưng chẳng mấy ai trả tiền cho những bài hát đó. (Trong những năm giữa sự ra đời của Napster và sự ra đi của Helm, tổng chi tiêu tiêu dùng cho đĩa nhạc tại Mỹ đã giảm khoảng 70%).

Bạn bè thậm chí phải thu xếp tiền phúc lợi cho người vợ góa của Helm để bà giữ lại được căn nhà của gia đình.

Google tham gia cuộc chơi và chẳng mấy chốc chiếm lĩnh ngành kinh doanh âm nhạc khi mua lại YouTube năm 2006 với 1,65 tỷ USD cổ phần. Như Taplin lưu ý, gần như “mọi giai điệu trên thế giới đều có trên YouTube dưới dạng những tập tin âm thanh đơn giản (hầu hết do người dùng đăng tải lên).” Rất nhiều tập tin trong số này là bất hợp pháp, nhưng với Google chuyện đó không quan trọng.

Theo Đạo luật Bản quyền Truyền thông Kỹ thuật số, được tổng thống Bill Clinton ký ban hành không lâu sau khi Google đi vào hoạt động trên mạng, các nhà cung cấp dịch vụ trên Internet không phải chịu trách nhiệm về vi phạm bản quyền miễn là họ “nhanh chóng” gỡ bỏ hay chặn truy cập đến các tập tin này khi nhận ra có vấn đề.

Các nhạc sỹ liên tục yêu cầu đưa ra các thông báo “gỡ bỏ” - chỉ trong 12 tuần đầu năm ngoái, Google đã nhận được những thông báo này cho hơn 200 triệu đường dẫn - nhưng thường thì, cứ sau khi mỗi một đường dẫn bị loại bỏ, bài hát lại được đăng ngay lại ở một đường dẫn khác.

Mùa Thu năm 2011, luật pháp đã tìm cách kìm hãm vi phạm bản quyền trực tuyến với việc đưa ra Luật Ngăn chặn Vi phạm Trực tuyến. Đạo luật này đã nhận được sự đồng ý từ cả hai đảng Quốc hội, và được ủng hộ từ nhiều tổ chức như Hiệp hội Công tố viên Quốc gia, Liên minh các thành phố toàn quốc, Hiệp hội các Cơ quan quản lý tài năng và Hội anh em những người đồng đội quốc tế.

Nguồn: Lifewire.

Tháng 1/2012, dự thảo luật dường như đã sắp được thông qua, nhưng rồi Google quyết định dùng sức mạnh của mình. Ở vị trí của logo đầy màu sắc thường thấy, công ty đã đăng lên trang tìm kiếm của mình một hình tam giác đen với thông điệp: “Hãy nói với Quốc hội: Đừng kiểm duyệt web!”

Lưu lượng truy cập kéo theo đó đã gây choáng ngợp các trang web của quốc hội, và góp phần làm bốc hơi dự luật. (Thượng nghị sỹ Marco Rubio, người từng ủng hộ dự thảo luật này đã thể hiện sự phản đối kịch liệt trên Facebook).

Bản thân Google không vi phạm tác quyền âm nhạc; cũng không cần phải làm thế. Công ty đang bán lưu lượng truy cập - và, cũng quan trọng không kém, là những dữ liệu về lưu lượng truy cập.

Taplin quan sát rằng cũng như anh em Koch, Google đang “ở trong ngành công nghiệp chiết xuất.” Mô hình kinh doanh của công ty là “chiết xuất nhiều dữ liệu cá nhân nhất có thể từ nhiều người trên thế giới với mức giá thấp nhất có thể và bán lại những dữ liệu đó cho nhiều công ty nhất có thể với mức giá cao nhất có thể.”

Và nhờ đó, Google thu lợi từ gần như mọi thứ: video về mèo, khủng bố chặt đầu con tin, chửi bới, The Band biểu diễn ca khúc “The Weight” tại Woodstock năm 1969.

“Tôi không phải lúc nào cũng đa nghi,” Franklin Foer tuyên bố ở phần đầu cuốn sách “Thế giới không có đầu óc: Mối đe dọa hiện hữu từ các ông lớn công nghệ.

Franklin, anh cả của bộ ba anh em nhà Foer nổi tiếng, là một nhà báo, và ông bắt đầu sự nghiệp của mình từ giữa những năm 90, làm việc cho Slate, tờ báo khi đó mới được Microsoft thành lập. Trải nghiệm đó, theo Foer là “rất phấn chấn.” Sau đó, ông trở thành biên tập viên của The New Republic.

Tờ tạp chí có nguy cơ bị hủy hoại khi bị mua lại vào năm 2012 bởi Chris Hughes, một nhà đồng sáng lập của Facebook, người có tài sản cá nhân ước tính ở mức nửa tỷ USD.

“Các công ty công nghệ đang hủy hoại một điều quý giá. Họ đã làm xói mòn tính toàn vẹn của các thể chế — truyền thông, xuất bản — những đơn vị mang đến những nguyên liệu tri thức làm khơi dậy những suy nghĩ và chỉ dẫn cho nền dân chủ.” (Franklin Foer)

Foer coi Hughes như một “vị cứu tinh,” người không chỉ có thể chu cấp tiền bạc mà còn có “kiến thức của người trong cuộc về truyền thông xã hội” và “sự tán thành thiên niên kỷ.” Hai người đàn ông bắt tay vào việc mang lại sức sống mới cho tờ tạp chí, thuê những tài năng đắt giá và thiết kế lại trang web.

Foer kể lại rằng ông đã đắm chìm trong việc theo dõi lưu lượng truy cập trang web của tờ tạp chí đến mức kiểm tra công cụ đếm lượt truy cập Chartbeat ngay cả khi đang đi vệ sinh.

Thế nhưng những cảm giác tốt đẹp đó không kéo dài lâu. Mùa Thu năm 2014, Foer nghe được rằng Hughes đã thuê một người khác thế chỗ cho ông, và rằng biên tập viên đứng trong bóng tối đó đã “đi ăn trưa ở khắp New York và đưa ra những đề nghị việc làm tại The New Republic.”

Trước khi Hughes có cơ hội sa thải ông, Foer đã bỏ việc, và hầu hết đội ngũ biên tập tờ tạp chí cũng đi theo ông.

“Thế giới không suy tưởng” là tấm gương phản chiếu những trải nghiệm của Foer và những lực lượng lớn hơn đang tái định hình nghệ thuật và câu chữ ở Mỹ, mà ngày nay những thứ đó thường được gọi là “nội dung.”

“Tôi hy vọng cuốn sách này không khiến người đọc cảm thấy nó được viết ra với sự tức giận, nhưng tôi cũng không muốn phủ nhận sự tức giận của mình,” ông viết.

“Các công ty công nghệ đang hủy hoại một điều quý giá. Họ đã làm xói mòn tính toàn vẹn của các thể chế — truyền thông, xuất bản — những đơn vị mang đến những nguyên liệu tri thức làm khơi dậy những suy nghĩ và chỉ dẫn cho nền dân chủ. Tài sản quý báu nhất của họ là tài sản quý báu nhất của chúng ta, sự chú ý của chúng ta, và họ đang lạm dụng nó.”

Đa phần sự tức giận của Foer, cũng như của Taplin, hướng vào việc vi phạm bản quyền.

“Từng là một hoạt động ngầm để giết thời gian của những kẻ không chuyên, trò buôn lậu tài sản trí tuệ đã trở thành một ngành nghề kinh doanh được chấp nhận,” ông viết.

Foer hướng sự chỉ trích vào trang Huffington Post, sau này đã rút ngắn tên thành HuffPost, nổi lên chủ yếu nhờ thu thập, hay nếu bạn muốn gọi theo cách này: chôm chỉa — nội dung từ các nhà xuất bản như New York Times hay Washington Post.

Nguồn: Lifewire.

Rồi đến Google Books. Google bắt tay vào scan mọi quyển sách có trên đời và đưa chúng lên trực tuyến mà không thèm hỏi ý những người giữ bản quyền (dự án đã bị trục trặc bởi những vụ kiện tụng). Các tờ báo và tạp chí đã tìm cách ngăn chặn những đột phá kiểu này bằng cách dựng các bức tường thu phí chắn trước các tin bài, nhưng Foer cho rằng trong cuộc chiến với các ông lớn công nghệ, các nhà xuất bản không thể thắng; tương quan lực lượng quá chênh lệch.

“Khi các tờ báo và tạp chí yêu cầu đăng ký trả tiền để tiếp cận các bài viết, Google và Facebook có xu hướng sẽ chôn vùi họ,” ông viết. “Những bài viết được bảo vệ nghiêm ngặt bởi các bức tường phí gần như không bao giờ có được sự phổ biến mà các thuật toán mang lại cho những nội dung xuất sắc.”

Foer thừa nhận rằng sự phổ biến và xuất sắc luôn có ý nghĩa quan trọng trong xuất bản. Ở mọi thời đại, việc chính của báo chí chính là không được đi chệch khỏi công việc.

Trong những năm 1980, Dick Stolley, biên tập viên sáng lập của People, đã phát triển một thứ có thể được xem như một thuật toán cho kỷ nguyên tiền kỹ thuật số. Đó là một công thức lựa chọn hình ảnh trang bìa, và công thức đó như sau: Trẻ thì tốt hơn già. Xinh đẹp thì tốt hơn xấu xí. Giàu thì hơn nghèo. Phim ảnh thì hay hơn âm nhạc. Âm nhạc thì hay hơn truyền hình. Truyền hình thì hay hơn thể thao. Và bất cứ thứ gì cũng hay ho hơn chính trị.

Nhưng luật của Stolley so với Chartbeat cũng như la bàn của hướng đạo sinh so với GPS vậy. Bây giờ chúng ta không chỉ có thể xác định được trang bìa thế nào sẽ giúp tạp chí bán chạy, mà còn những tin bài nào thu hút độc giả nhất, những ai đang gửi chúng qua email hay đăng tweet về chúng, và những độc giả cá nhân dành bao nhiêu thời gian cho chúng trước khi nhấp chuột sang bài khác.

Thứ thông tin chi tiết này, cùng với áp lực tạo lưu lượng truy cập đã dẫn đến cái mà Foer gọi là kỷ nguyên vàng của sự tầm thường. Ông trích dẫn “ví dụ đáng nhớ mà cũng rất đáng quên” về sư tử Cecil.

Năm 2015, Cecil đã bị một nha sỹ từ Minnesota dùng một mũi tên bắn chết bên ngoài công viên quốc gia Hwange ở Zimbabwe. Vì bất cứ lý do nào, vụ sát hại chú sư tử cũng được đưa tin rầm rộ, và theo Foer, “mọi hãng tin” đều đổ xô vào câu chuyện này “để rút được một ít lưu lượng truy cập từ đó.”

Mọi hãng tin” đều đổ xô vào câu chuyện về chú sư tử Cecil bị sát hại “để rút được một ít lưu lượng truy cập từ đó”.

Với thái độ khinh miệt rõ ràng, ông liệt kê ra những tiêu đề bài viết từ Vox - “Ăn thịt gà xét về mặt đạo đức còn tồi tệ hơn việc giết sư tử Cecil” - và từ trang web của The Atlantic: “Từ sư tử Cecil đến biến đổi khí hậu: Một cơn bão hoàn hảo của sự phẫn nộ.” (Vào tháng 7, con của Cecil là Xanda cũng đã bị bắn, kéo theo một đợt tuôn trào tin tức kỹ thuật số nữa).

Foer lập luận rằng Donald Trump đại diện cho “đỉnh cao” của xu hướng này. Trong quá trước khi diễn ra chiến dịch tranh cử, quan điểm chính trị của ông Trump luôn bao gồm những khẳng định trống rỗng và thái quá. Mặc dù chẳng có lời nào đáng được xem xét một cách nghiêm túc, nhưng nhiều phát ngôn vẫn có được sự phổ biến đáng ghen tị.

Những lời của ông Trump khi còn là ứng viên cũng kinh khủng không kém, nhưng trên Internet dường như chẳng ai biết ông ta là kẻ mị dân. “Trump bắt đầu giống như sư tử Cecil, rồi kết thúc bằng cách lên làm tổng thống Mỹ,” Foer viết.

Cả Taplin và Foer đều mở đầu cuốn sách của họ với một phần bàn luận về những ngày đầu của máy tính cá nhân, khi Web vẫn còn là một ảo mộng kiểu Pynchon, và rất nhiều người thông minh tin rằng việc kết nối những chiếc máy tính cá nhân trên thế giới lại với nhau sẽ dẫn đến một xã hội bình yên, công bằng và hợp thời hơn.

Cả hai đều dẫn lời Stewart Brand, người biên tập cuốn “The Whole Earth Catalog”, và tạo ra một trong những mạng ảo đầu tiên, Whole Earth ‘Lectronic Link, hay còn gọi là WELL.

Sư tử Cecil. Nguồn: NBC News.

Trong một bài viết có sức ảnh hưởng xuất hiện trên tờ Rolling Stone năm 1972, Brand đã dự đoán rằng, khi máy tính trở nên phổ biến hơn, tất cả mọi người sẽ trở thành “những kẻ lười biếng ôm máy tính” và “có quyền lực hơn với tư cách các cá nhân và những người cộng tác.”

Ông dự đoán thêm rằng điều này sẽ nâng cao “sự giàu có và phong phú của những sáng tạo tự phát và tương tác giữa con người.” Chẳng bao lâu nữa các biên tập viên của tờ Times và Washington Post và các nhà sản xuất tại CBS News không còn là những người quyết định rằng công chúng đã biết (hay không biết) những gì. Rất sớm thôi, những vị mặc complet lịch lãm ở các công ty giải trí không còn quyết định công chúng đã nghe (hay chưa nghe) gì.

“Internet từng được xem như một ân huệ với các nghệ sỹ,” Taplin nhận định. “Nó từng được cho là sẽ loại bỏ được những ‘người gác cổng’ — những công ty ghi âm và ghi hình lớn quyết định bộ phim hay bài hát nào được phân phối rộng rãi.” Thung lũng Silicon, theo Foer, đáng ra phải là một lực lượng giải phóng — “nhân tố đột phá phá vỡ kìm kẹp của sự tầm thường cứng nhắc và dai dẳng tạo nên tầng lớp tinh hoa của nước Mỹ.”

Cuộc cách mạng Internet thực sự đã khiến rất nhiều người gặp rắc rối — hàng đoàn chủ hiệu sách, nhà phê bình âm nhạc và biên tập viên có thể làm chứng. Nhưng theo Taplin và Foer, giấc mơ của Brand chưa thành hiện thực. Google, Amazon, Facebook và Apple — người châu Âu gọi chung bốn cái tên này là GAFA — không loại bỏ những người gác cổng, mà chiếm luôn vị trí của họ. Thay vì theo chủ nghĩa quân bình nhiều hơn, khoảng cách giàu nghèo ở Mỹ lại càng mở rộng thêm.

Google, Amazon, Facebook và Apple — người châu Âu gọi chung bốn cái tên này là GAFA — không loại bỏ những người gác cổng, mà chiếm luôn vị trí của họ.

Trong khi đó, về mặt chính trị, nước Mỹ lại tròng trành ngả về phía hữu. Theo lời Foer, ngày nay dễ xử lý kết quả một cuộc bầu cử hơn so với năm 1876, và mọi người ngày càng khó để biết điều đó. Tất cả những gì mà các công ty công nghệ lớn cần làm là vá víu bằng vài thuật toán.

Foer nói rằng, họ đã trở thành “những người gác cổng oai vệ nhất trong lịch sử loài người.”

Đây là một cách miêu tả đơn giản và phù hợp, cho phép Taplin và Foer tập trung chỉ trích những tỷ phú của GAFA, như Zuckerberg và Larry Page. Nhưng, như một quan điểm của thế giới “không có tổng thống” mà chúng ta đang sống, dường như cách miêu tả này đã bỏ sót điểm cốt lõi. Cứ nói bất cứ điều gì bạn muốn về thung lũng Silicon, hầu hết những cái tên lớn ở đó đều ủng hộ Hillary Clinton.

Điều này được xác nhận bởi các hồ sơ tài chính tài trợ chiến dịch tranh cử, và sau đó là vụ hacker Nga sờ vào các email của Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ.

“Tôi hy vọng ông khỏe - chúng tôi luôn nghĩ về mọi người và theo dõi mọi động thái!” Giám đốc điều hành Facebook Sheryl Sandberg đã viết như vậy cho chủ tịch chiến dịch tranh cử của bà Clinton, John Podesta.

Thật rắc rối khi Facebook, Google và Amazon đều thu về cho mình một lượng doanh thu trực tuyến lớn như vậy bằng cách dựa vào những nội dung do những người khác tạo ra. Có khả năng, đây cũng là một dấu hiệu chống cạnh tranh. Thế nhưng, GAFA vẫn bị đổ lỗi vì sự phổ biến của các tin bài kiểu danh mục (listicle) hay tin tức giả.

Nguồn: The Intercept.

Mùa Thu năm ngoái, một số phóng viên của tờ Times đã đi tìm nguồn của một chuỗi các bài viết thân Trump hầu hết là bịa đặt được đăng trên trang web Departed. Họ đã truy được chúng tới một sinh viên khoa học máy tính 22 tuổi ở Tbilisi tên là Beqa Latsabidze.

Cậu ta nói với Times rằng cậu đã bắt đầu mùa tranh cử bằng cách sản xuất những câu chuyện tâng bốc về Hillary Clinton, nhưng trang web không được quan tâm lắm.

Khi chuyển sang những tin vớ vẩn ủng hộ Trump, lưu lượng truy cập lại tăng vọt, và doanh thu của trang web cũng vậy.

“Đối với tôi, tất cả chỉ là chuyện kiếm tiền,” Latsabidze chia sẻ. Có lẽ vấn đề thực sự không phải là lời tiên tri của Brand không thành sự thật mà là nó đã thành sự thật.

Một “kẻ bám máy tính” ngồi ở Tbilisi bây giờ “có quyền lực” với tư cách một cá nhân tới nỗi có thể tác động tới một cuộc bầu cử ở cách đó nửa vòng trái đất.

Dù là do nhận thức hay thói quen, những người gác cổng xưa vẫn lập nên một tiêu chuẩn. Họ cho phép sự lưu thông của những tin tức về thâm hụt ngân sách quốc gia và thảo luận kiểm soát vũ khí, đồng thời cản trở dòng chảy của những thuyết âm mưu điên rồ.

Bây giờ, Chartbeat cho phép tất cả mọi người thấy có bao nhiêu (hay chính xác hơn là ngày càng ít) độc giả thực sự quan tâm đến tin hạn hán ở Nam Sudan hay một bài viết về quyền lực độc quyền và Internet.

Và kéo theo đó, sẽ có ít bài báo và phóng sự về những chủ đề như vậy hơn. Web được thiết kế để trao cho mọi người những gì họ muốn — đây cũng là chức năng của nền dân chủ.

Hậu Cecil, hậu thực tế, và giữa thời đại Trump, còn việc gì cần làm nữa không? Taplin đã đề xuất một số biện pháp. Đầu tiên, ông muốn chính phủ liên bang đối xử với các công ty như Google và Facebook như những công ty độc quyền và áp dụng các quy định tương ứng với họ (cũng có cùng suy nghĩ, các nhà quản lý ở Liên minh châu Âu gần đây đã bắt Google phải nộp khoản phạt 2,7 tỷ USD).

Nguồn: Tech Crunch.

Taplin lưu ý rằng vào cuối những năm 1940, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đã để mắt đến AT&T — Google của thời đó — vì vi phạm Đạo luật Chống độc quyền Sherman.

Bản án được thông qua và ký năm 1956 của vụ án này đã buộc AT&T cấp phép cho tất cả các bằng sáng chế do phòng nghiên cứu Bell Labs của công ty sở hữu với một mức phí nhỏ. (Một trong những công nghệ chịu ảnh hưởng của bản án này là bán dẫn, linh kiện sau này đóng vai trò thiết yếu trong các máy tính).

Theo Taplin, Google cũng có thể bị buộc phải cấp phép cho hàng ngàn bằng sáng chế của mình, bao gồm những sáng chế cho các thuật toán tìm kiếm, hệ điều hành điện thoại di động, xe tự lái, bộ ổn nhiệt thông minh, sàn giao dịch quảng cáo và các nền tảng thực tế ảo.

“Có thể một chương trình cấp phép như vậy sẽ hoàn toàn phù hợp với triết lý ‘Đừng làm ác quỷ’ của Google”, Taplin viết. Đồng thời, ông cũng hối thúc các nhạc sỹ và các nhà làm phim tự mình giải quyết vấn đề bằng cách thiết lập các mạng lưới phân phối riêng của mình, giống như Magnum Photos do Robert Capa, Henri Cartier-Bresson và những người khác lập ra năm 1947.

“Nếu một nghệ sỹ điều hành một trang video và âm nhạc như một công ty phi lợi nhuận (có thể là sử dụng công nghệ từ một số bằng sáng chế miễn phí của Google) thì sao?” ông đặt câu hỏi.

Nếu các công ty công nghệ hy vọng có thể hấp thụ toàn bộ sự tồn tại của con người, vậy thì đọc những gì viết trên giấy là một trong số ít mảnh vụn mà họ không thể tích hợp toàn bộ.”

“Tôi không có ảo tưởng rằng các cấu trúc kinh doanh hiện tại của hoạt động tiếp thị văn hóa sẽ biến mất,” ông nhận định. “Nhưng tôi hy vọng chúng ta có thể xây dựng một kết cấu song song có lợi cho mọi người tạo ra nó.”

Foer thì lại thích mô hình của những thợ làm phô mai thủ công. (“Thế giới không suy tưởng” dường như đã được xuất bản trước khi Amazon thông báo ý định mua lại Whole Foods).

“Các ngành công nghiệp văn hóa cần thể hiện bản thân như một lựa chọn hữu cơ, một biểu tượng của địa vị và khát vọng,” ông viết. “Đăng ký trả phí là con đường tránh khỏi những hành lang mồi nhử kích chuột.”

Ông lưu ý rằng ngay sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, tờ Times đã có thêm hơn 100.000 độc giả đăng ký trả phí mới nhờ tiếp thị bản thân là một tờ báo chống tin tức giả. Và, như một hành động phản kháng cá nhân, ông gợi ý việc chọn một quyển sách.

“Nếu các công ty công nghệ hy vọng có thể hấp thụ toàn bộ sự tồn tại của con người, vậy thì đọc những gì viết trên giấy là một trong số ít mảnh vụn mà họ không thể tích hợp toàn bộ,” ông viết.

Những phương thuốc này đều theo kiểu nhìn lại quá khứ. Chúng chọn điểm tham chiếu là một thế giới đã biến mất, hoặc sắp biến mất. (Nếu Amazon thành công, ngay cả phômai làm thủ công cũng sẽ sớm được chuyển đến bằng máy bay không người lái).

Tùy vào cách bạn nhìn nhận sự việc, đây có thể là một nơi lạ lùng cho những suy ngẫm về tương lai, hoặc là một nơi có thể đoán định. Những người lo lắng cho số phận của nền dân chủ vẫn viết (và đọc) sách. Những người đang định đoạt nó thì lại thích đăng tweet hơn.

Về tác giả

Tác giả Elizabeth Kolbert là biên tập viên của The New Yorker từ năm 1999. Bà từng đoạt giải Pulitzer năm 2015 với tác phẩm “The Sixth Extinction: An Unnatural History”.

Mai Nguyễn / The New Yorker
Nguồn VietnamPlus