Khi người khổng lồ tôn vinh văn hóa địa phương
Hôm 1.2.2013, Starbucks đã chính thức có mặt tại Việt Nam và gây bất ngờ đến phút cuối cùng khi khéo léo lồng câu chuyện văn hóa địa phương với cà phê đẵng cấp quốc tế.
Một sự thú vị gây ấn tượng với người thưởng thức đến với Starbucks trong buổi ra mắt đầu tiên tại Việt Nam là hình ảnh một chiếc xe ba gác được sơn xanh, chở đầy cà phê Starbucks; một vài không gian riêng rộng rãi, thoáng đãng; những hộp kim loại cà phê, thường được bày bán ở Việt Nam, đã được thêm thắt và được trưng bày trong cửa hàng để giúp kể câu chuyện cà phê đến với khách hàng; Các hình vẽ, hoa văn trên cửa kính bên ngoài đều có dấu ấn Việt Nam. Tất cả được thổi vào một hình hài mới vừa là Việt Nam vừa là Starbucks… Nó chứng tỏ Starbucks tôn trong thói quen, phong cách thưởng thức cà phê của người Việt, vì những ai đã đến nhiều cửa hàng của Starbucks trên thế giới đều thấy người khổng lồ này có nhận diện thương hiệu nhất quán. Và Starbucks đầu tiên ở Việt Nam vẫn là Starbucks nhưng…lạ hơn.
Thêm vào đó là chuyện Starbucks mang cả một đoàn VIP sang thị trường 90 triệu dân. Buổi ra mắt một cửa hàng nhỏ của Starbucks tại TP.HCM có sự hiện diện của Chủ tịch cao cấp Starbucks Trung Quốc và Châu Á Thái Bình Dương, Chủ tịch Starbucks tại Châu Á Thái Bình Dương, Chủ tịch danh dự tập đoàn Maxim Hongkong, Chủ tịch và Giám đốc điều hành Tập đoàn Maxim – Hong Kong; Giám đốc điều hành Coffee Concepts (*); Giám đốc điều hành Maxim Hongkong….
Với một thương hiệu có 17.000 cửa hàng trên toàn thế giới thì rõ ràng sự hiện diện của đoàn VIP Starbucks ở Việt Nam là một thông điệp ngầm: Starbucks mang hùng binh sang thị trường Việt Nam thể hiện sự tôn trọng Việt Nam.
Về đồ uống của mình, Starbucks đã khéo léo tạo ra một loại thức uống mới cho phù hợp với khẩu vị của người Việt Nam: Asian Dolce Latte, một thức uống mà Chủ tịch cấp cao Starbucks nói rằng đó là thức uống riêng, độc đáo cho phù hợp với người Việt Nam, gồm một phần đúp của cà phê Starbucks® French Roast cao cấp được rang xay sẫm màu, và một loại xốt có tên Dolce được phát triển đặc biệt. Sau Việt Nam, Starbucks sẽ mang thức uống này phát triển trong toàn hệ thống của Starbucks.
Cuối cùng, trong tất cả các bài phát biểu, “người khổng lồ” chỉ nhấn mạnh là “chúng tôi tôi trọng truyền thống văn hóa cà phê lâu đời của Việt Nam. Chúng tôi muốn đảm bảo rằng trải nghiệm Starbucks là sự cân bằng giữa tiêu chuẩn toàn cầu mà khách hàng hằng mong đợi và sự hoà hợp với văn hoá địa phương, cộng hưởng với từng khách hàng và cả cộng đồng nơi chúng tôi phục vụ”.
Starbucks chính thức có mặt ở Việt Nam sau một thời gian chuẩn bị. Sân chơi cà phê có thêm một người chơi mới nhiều kinh nghiệm và biết rất rõ mình muốn gì. Dù ông John Culver – Chủ tịch cấp cao Starbucks Trung Quốc và khu vực Châu Á Thái Bình Dương nói rằng: “Chiếc bánh cà phê đủ lớn cho tất cả mọi người,” nhưng đây chỉ mới là màn mở đầu của Starbucks ở TP.HCM. Chắc chắn câu chuyện cà phê và tôn trọng văn hóa địa phương sẽ còn được Starbucks kể dưới nhiều hình thức khác.
(*) Starbucks thỏa thuận cấp phép cho Coffee Concepts (Vietnam), một chi nhánh của Tập đoàn Maxim’s HongKong để điều hành các cửa hàng Starbucks và tối đa hóa tiềm năng tăng trưởng của thương hiệu Starbucks tại Việt Nam.