Vingroup làm Vinfast

Sau 20 năm xây dựng công nghiệp ôtô Việt Nam, giấc mơ “Made in Vietnam” tưởng chừng đã tắt. Vingroup đã bỏ ra hàng tỉ USD để khơi lại giấc mơ này.

Đúng ngay lễ Quốc khánh, Tập đoàn Vingroup khởi công dự án tổ hợp sản xuất ô tô mang thương hiệu VinFast. Đây thực sự là tin tức nóng nhất trong dòng thời sự thời gian vừa qua, ghi một dấu ấn quan trọng trong ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.

Hai mươi năm đeo đuổi chiến lược phát triển ngành ô tô, đến tháng 5.2017, Bộ Công Thương đã phải chính thức thừa nhận các mục tiêu đặt ra đều không hoàn thành. Giá bán ô tô tại Việt Nam cao gấp đôi so với trung bình khu vực, tỉ lệ nội địa hóa dòng xe dưới 9 chỗ chỉ đạt 7-10%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 60% đặt ra. Các sản phẩm đã được nội địa hóa mang hàm lượng công nghệ rất thấp như săm, lốp ô tô, ghế ngồi, gương, kính, bộ dây điện, ắc-quy, sản phẩm nhựa.

Nhưng rất đáng ngạc nhiên, chỉ hơn một tháng sau, chính Bộ Công Thương đã đưa ra một kế hoạch phát triển ô tô mới. Điểm đáng lưu ý nhất trong kế hoạch này là không đặt quá nặng việc phải tự sản xuất một chiếc ô tô từ A đến Z mà chỉ cần hình thành một thương hiệu ô tô Việt Nam, bán cho người Việt Nam với mức giá phù hợp. Với mục tiêu như vậy, sự tham gia của tân binh VinFast có lẽ phải được đề cập trong bối cảnh này.

Ảnh: Ô tô Trường Hải cung cấp.

Bước nhảy bất ngờ

Mặc dù Vingroup hoạt động đa ngành trong lĩnh vực bất động sản, du lịch - vui chơi giải trí, bán lẻ, giáo dục, y tế, nông nghiệp, nhưng việc tập đoàn này lấn sân sang sản xuất ô tô là điều ít ai ngờ. Bất ngờ hơn khi Vingroup không đi theo lộ trình phân phối, rắp ráp như thông thường mà đi vào sản xuất luôn cả xe hơi. Ông Nguyễn Việt Quang, Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, cho biết, Vingroup quyết định tham gia sản xuất ô tô vì “khát vọng xây dựng được một thương hiệu ô tô Việt có tầm vóc thế giới”.

Dự tính ô tô VinFast sẽ là dòng xe chất lượng cao nhưng giá phù hợp cho người Việt. Để làm được điều này, Vingroup ước chi 3,5 tỉ USD xây dựng tổ hợp sản xuất ô tô ở Khu Công nghiệp Đình Vũ - Cát Hải, Hải Phòng. Ở giai đoạn đầu, Vingroup sẽ đầu tư khoảng 1-1,5 tỉ USD. Định chế tài chính Credit Suisse đã sẵn sàng thu xếp 800 triệu USD nguồn vốn. Nếu VinFast có nhu cầu, nguồn vốn thu xếp này sẽ tăng thêm.

Về nhân sự, Vingroup cho biết đã mời được các chuyên gia công nghệ và sản xuất ô tô hàng đầu thế giới như BMW, General Motors, Bosch về làm việc. Theo kế hoạch, một nhà điều hành từ hãng xe toàn cầu sẽ vào vị trí Giám đốc Điều hành của VinFast. Còn ông Võ Quang Huệ vừa rời vị trí CEO Công ty Bosch Việt Nam để về giữ vai trò Phó Tổng Giám đốc ngành ô tô, giám sát dự án VinFast. Ông Huệ là nhân vật đáng chú ý vì có thời gian dài gắn bó ở BMW (1980-2006) và gần 10 năm ở Bosch. Đây đều là những tập đoàn nổi tiếng toàn cầu trong ngành công nghiệp ô tô.

Lễ khởi công dự án tổ hợp sản xuất xe ô tô VinFast. Ảnh: baogiaothong.vn,

Ngoài ra, VinFast còn ký kết với các đối tác hàng đầu thế giới như Boston Consulting Group (tập đoàn tư vấn Mỹ), Magna Steyr (Áo, chuyên rắp ráp xe ô tô cho Audi, Fiat, GM và Volkswagen), AVL, Durr, Henn cũng như hợp tác với các studio thiết kế xe hàng đầu thế giới như Pininfarina, Zagato, Torino Design và Italdesign. Liên quan đến dự án ô tô, Vingroup cũng hợp tác với Siemens trong các dự án xây dựng doanh nghiệp số, đồng thời Siemens giới thiệu cho Vingroup các nhà tư vấn thiết kế phù hợp và các nhà thầu kỹ thuật, đấu thầu và xây dựng (EPC). VinFast cũng dự tính hợp tác trong nước để phát triển linh kiện, từng bước đạt tỉ lệ nội địa hóa 60%, hướng tới xuất khẩu xe sang các nước trong khu vực.

Khoảng 12 tháng tới, VinFast sẽ ra mắt sản phẩm đầu tiên là dòng xe máy điện. Sau 24 tháng, ô tô của VinFast chính thức xuất hiện. Ở giai đoạn đầu, nhà máy sẽ sản xuất các dòng xe sedan, xe đa dụng có tính năng thể thao (SUV) và xe máy điện, với công suất 100.000-200.000 xe/năm. Đến năm 2025, công suất này sẽ nâng lên bằng mức thiết kế là 500.000 xe/năm, cho mục tiêu trở thành nhà sản xuất ô tô hàng đầu ASEAN.

Khả thi đến đâu?

Ô tô “Made in Vietnam” là một bài toán không hề dễ dàng nhưng vô cùng hấp dẫn. Trước Vingroup, đã có Vinaxuki, Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco) có kế hoạch tự làm ô tô 100% của Việt Nam với chất lượng tốt, giá rẻ. Nhưng vướng mắc về vốn, thuế, công nghiệp phụ trợ khiến giấc mơ chưa thành. Hiện tại, Trường Hải vẫn chủ yếu là nhà sản xuất dạng lắp ráp thông qua liên doanh với Kia (Hàn Quốc), Mazda (Nhật), Peugeot (Pháp). Tương tự, Công ty Thành Công cũng liên doanh với Hyundai (Hàn Quốc). Hiện chỉ Thaco là sản xuất lắp ráp đủ 3 dòng xe: xe du lịch, xe tải, xe bus với tỉ lệ nội địa hóa đạt mức cao nhất ngành, từ 16-50%.

Một chuyên gia đánh giá, tỉ lệ nội địa hóa có liên quan đến nền công nghiệp phụ trợ, đến chất lượng giáo dục đào tạo. Ví dụ, Thái Lan sở dĩ có thể tăng tỉ lệ nội địa hóa ngành ô tô từ 25% năm 1975 lên trên 70% như hiện nay là nhờ nước này ngay từ đầu đã buộc các nhà sản xuất ôtô tại Thái Lan, lúc ấy chủ yếu doanh nghiệp FDI phải mua phụ tùng linh kiện trong nước. Tỉ lệ nội địa hóa cao giúp ô tô Thái Lan ít bị phụ thuộc linh kiện, phụ kiện nhập khẩu cũng như giảm được các chi phí vận chuyển. Từ đây, giá thành của ô tô Thái Lan trở nên cạnh tranh.

Ông Michel Tosto, Trưởng Bộ phận khách hàng tổ chức, Công ty Chứng khoán Bản Việt, đánh giá “sẽ rất thách thức cho Vingroup trong việc bước chân vào thị trường này”. Tuy nhiên, Vingroup cho biết sẽ có hướng đi riêng để làm chủ công nghệ, hướng đến đạt tỉ lệ nội địa hóa 60%. Theo đó, tập đoàn này sẽ thành lập một trung tâm nghiên cứu chuyên ngành ô tô có tầm cỡ tại khu vực Đông Nam Á và thu hút các chuyên gia đã có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành ô tô trên thế giới, đặc biệt đến từ Đức và châu Âu để thực hiện việc nghiên cứu và chọn lựa các giải pháp công nghệ cho dòng xe đầu tiên của VinFast. VinFast cũng sẽ hợp tác với Phòng Thương mại Đức (AHK) tại Việt Nam để thành lập một trung tâm đào tạo kỹ thuật viên ngành cơ điện tử ô tô hàng đầu khu vực, với mục tiêu các học viên ra trường sẽ thành thạo kỹ thuật và tiếp nhận các công nghệ tiên tiến được chuyển giao.

Ngoài ra, VinFast có kế hoạch thúc đẩy ngành công nghiệp phụ trợ trong nước phát triển. Ông Nguyễn Việt Quang cho biết sẽ ưu tiên mua các linh phụ kiện do các nhà sản xuất của Việt Nam làm ra, đồng thời hỗ trợ các nhà sản xuất để đẩy mạnh việc cho ra đời ngày càng nhiều linh phụ kiện ô tô “Made in Vietnam” sử dụng cho VinFast.

Đặc biệt, tuy sinh sau đẻ muộn nhưng VinFast cũng thể hiện sự thức thời khi phát triển dòng xe ô tô điện. Trong bối cảnh thế giới chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, sự nồng nhiệt của người dân các quốc gia với dòng xe điện Tesla (Mỹ) đã cho thấy xu hướng nghiêng về ô tô điện. Vingroup cho biết, sẽ hợp tác với các hãng công nghệ và mời các chuyên gia hàng đầu thế giới để phát triển công nghệ sản xuất pin, bộ sạc… Những chuyên gia này sẽ trực tiếp làm và kiểm soát nên VinFast có thể yên tâm về chất lượng.

Liên quan câu chuyện cạnh tranh giá thành, mới đây, Bộ Tài chính quyết định sẽ giảm thuế nhập khẩu linh kiện ô tô về 0% đối với 2 dòng xe (dưới 9 chỗ từ 2.000cc trở xuống và xe tải dưới 5 tấn). Mặc dù có những điều kiện đặt ra như phải tăng dần tỉ lệ nội địa hóa và đạt mức tối thiếu 40% vào năm 2022, phải tăng trưởng sản xuất, lắp ráp 2 dòng xe này từ 16-18%/năm nhưng đây vẫn là tin vui đối với các nhà sản xuất ô tô trong nước. Trước đó, như Thaco phải chịu thuế nhập linh kiện, phụ kiện trung bình ở mức 18%.

Bộ Công Thương cũng đã kiến nghị Chính phủ gia hạn tăng mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe lớn (dung tích 2,5l) ở mức 55%, đồng thời gia hạn thuế áp cho xe nhỏ (dưới 1,5l) ở mức 40% đến hết năm 2022. Nếu được thông qua, ô tô từ ASEAN vào Việt Nam có thể sẽ không rẻ như mong đợi. Điều này có lợi cho VinFast và các hãng sản xuất lắp ráp ô tô Việt Nam trong cạnh tranh về giá.

Cú hích cho ngành công nghiệp ôtô

Đặt nhà máy tại Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải (Hải Phòng), dự án VinFast sẽ được hưởng những ưu đãi như các doanh nghiệp đang đầu tư tại Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải như thuế thu nhập doanh nghiệp 10% áp dụng trong 15 năm; hàng hóa không phải chịu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu khi từ khu phi thuế quan xuất khẩu ra nước ngoài hay nhập khẩu từ nước ngoài vào khu phi thuế quan và chỉ sử dụng trong khu phi thuế quan, từ khu phi thuế quan này sang khu phi thuế quan khác; hàng hóa, dịch vụ được mua bán giữa nước ngoài với các khu phi thuế quan và giữa các khu phi thuế quan với nhau tại Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải không phải chịu thuế VAT. Điều này càng mở rộng hơn cơ hội thành công của Vingroup và kế hoạch phát triển ô tô thương hiệu Việt Nam.

Các dòng xe nhập khẩu đang có xu hướng gia tăng nhờ tận dụng ưu đãi thuế. Ảnh: Quý Hòa.

Khi trao đổi với NCĐT, các chuyên gia đều bày tỏ thái độ hết sức tích cực với kế hoạch của Vingroup. Bởi lẽ, sự thành công của VinFast cũng mang lại nhiều giá trị cho chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam. Nhất là khi trách nhiệm thực hiện giấc mơ có một thương hiệu ô tô Việt đã được doanh nghiệp tư nhân lãnh nhận, các nhà quản lý sẽ thoải mái hơn trong việc đề ra một cách tiếp cận thiết thực hơn trong việc phát triển công nghiệp ô tô Việt Nam, không chỉ là những mệnh lệnh và ưu đãi.

Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Lê Ninh, nguyên giảng viên Khoa Cơ khí, Đại học Bách khoa TP.HCM, thẳng thắn, hơn 20 năm qua, chúng ta đã không xác định được chiến lược xây dựng ngành công nghiệp sản xuất ô tô, dẫn đến việc đụng đâu làm đó, phân tán và lụn bại. Công nghiệp ô tô Việt Nam hiện nay là số 0 tròn trĩnh và đáng buồn là còn kém xa điều mà chính chúng ta đã làm được thời kỳ trước Đổi mới.

Tuy nhiên, với sự ra đời của VinFast, đây sẽ là cú hích cho ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, đặc biệt với các doanh nghiệp cung ứng linh kiện, phụ kiện, bởi sản phẩm đầu ra đã có điểm đến.

Ngọc Thủy - Hoàng Hải
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư