Tăng trưởng kinh tế: Động lực từ trẻ em

Theo IFC, dịch vụ chăm sóc trẻ tốt hơn, với chi phí thấp hơn ngày càng được ghi nhận là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Cứ mỗi sáng, tại xứ Cồn Nổi giữa dòng sông Hậu (Hậu Giang), nhiều cụ ông, cụ bà dẫn cháu đến trường và đến trưa lại đón chúng về. Đây là cảnh thường thấy tại một số vùng nông thôn ở miền Tây. Khi dòng lao động trẻ đổ về các thành phố làm công nhân, sẽ để lại những vùng quê chỉ toàn người già và trẻ nhỏ.

Hiện nay, cả nước có gần 3 triệu người lao động làm việc tại các khu chế xuất, khu công nghiệp với khoảng 60-70% lao động nữ. Lượng lao động nhập cư ngày càng nhiều đã gia tăng áp lực đối với các tỉnh, thành về hoạt động an sinh xã hội. Rời quê hương đi kiếm sống, chật vật trong các khu nhà trọ chật hẹp, đời sống thiếu thốn, còn phải tiết kiệm tiền để gửi về quê phụ giúp gia đình khiến nhiều công nhân tỉnh lẻ trăn trở và bất an. Đặc biệt, chọn nhà ở quanh các khu công nghiệp, khu chế xuất, công nhân phải gửi con ở các nhà trẻ tư nhân với những người trông trẻ ít được đào tạo bài bản dẫn đến thiếu kiến thức và kỹ năng chăm sóc trẻ em. Thậm chí, đã có nhiều trường hợp đáng tiếc xảy ra như đánh đập tàn nhẫn, đối xử thô bạo với trẻ em... khiến dư luận phẫn nộ.

Điều này là nguyên nhân không nhỏ ảnh hưởng đến năng suất làm việc của người lao động. Mặc dù nhiều doanh nghiệp đã chú trọng hơn chăm lo đời sống của người lao động nhưng vẫn chưa đáp ứng được đầy đủ nguyện vọng của họ.

Ảnh: nhatkybe.vn

Trong khi đó, Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) mới đây đã thực hiện nghiên cứu về Hiệu quả kinh tế cho các doanh nghiệp thực hiện công tác chăm sóc trẻ cho người lao động ở 11 trong 50 nền kinh tế. Kết quả khảo sát cho thấy, những doanh nghiệp chăm sóc đời sống của nhân viên tốt thì hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp cũng tốt hơn.

Kết quả này dựa trên nghiên cứu tại các công ty có cung cấp dịch vụ chăm sóc trẻ và hỗ trợ tài chính cho người lao động như Afrifresh, Akamai, Tokyo - Mitsubishi UFJ, Martur, Pandurata Alimentos, Safaricom... Các nghiên cứu cho thấy nhà tuyển dụng cung cấp dịch vụ chăm sóc trẻ cho người lao động của mình đều nhận được những hiệu quả bất ngờ: tỉ lệ người lao động rời công ty giảm rõ rệt; chất lượng ứng viên tăng lên; các vị trí trống nhanh chóng được lấp đầy; hiệu quả công việc tăng lên do tỉ lệ nghỉ giảm, người lao động tập trung làm việc hơn, có động lực và cam kết lớn hơn; và bình đẳng giới cũng như sự thăng tiến của phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo đều được cải thiện.

Thời gian qua, tại Việt Nam cũng nổi lên một số mô hình trường mầm non do một số doanh nghiệp và các tổ chức kết hợp thực hiện. Hiện tại, nhiều trẻ tại những nơi này cũng đã dần tiếp cận được môi trường học tập tiên tiến hơn.

Trên chiếc bàn tròn cao chừng nửa mét, 5 cháu nhỏ ngồi chơi bộ lego bằng gỗ còn thơm mùi sơn mới, trong lúc đó cô giáo đang soạn bộ tô màu cho các bé. Không gian lớp học quá đẹp đã làm cho hầu hết cha mẹ của chúng phải bối rối khi dẫn các cháu vào đây. Đây là lớp học trong Trung tâm Chăm sóc và giáo dục mầm non OneSky Đà Nẵng do Tổ chức Half the Sky Foundation (Mỹ) tài trợ được xây dựng tại Khu Công nghiệp Hòa Khánh, Đà Nẵng. Hiện tại, có khoảng 250 trẻ, từ 6 tháng đến 6 tuổi, được học tập tại đây theo tiêu chuẩn quốc tế, phù hợp với chương trình mầm non của Việt Nam. Đây là dự án được tài trợ gần 3,5 triệu USD được thực hiện trong 3 năm. Dự án này sẽ tổ chức tập huấn cho đội ngũ giáo viên mầm non và bảo mẫu tại các nhóm trẻ độc lập tư thục, giúp nâng cao kỹ năng chăm sóc trẻ mầm non trong khu vực, tư vấn cho cha mẹ về công tác nuôi dạy trẻ mầm non...

Hay tại Đồng Nai, một trong những thủ phủ của các khu công nghiệp, Trường Những Bông Hoa Nhỏ với các tiêu chuẩn về cơ sở vật chất khá tốt, học phí khoảng 800.000 đồng/tháng, còn các khoản chi khác được chủ đầu tư là Công ty Pouchen Việt Nam tài trợ. Ngôi trường này có đầy đủ các phòng chức năng như hội họa, âm nhạc, thể thao, khu vui chơi vận động ngoài trời... Đáp ứng được nguyện vọng cho các gia đình công nhân cho con học môi trường tốt với học phí thấp.

Ở 11 trong 50 nền kinh tế mà World Bank nghiên cứu gần đây trong khuôn khổ đề tài Phụ nữ, doanh nghiệp và luật pháp, pháp luật yêu cầu các nhà tuyển dụng phải hỗ trợ hoặc cung cấp dịch vụ chăm sóc trẻ. Thậm chí dù không phải là quy định bắt buộc tuân thủ, nhiều nhà tuyển dụng vẫn có xu hướng thực hiện việc hỗ trợ chăm sóc trẻ và thu được những kết quả kinh doanh tốt hơn. Các chính phủ đã ban hành luật định yêu cầu dịch vụ chăm sóc trẻ gồm có Brazil, Chile, Ấn Độ, Iraq, Nhật, Jordan, Hà Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine, Ecuador và Việt Nam.

“Chăm sóc trẻ là một phần giải pháp và trong khi nhiều công ty muốn hỗ trợ nhu cầu chăm sóc trẻ từ các nhân viên của mình, họ thường thiếu thông tin về những gì họ có thể làm và cách thức họ có thể hưởng lợi”, bà Nena Stoiljkovic, Phó Chủ tịch phụ trách Đầu tư Hỗn hợp và Quan hệ Hợp tác của IFC, nhận định.

Theo IFC, dịch vụ chăm sóc trẻ tốt hơn, với chi phí thấp hơn ngày càng được ghi nhận là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Khi bố mẹ có việc làm và tham gia bình đẳng vào lực lượng lao động, sẽ có khả năng tăng thu nhập và tạo ra tác động lớn hơn đến quá trình tăng trưởng của công ty và nền kinh tế. Nhìn chung trẻ em được tiếp cận giáo dục và dịch vụ chăm sóc từ sớm đều khỏe mạnh hơn, học tập tốt hơn và trở thành những người trưởng thành có năng lực hơn.

Diễn đàn Phụ nữ và Kinh tế APEC năm 2017 cũng cho thấy, theo nghiên cứu ở nhiều nền kinh tế, chỉ cần đầu tư 2% GDP vào ngành dịch vụ chăm sóc, đặc biệt trong các dịch vụ xã hội và chăm sóc trẻ em, số lượng việc làm sẽ tăng từ 2,4-6,1%. Từ đó, phần lớn công việc tạo ra có thể do phụ nữ đảm nhiệm, làm giảm khoảng cách giới trong việc làm. Các chính sách này sẽ thúc đẩy việc làm nói riêng và tăng trưởng kinh tế nói chung.

Đức Tài
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư