Chuỗi bán lẻ dược phẩm: Thế trận mới

Các nhà kinh doanh dược phẩm đang nỗ lực phát triển chuỗi bán lẻ để tăng quy mô, giảm chi phí và mở rộng kinh doanh, cạnh tranh trong một thị trường đang có đến hàng chục ngàn cửa hàng nhỏ trên khắp cả nước. Và những nỗ lực này không thể tách rời việc mua bán - sáp nhập (M&A).

10 giờ tối, cửa hàng dược phẩm Vistar trên đường Hai Bà Trưng vẫn mở cửa như thường lệ, tuy nhiên vài loại thuốc phổ dụng không có hàng. Cô Th., quản lý cửa hàng, cho biết hàng hóa chưa nhập kịp do công ty đang trong quá trình chuyển đổi. Th. là một trong hàng trăm nhân viên Vista đã vượt qua cuộc thi tuyển để ở lại làm việc tại đây sau khi Century Healthcare, tập đoàn kinh doanh sản phẩm sức khỏe lớn nhất Indonesia mua lại chuỗi Vistar. Chuỗi Vistar hình thành năm 2007, đến nay có 22 cửa hàng ở TP.HCM và bắt đầu mở ra Hà Nội. Mô hình Vistar là bán lẻ dược phẩm kết hợp cửa hàng bách hóa tiện lợi hợp tác với thương hiệu đồng giá Cando (Nhật Bản).

Cuộc đua về chuỗi

Century Pharma - nhà bán lẻ sản phẩm chăm sóc sức khoẻ và sắc đẹp với hệ thống hơn 1.000 cửa hàng ở Indonesia sẽ là đối thủ đáng gờm cho bất cứ nhà phát triển chuỗi bán lẻ dược phẩm nào tại Việt Nam. Thị trường Việt Nam với thu nhập đầu người và cách thức phát triển tương đồng với Indonesia là lợi thế của Century. Từ cửa hàng đầu tiên ở Bitexco hồi tháng 1/2017, hiện Century đã có mặt ở nhiều TTTM lớn tại TP.HCM như Saigon Centre, Takashimaya, Annam Gourmet... Nhà kinh doanh này đưa ra thông điệp tự tin: "Century Healthcare sẽ tạo ra cuộc cách mạng bán lẻ về sản phẩm chăm sóc sức khoẻ và sắc đẹp ở TP.HCM".

Chuỗi bán lẻ dược phẩm: Thế trận mới

Trong một thông cáo nội bộ, tập đoàn mẹ Pharos cho biết: "Century Healthcare chắc chắn sẽ trở thành điểm đến phổ biến cho người tìm kiếm các loại thuốc có chất lượng cao và các sản phẩm làm đẹp. Trong một thời gian ngắn, Century sẽ trở nên nổi tiếng và đáng tin cậy tại Việt Nam như ở Indonesia". Pharos còn có các cơ sở sản xuất ở Indonesia, Singapore và Việt Nam và thông qua các hợp đồng cấp phép cũng cung cấp các sản phẩm ở Philippines, Malaysia, Campuchia và Myanmar.

Century tiên phong vào thị trường Việt Nam nhưng dự báo không phải là duy nhất. Cũng như các mô hình bán lẻ khác, khi thị trường đủ độ hấp dẫn là có "cuộc chơi" của các tên tuổi lớn, như Aeon (Nhật) đang sở hữu hơn 4.000 hiệu thuốc ở nhiều thị trường, tại Việt Nam họ vẫn chưa khởi động phân khúc này.

Các nhà phân tích nhận định, khi thị trường đủ chuyên nghiệp sẽ trở thành đối tượng của nhà bán lẻ khổng lồ như Walgreens Boot Alliance (nhà bán lẻ lớn nhất thế giới với 13.000 nhà thuốc ở 11 quốc gia) có doanh thu 2016 tới 117 tỷ USD, CVS của Mỹ với hơn 7.000 nhà thuốc, Watson với hơn 15.000 nhà thuốc ở châu Á, Lloyds Pharmacy (Anh), Mercury (Philippines)...

Thị trường cũng đang đồn đoán các cuộc thâu tóm chuỗi bán lẻ dược phẩm, chẳng hạn Thế Giới Di Động với Pharmacity hay FPTshop với Long Châu. Tuy nhiên, đại diện các công ty này đều cho biết "đang trong quá trình tìm hiểu và thương thảo để đạt được cơ hội tốt nhất". Thế Giới Di Động kỳ vọng hoàn tất thương vụ ngay trong năm nay.

Nhà bán lẻ này tham vọng mở đến 800 cửa hàng dược phẩm, sẽ là một đối thủ đáng gờm với lõi phát triển bán lẻ mà họ đang sở hữu. Tọa lạc tại đường Hai Bà Trưng, một trong những tuyến đường đông đúc nhất về thị trường dược phẩm TP.HCM, nhà thuốc Long Châu có 5 cửa hàng, gần đây mở rộng sang các quận khác với kế hoạch tuyển dụng ồ ạt trong chương trình phối hợp với Công ty Bán lẻ kỹ thuật số FPT.

Chuỗi bán lẻ dược phẩm: Thế trận mới

Chuỗi Phano là đại diện lớn trong ngành bán lẻ và nắm lợi thế hợp tác với các nhà sản xuất lớn trong và ngoài nước. Từ năm 2017, Phano đã bắt đầu mô hình nhượng quyền 3P - Professionalism (vận hành chuyên nghiệp) - Profit (kinh doanh hiệu quả) - Protection (đầu tư an toàn) trong tham vọng vị thế hàng đầu thị trường bán lẻ dược phẩm. Đây là chuỗi nhà thuốc lớn nhất hiện nay với gần 80 cửa hàng và khác với chuỗi khác tập trung chủ yếu tại TP.HCM thì Phano đã có mặt tại hơn 10 tỉnh - thành.

Hồi tuần rồi Pharmacity mở cửa hàng thứ 78 ở TP.HCM trong mục tiêu 200 cửa hàng vào năm 2020. Hình ảnh Pharmacity cũng gắn liền với các cây xăng Petrolimex, bổ sung cho phương thức cửa hàng tiện lợi theo mô hình kinh doanh trạm thuốc - cây xăng ở các nước châu Âu hay Bắc Mỹ. Hệ thống Pharmacity quen thuộc ở các tuyến phố lớn cũng bắt đầu thâm nhập khuôn viên phòng khám bác sĩ gia đình.

Chris Blank - CEO của Pharmacity cho rằng chuỗi phòng khám bác sĩ gia đình còn nhiều không gian phát triển, dù không trực tiếp khám chữa bệnh cho bệnh nhân nhưng bước cấp phát thuốc sẽ góp phần nâng cao dịch vụ của phòng khám bác sĩ gia đình. Pharmacity xem đó là cơ hội cho đội ngũ chuyên môn và quản lý của mình.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Công ty Chứng khoán FPT (FPTs), triển vọng tăng trưởng của Pharmacity chưa thực sự rõ do thiếu vắng các mắt xích quan trọng là nhà phân phối và nhà cung ứng. "Đây có thể là mô hình kinh doanh "xây hệ thống" của nhà đầu tư tài chính với quy mô đủ lớn để có thể bán lại cho các đối tác chuyên nghiệp muốn thâm nhập thị trường" - FPTs nhận định.

Ngoài Phano và Pharmacity, một số hệ thống nhà thuốc khác gầy dựng được tên tuổi như Phúc An Khang, Sapharco, Vistar, Mỹ Châu. Sapharco với hơn 30 nhà thuốc bán lẻ và các chi nhánh bán buôn, Phúc An Khang với 20 cửa hàng, Eco Pharmacy với cách thức tổ chức tương tự mô hình Phano nhưng quy mô nhỏ hơn với chưa đầy 20 cửa hàng chủ yếu gần các bệnh viện lớn ở TP.HCM.

Chuỗi bán lẻ dược phẩm: Thế trận mới

Định hình lại thị trường phân mảnh

Mô hình chuỗi bán lẻ dược phẩm hình thành cả chục năm trước nhưng thay đổi khá chậm chạp. Ước tính trên cả nước có hơn 50.000 nhà thuốc riêng lẻ, trong khi quy mô các chuỗi bán lẻ thuốc hiện đại còn rất nhỏ, chưa đạt đến con số 500.

Cuộc đua mới thực sự diễn ra khoảng ba năm nay, số cửa hàng thuộc các chuỗi này tăng nhanh nhưng cũng chưa có chuỗi nào vượt được con số 100, khó thể kéo theo sự thay đổi của thị trường truyền thống.

Tổ chức BMI ước tính doanh số thị trường dược Việt Nam đạt 4,7 tỷ USD năm 2016, trong đó doanh số bán lẻ dược chiếm 1/3, dự báo đạt doanh số 7,27 tỷ USD vào năm 2019. IMS Health dự báo lạc quan hơn với lượng tiêu thụ thuốc tại Việt Nam đạt khoảng 10 tỷ USD vào năm 2020, bình quân mỗi người dân chi xấp xỉ 50 USD/năm so với mức 33 USD năm 2015. Sự tham gia của các chuỗi hiện đại đang góp phần định hình lại thị trường được xem đang phân mảnh rất lớn này.

Nhìn chung, các nhà thuốc bán lẻ lẫn các chuỗi lớn vẫn là khách hàng chính trong kênh OTC (thuốc không theo toa) của các công ty dược phẩm khiến thị trường bán lẻ phân mảnh và khó thay đổi do lo ngại khó kiểm soát dược phẩm hiệu quả, do ít chuỗi bán lẻ tên tuổi trong khi dược phẩm chủ yếu đang được tiêu thụ qua các nhà thuốc riêng lẻ và ngay trong bệnh viện.

Tổ chức BMI ước tính doanh số thị trường dược Việt Nam đạt 4,7 tỷ USD năm 2016, trong đó doanh số bán lẻ dược chiếm 1/3, dự báo đạt doanh số 7,27 tỷ USD vào năm 2019.

Các chuỗi hiện đại đòi hỏi chuẩn mực kinh doanh được vận hành nghiêm túc và nguồn lực được đào tạo nâng cao thường xuyên, có phương thức tiếp thị đồng nhất và linh hoạt theo thị trường. Thách thức của họ ở quy mô chuỗi còn là thiết lập được hệ thống quản trị hiện đại để tối ưu hóa chi phí và phân tích kinh doanh hiệu quả.

Trong khi quy định chuẩn GPP khiến mức đầu tư cao hơn và quy trình chặt chẽ hơn, như yêu cầu dược sĩ túc trực suốt giờ mở cửa, chuẩn diện tích, nhiệt độ bảo quản thuốc, bán theo toa quy định thì các nhà thuốc truyền thống có lợi thế len lỏi trong các khu dân cư và đã thiết lập được thói quen tiêu dùng của dân chúng.

Thậm chí các chuỗi bán lẻ đã đẩy mạnh các mô hình trực tuyến, với các cam kết hàng chính hãng, được giao tận nơi trên toàn quốc, giao cực nhanh và đổi trả hàng đơn giản. Một số chuỗi bán lẻ ban đầu định hướng trở thành nhà thuốc trực tuyến dù chưa phù hợp với các quy định hiện hành. Đây có thể là kênh phân phối bổ sung cho các nhà bán lẻ và theo xu thế tương lai.

Tuyết Ân - Hoàng Duy
Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn