Apple trở thành một "tôn giáo" mới?

Từ iPhone 2G là “chiếc điện thoại của Chúa”, Apple ngày càng gần với hình ảnh của một tôn giáo thực thụ.

Mỗi một lần Apple mở bán sản phẩm mới, bạn sẽ có cảm tưởng chẳng khác nào mình đang tham dự lễ hành hương của những người theo đạo. Hàng ngàn con người đứng xếp hàng thậm chí cắm trại ngủ qua đêm ngoài đường trước vài ngày để mong là người đầu tiên chạm tay vào sản phẩm. Họ “hy sinh” như vậy chắc chắn không đơn giản chỉ vì chiếc điện thoại mới. Vậy vì điều gì?

Các chuyên gia thương hiệu, marketing cho rằng các sản phẩm của Apple không chỉ nằm ở thiết kế và chất lượng mà còn là một thứ nghệ thuật marketing khiến ai nấy đều “thèm khát” sản phẩm của hãng.

Quay về ngày 29/6/2007, thời điểm cố CEO Steve Jobs của Apple giới thiệu chiếc iPhone đầu tiên (iPhone 2G). Khi đó, không chỉ giới công nghệ mà cả các đơn vị truyền thông cũng bị sự ưu việt của sản phẩm này làm kinh ngạc, phóng viên Stewart Wolpin – đồng nghiệp của Pete Pachal đến từ NBC Universal còn không tiếc lời ca ngợi iPhone 2G là “chiếc điện thoại của Chúa”.

Ảnh: Reuters.

Mười năm qua, Apple đã trở thành thương hiệu lớn nhất trong ngành công nghiệp sản xuất điện thoại. Mẫu mã, thiết kế, công nghệ của Apple trở thành tiêu chuẩn của tất cả các hãng sản xuất điện thoại còn lại. Trong cuộc họp để công bố báo cáo tài chính quý III/2017 (theo năm tài khóa của Apple), CEO Tim Cook của Apple đã tiết lộ rằng “quả táo” đã bán được 1,2 tỷ chiếc iPhone trong suốt 10 năm qua. Cùng với đó, Apple ngày càng tiến gần hơn tới ranh giới của “chiếc điện thoại của Chúa”

Theo World Religion News, các nhà nghiên cứu thần kinh học đã chứng minh rằng suy nghĩ về các sản phẩm của Apple liên quan đến vùng não tương ứng với hình ảnh tôn giáo.

Trong phim tài liệu của BBC, các nhà khoa học đã quét não của fan hâm mộ Apple, người tuyên bố rằng ông suy nghĩ về các tiện ích yêu thích của mình 24/24. Các chuyên gia kết luận: "Nghiên cứu cho thấy thương hiệu kỹ thuật lớn ảnh hưởng đến các vùng não dùng để xử lý thông tin tôn giáo."

Cuộc cách mạng của iPhone trong 1 thập niên.

Các nhà nhân học cho biết, cửa hàng Apple có nhiều điểm chung với nhà thờ: nghiêm trang, ánh sáng thiên thần, thậm chí biểu tượng cũng có tính chất của nghi thức tôn giáo.

Những người hâm mộ sản phẩm của Apple chỉ đơn giản gọi nhau là iFan. Nhưng nhiều nhà nghiên cứu xã hội học, tôn giáo thì gọi đó là hiện tượng “Apple tạo nên tín ngưỡng”. Có rất nhiều lý do cho điều này và thậm chí một chuyên gia về Sử học và cũng là giáo sư tại trường Đại học New York, bà Erica Robles-Anderson cũng tin vào điều này. Vị giáo sư này đưa ra rất nhiều lập luận lý giải “cơn cuồng” Apple của mọi người, trong đó có nhiều điểm tương đồng với tôn giáo.

Chẳng hạn, Apple là sản phẩm dành cho tất cả mọi người và khi đó, mọi người có chung một mục đích, tự tạo nên một sự đoàn kết nhất định. Thậm chí, các cửa hàng Apple có thiết kế có nhiều điểm tương đồng với những đền thờ. Khách hàng phải đi qua những bậc thềm bằng đá rộng và sâu, những cánh cửa cao rộng giống nhà thờ tại Địa Trung Hải… Chúng đều là những tác phẩm nghệ thuật, và có giá trị lớn hơn cả giá trị vật chất đơn thuần.

Hà Cúc
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư