20 năm Internet Viet Nam: Yahoo và những dịch vụ trước thời Facebook, Zalo

TTVN, mạng dial-up, Yahoo! Messenger hay các diễn đàn... đó là những ký ức khó quên của nhiều người Việt trước khi có Facebook, Zalo.

Ngày 19/11/1997, Việt Nam chính thức gia nhập vào mạng Internet toàn cầu sau những năm tháng thử nghiệm từ đầu thập niên 90. Từ thời kỳ "hỗn mang" với mail-list, mạng dial-up, cho đến những kỷ niệm không thể nào quên với Yahoo!, các diễn đàn và sau này là Facebook, YouTube, Zalo... những ai may mắn trải qua hai thập kỷ này đều có cơ hội chứng kiến những cú chuyển mình, hay từng hơi thở của đời sống Internet tại thị trường 90 triệu dân.

Dưới đây là những gói dịch vụ, phần mềm Internet mà những ai là "nhân chứng" của 20 năm qua, sẽ không thể nào quên.

Mạng Dial- Up và Windows NT

Mạng Dial-Up tốc độ chậm chỉ 56 Kb/ giây nhưng là niềm tự hào của những ai "nhà có mạng" thời trước năm 2000. Dial-Up chung đường dây với điện thoại bàn, model khi kết nối thường có tiếng "tít tít te te". Vì tính cước theo số phút, số tiền phải trả cho Internet thời đó có thể lên đến 15.000 đồng/giờ, gấp ba lần giá xăng. Windows NT là hệ điều hành máy tính phổ biến trước khi có Windows 95.

Những công cụ chat IRC

Trước khi có Yahoo! Messenger hay MSN, các phần mềm chat IRC là công cụ để tán gẫu trực tuyến. Tại Việt Nam, thời kỳ đầu của Internet có rất ít người dùng IRC, chủ yếu là các kỹ sư máy tính và hacker.

Yahoo! Messenger

Thời kỳ của Yahoo! tại Việt Nam cũng gắn liền với mạng ADSL và sự nở rộ của các "tiệm nét" trên cả nước. Việc sở hữu một nickname để chat Yahoo! Messenger là "mốt" của giới trẻ. Những mối tình xa, những câu chuyện không đầu không cuối, những nickname kỳ quặc... đã gắn liền với phần mềm chat màu tím và trong ký ức của nhiều người.

Yahoo! Blog 360

Nền tảng blog đình đám một thời của giới trẻ Việt Nam trước khi có Facebook, Twitter. Mỗi blog được coi như một "ngôi nhà online", được chủ nhân trang trí bằng nhiều cách. Khái niệm "Entry" (bài viết), comment (bình luận) và các câu status cũng được hình thành từ những ngày đó. Tuy nhiên, nó đã bị khai tử và để lại nhiều tiếc nuối.

Google

Thiếu Yahoo!, người dùng Việt có thể tiếc nuối nhưng nếu thiếu Google, đó sẽ là thảm họa. Google Search giúp tìm kiếm thông tin trên Internet và Gmail là hộp thư được nhiều người sử dụng cho đến sau này.

Những trang nhạc số

Khi gói dịch vụ ADSL không giới hạn dung lượng xuất hiện, cũng là lúc nhu cầu nghe nhạc và xem video trực tuyến nở rộ. Sonhai.info, Nhacso.net, Hoangclub.vn hay về sau là Zing MP3, Nhaccuatui... là những cái tên quen thuộc với hàng triệu người dùng Internet tại Việt Nam.

Game Online

Mạng ADSL cũng mang đến làn sóng phát triển của game online tại Việt Nam. Vào những năm 2004-2010, hàng loạt những cái tên như MU, Võ Lâm Truyền Kỳ, Gunbound, Audition, Boom...đua nhau phát hành và dành được nhiều thành công lớn. Những tiệm net đã trở thành phòng game online thay vì chỉ phục vụ nhu cầu nghe nhạc, tán gẫu như trước.

YouTube và các trang chia sẻ video

YouTube cũng là một dịch vụ gắn liền với người dùng Internet tại Việt Nam. Cùng thời với YouTube, một nền tảng chia sẻ video khác là Clip.vn xuất hiện nhưng không cạnh tranh được với sản phẩm từ Google về chất lượng, dù có lúc trang này chứa nhiều video có nội dung bản địa hơn.

Diễn đàn mạng

Webtretho, Vn-zoom, VOZ Forum... là những diễn đàn rất quen thuộc với nhiều người Việt. Lợi thế của diễn đàn là nội dung được phân loại cụ thể theo từng chủ đề. Các thành viên có thể tạo chủ đề (topic) và chia sẻ thông tin. Đến nay, chỉ còn một vài diễn đàn lớn như Otofun hay webtretho mới đủ sức tồn tại trước sự phổ biến của mạng xã hội.

Mạng xã hội Facebook

"Cái chết" của nền tảng blog từ Yahoo! khiến người dùng chuyển sang các forum (diễn đàn nhiều hơn), nhưng không lâu sau Facebook đã xuất hiện và dần chiếm vị trí độc tôn. Facebook đang trở thành cuộc sống thứ hai của mỗi người dùng, song song với đời thực.

Các ứng dụng nhắn tin OTT

Nhắn tin miễn phí thông qua các ứng dụng như Zalo, Viber hay Facebook Messenger là nhu cầu không thể thiếu trên một chiếc smartphone kết nối Internet. Zalo hiện là OTT phổ biến nhất tại Việt Nam với hơn 80 triệu thành viên (tính đến 8/2017).

Những gì đang xảy ra ở thì hiện tại cho thấy nỗ lực trong quá khứ là kịp thời và rất cần thiết. Đó là ngày Giáo sư Rob Hurle của Đại học Quốc gia Australia mang modem to như "cục gạch" đến Việt Nam năm 1991, đặt nền móng đầu tiên cho khái niệm "vào mạng". Để rồi sau đó, cú "thế chấp” chiếc ghế Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện của Tiến sĩ Mai Liêm Trực, mở đường cho Internet về Việt Nam, kéo theo sự ra đời của VNPT, FPT và các ISP sau năm 1997. Từ đó, người dùng tại Việt Nam được tiếp cận với những sản phẩm, nền tảng phổ biến của thế giới.

Nguồn Zing News