Doanh nghiệp nào thống trị thị trường bia Việt?

Năm 2016, Sabeco đạt gần 6.000 tỷ lợi nhuận trước thuế - chỉ bằng 1/2 so với lợi nhuận của nhóm Heineken Việt Nam trong khi thị phần cao gần gấp đôi.

Trong tháng cuối cùng của năm 2017, một trong những tâm điểm thu hút sự chú ý của giới đầu tư là thương vụ thoái vốn nhà nước tại Sabeco.

Với giá khởi điểm chào bán lên đến 320.000 đồng/cp, quy mô của đợt thoái vốn này lên đến 5 tỷ USD. Mặc dù đây là mức giá khá đắt so với kết quả kinh doanh hiện tại của Sabeco nhưng khá nhiều người vẫn lạc quan về khả năng thành công của đợt chào bán này khi xét đến việc Việt Nam là một trong những thị trường bia rất giàu tiềm năng và Sabeco đang là doanh nghiệp dẫn đầu với khoảng 40% thị phần theo sản lượng tiêu thụ.

Mặc dù nắm thị phần áp đảo, gần gấp đôi so với doanh nghiệp đứng thứ 2 là Heineken Việt Nam - với các thương hiệu chính là Heineken, Tiger, Larue... - nhưng điều nghịch lý là Heineken luôn có lợi nhuận vượt trội so với Sabeco. Không những thế, với mức tăng trưởng doanh thu lên đến 33% trong năm 2016, doanh thu của Sabeco cũng bắt đầu bị nhóm Heineken qua mặt.

Theo số liệu của CTCP Nghiên cứu ngành và Tư vấn Việt Nam - VIRAC, doanh thu năm 2016 của Cty TNHH Bia và Nước giải khát Heineken Việt Nam (Heineken Trading) đạt 33.900 tỷ đồng. Còn doanh thu hợp nhất của Sabeco và các công ty con mới chỉ đạt 30.600 tỷ đồng; trong đó, doanh thu từ bán bia đạt 26.200 tỷ đồng, phần còn lại chủ yếu là kinh doanh bao bao bì và một phần nhỏ đến từ nước giải khát.

Heineken Trading là công ty phụ trách hoạt động phân phối bia cho cả hệ thống Heineken tại Việt Nam. Hai công ty đầu mối phụ trách hoạt động sản xuất bia của Heineken là Cty TNHH Nhà máy bia Heineken Việt Nam (Heineken Vietnam Brewery) và Cty TNHH Nhà máy bia Heineken Hà Nội.

Heineken Vietnam ngoài nhà máy chính đặt tại Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh còn sở hữu 4 công ty con tại Đà Nẵng, Quảng Nam, Tiền Giang và Bà Rịa Vũng Tàu.

Nếu như về doanh thu, nhóm Heineken mới chỉ nhỉnh hơn một chút thì về lợi nhuận hệ thống này tỏ ra áp đảo so với Sabeco.

Lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2016 của Sabeco chỉ đạt 5.700 tỷ đồng, chưa bằng một nửa so với tổng lợi nhuận của hệ thống Heineken tại Việt Nam, đạt 11.600 tỷ đồng. Trong đó, lợi nhuận của riêng công ty TNHH Nhà máy bia Heineken Việt Nam cũng đã bỏ xa Sabeco, đạt 9.500 tỷ đồng.

Rõ ràng, việc nắm giữ thị phần tiêu thụ lớn nhất nhưng hiệu quả kinh doanh thua xa Heineken cho thấy Sabeco không có được vị thế dẫn dắt thị trường bia như Vinamilk trên thị trường sữa.

Do vậy, việc Sabeco đang được giao dịch ở mức giá tương ứng với P/E gần 50 lần so với 26 lần của Vinamilk đang khá đắt.

Với việc nhà nước thoái phần lớn cổ phần tại Sabeco xuống còn 36% tương tự như Vinamilk, đây là cơ hội để công ty bia có lịch sử hơn 140 năm này cải tổ bộ máy quản trị, tăng cường hiệu quả kinh doanh.

Nhưng nhìn vào kết quả kinh doanh của Heineken và Sabeco cũng cho thấy thị trường bia Việt Nam có sức hấp dẫn vô cùng lớn. Hơn nữa, đây cũng có thể coi như là cơ hội cuối cùng để các tập đoàn bia lớn nước ngoài thâm nhập vào thị trường Việt Nam.

Sự tăng trưởng mạnh mẽ của bộ đôi này đã khiến các hãng bia khác trên thị trường như Habeco, Carlsberg, Masan Brewery, AB Inbev, Sapporo... bị bỏ lại khá xa. Trong khi cả Sabeco và Heineken đều tăng trưởng 2 chữ số thì doanh thu năm 2016 của cả Habeco và Carlsberg đều gần như bất động. Hãng bia lớn nhất thế giới AB Inbev với thương hiệu Budweiser sau vài năm vào Việt Nam cũng mới thu được kết quả hết sức khiêm tốn với doanh thu chưa đến 200 tỷ đồng.

Kiến Khang
Nguồn Trí thức trẻ