Thị trường dược phẩm: Thừa và thiếu

Thị trường dược phẩm Việt Nam được đánh giá cao về mức độ tăng trưởng. Tuy nhiên, DN nội không đủ sức giành thị trường, DN ngoại không mặn mà đầu tư nhà máy tự sản xuất nên Việt Nam vẫn phải phụ thuộc vào thuốc nhập khẩu và ngành dược không có nhiều cơ hội phát triển.

Nội yếu, ngoại thờ ơ

Theo báo cáo về thị trường dược phẩm 2013 của Công ty Nghiên cứu thị trường Business Monitor International Ltd (Anh), năm 2008, thị trường dược phẩm Việt Nam đạt doanh thu 1,1 tỷ USD. Năm 2009, con số này tiếp tục tăng lên 1,2 tỷ USD và dự báo năm 2013 sẽ tăng lên 1,7 tỷ USD, đạt mức tăng trưởng khoảng 25%/năm, nằm trong nhóm thị trường có mức tăng trưởng cao nhất trên thế giới về chi tiêu cho dược phẩm và các dịch vụ y tế. Con số này có thể đạt hơn 5 tỷ USD vào năm 2015.

Dù vậy các công ty dược trong nước chỉ mới đáp ứng 40% nhu cầu, 60% còn lại phụ thuộc vào nhập khẩu. Năm 2008, ngành dược chi 923 triệu USD để nhập khẩu dược phẩm ngoại, đến năm 2013, kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này dự báo sẽ đạt gần 1,4 tỷ USD.

Thống kê của Bộ Y tế, cả nước có khoảng 185 DN tham gia ngành dược, trong đó khoảng 100 DN sản xuất tân dược, 80 DN sản xuất đông dược và 5 DN sản xuất vacxin, sinh phẩm y tế. Các DN này cũng chỉ mới sản xuất được những dược phẩm chuyên khoa thông thường, còn các nhóm thuốc có giá trị cao như thuốc gây mê, thuốc giải độc đặc hiệu, chế phẩm máu, thuốc chống ung thư... phải nhập khẩu từ nước ngoài.

Thực hiện cam kết của WTO, từ năm 2009 ngành dược đã mở cửa cho các DN nước ngoài mở chi nhánh, nhà máy tại Việt Nam. Kể từ đó, bên cạnh các công ty nhà nước đã xuất hiện nhiều công ty liên doanh và văn phòng đại diện của công ty nước ngoài.

Năm 2008, ngành dược chi 923 triệu USD để nhập khẩu dược phẩm ngoại, đến năm 2013, kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này dự báo sẽ đạt gần 1,4 tỷ USD.

Tuy nhiên, kỳ vọng vào sự phát triển đối với nền công nghiệp dược trong nước đã không diễn ra như mong muốn khi số lượng DN đầu tư vào thị trường chỉ chiếm khoảng 30%, còn lại 70% DN ngoại được cấp phép hoạt động tại Việt Nam chỉ tham gia hoạt động nhập khẩu.

Các dự án đầu tư nước ngoài tại Việt Nam cũng chỉ sản xuất những chế phẩm thông thường hay tham gia các liên doanh để cung cấp các dịch vụ hậu cần cho ngành dược, chưa đi sâu hoạt động sản xuất các loại thuốc đặc trị, nên hàng năm Việt Nam vẫn phải chi hàng tỷ USD để nhập khẩu dược phẩm từ nước ngoài và không có nhiều cơ hội tiếp cận công nghệ sản xuất thuốc của thế giới.

Nhiều rào cản

Nhận định về thị trường dược phẩm Việt Nam, các công ty nước ngoài cho rằng năng lực cạnh tranh của thị trường Việt Nam còn rất thấp so với các nước trong khu vực như Indonesia, Philippines hay Singapore. Do vậy, nếu đầu tư nhà máy tại Việt Nam sẽ thiệt nhiều hơn lợi.

Đơn cử như khi đầu tư sản xuất dược phẩm, các công ty nước ngoài quan tâm nhiều nhất đến nguồn nguyên liệu tại chỗ vì nguyên phụ liệu chiếm gần 60% chi phí sản xuất. Nhưng tại Việt Nam, 90% nguồn nguyên vật liệu phục vụ cho ngành dược phải nhập khẩu. Mức thuế nhập khẩu nguyên phụ liệu sản xuất dược phẩm lại cao hơn so với các nước khác.

Những yếu tố này đẩy giá thành sản phẩm lên cao khiến khó tìm đầu ra, đồng thời khó xuất khẩu vì giá không cạnh tranh.

Do vậy, dù mong muốn sẽ trở thành công ty 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam, nhưng đại diện của Công ty GlaxoSmithKline cho biết mới hướng đến việc liên doanh, liên kết với các nhà sản xuất trong nước chứ chưa tự sản xuất.

Tương tự, dù là một tập đoàn nổi tiếng trên thế giới và thừa nhận thị trường dược phẩm Việt Nam hấp dẫn với mức tăng trưởng nhanh, nhưng Actatis cho biết chỉ đang mở rộng mạng lưới phân phối và tìm đối tác để liên doanh, hợp tác sản xuất chứ không đầu tư sản xuất để giá thuốc rẻ hơn.

Như vậy, tính đến nay ngành dược phẩm mới có 1 dự án đầu tư nước ngoài đáng chú ý là dự án của United International Pharma (UIP), thuộc Tập đoàn Unilab (Philippine), với nhà máy dược phẩm đạt chuẩn PIC/S-GMP tại Bình Dương.

Sự e ngại của nhà đầu tư ngoại cũng là thực tế gây khó khăn cho một số công ty nội. Cụ thể với Imexpharm, dù trước nay khoảng 55% lượng thuốc của công ty được phân phối qua kênh điều trị, song bước sang năm 2013, Imexpharm đứng trước thách thức về giá khi tham gia đấu thầu do công ty đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại, nguồn nguyên liệu chất lượng tốt nên giá thành có phần cao hơn các công ty khác.

Với dự án Penicillin tại Bình Dương, khi nhà máy hoạt động sẽ cung ứng khoảng 10 triệu lọ thuốc/năm, nhưng thực tế sức tiêu thụ không như kỳ vọng nên chỉ mới có thể sản xuất 3 triệu lọ/năm. Ngoài ra, thuốc nội còn khó phát triển hơn khi phải đối mặt với tâm lý chuộng thuốc ngoại của thị trường.

Theo khảo sát của Cục Quản lý khám chữa bệnh, hiện tỷ lệ sử dụng thuốc nội tại các bệnh viện trong nước ở tuyến trung ương chỉ đạt 12%, các bệnh viện tỉnh, thành phố đạt gần 34% và tại các bệnh viện huyện cũng chỉ khoảng 61%. Do đó, không có nhiều DN mạnh dạn đầu tư sản xuất dược phẩm chất lượng cao. Từ những hạn chế của sản phẩm trong nước, thuốc nhập khẩu đang "làm mưa làm gió", chiếm lĩnh thị trường, mở đường cho thuốc giả, thuốc nhái tràn vào nội địa.

Nguồn Chiến lược Marketing