Nhà sáng lập Uniqlo sắp từ bỏ ‘ngai vàng’?

Trên tờ Nikkei, nhà sáng lập kiêm CEO Uniqlo đã chia sẻ về dự định nghỉ hưu và tìm người kế nghiệp của mình.

Tadashi Yanai đang nghĩ tới việc rời khỏi vị trí CEO tập đoàn sở hữu thương hiệu Uniqlo là Fast Retailing trong vài năm nữa nếu như có thể tìm được người thay thế phù hợp cho vị trí đứng đầu đế chế quần áo lớn thứ 3 thế giới này. Ông thừa nhận rằng việc tìm một người phù hợp với tất cả những yêu cầu cần thiết mà ông đưa ra không phải là một công việc dễ dàng.

Dưới đây là bài chia sẻ chi tiết của Yanai về vấn đề người kế nhiệm trên tờ Nikkei:

* Trước đây ông từng nói rằng muốn tập trung cho vị trí chủ tịch khi bước sang tuổi 70. Bây giờ kế hoạch này thế nào rồi khi ông đã 68 tuổi?

Đúng là tôi từng nói vậy nếu có thể. Tôi không thể nghỉ hưu bởi bản thân là nhà sáng lập nhưng sẽ đến một lúc tôi không còn đủ sức lực và tinh thân để xử lý các công việc quản lý. Công ty chúng tôi có rất nhiều người trẻ tuổi vì vậy tôi muốn họ có cơ hội đảm nhận trọng trách này.

* Ông có muốn chọn người kế nhiệm ngay trong công ty không. Ông có hài lòng với lựa chọn hiện tại của mình không?

Vẫn chưa. Tìm được nhân tài hàng đầu thật sự rất khó khăn. Thực tế là, trong lĩnh vực may mặc và bán lẻ, cũng chưa có bất kỳ vị lãnh đạo nào ấn tượng xuất chúng tại châu Âu và Mỹ. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ không chọn người bên ngoài công ty. Tôi nghĩ lựa chọn duy nhất của chúng tôi sẽ là một người trong nội bộ công ty.

Các lãnh đạo chỉ có thể phát triển từ chính công việc của họ. Ai cũng phải trải qua thời kỳ làm việc, tạo ra thành tựu rồi sau đó mới có cơ hội được bổ nhiệm lên những vị trí điều hành cấp cao, ví dụ như CEO.

* Cho đến giờ đã có rất nhiều người nước ngoài trở thành lãnh đạo cấp cao tại các mảng khác nhau của Uniqlo, ông đã có ý tưởng nào về quốc tịch của vị CEO mới chưa?

Tốt nhất nên để người bản địa điều hành các hoạt động ở địa phương như một người Nhật sẽ lãnh đạo thị trường Nhật Bản và một người Trung Quốc nên được chỉ định cho thị trường Trung Quốc. Điều này sẽ giúp họ có cơ hội thể hiện hết tiềm năng của mình. Điều quan trọng mà người kế nghiệp tôi cần có là khả năng hợp tác với các văn phòng địa phương và chi nhánh khu vực ở mỗi nước.

Một nhà lãnh đạo cần phải có bản lĩnh lớn. Họ sẽ trải qua thời kỳ khó khăn nếu không thể tự đưa ra các quyết định và chấp nhận rủi ro.

Một nhà lãnh đạo cần phải có bản lĩnh lớn. Họ sẽ trải qua thời kỳ khó khăn nếu không thể tự đưa ra các quyết định và chấp nhận rủi ro. Chúng tôi sẽ chọn người tốt nhất cho vị trí này ở trên toàn thế giới.

* Liệu một người Nhật có thể trở thành lãnh đạo tập đoàn không?

Tôi luôn nói như vậy nhưng phải thừa nhận là người Nhật không giỏi trong cách làm việc nhóm. Nếu có 1 quả bóng, ai cũng đuổi theo sau nó. Làm việc nhóm có nghĩa là vừa thể hiện được những điểm mạnh của mình đồng thời phải sử dụng đúng người có khả năng đá hoặc ghi bàn. Theo cách đó, quả bóng cuối cùng sẽ tìm được vào gôn.

Cuối cùng, những mảng như logistics, bán lẻ và sản xuất sẽ biến mất. Khi toàn cầu hóa và kỹ thuật số, người Nhật Bản sẽ phải tập quen dần với môi trường toàn cầu khi số người tới với quốc gia này nhiều hơn. Vị CEO tiếp theo phải là người có khả năng làm việc xuyên biên giới.

Phương Linh / Nikkei
Nguồn Trí thức trẻ