Thế giới di động mở cửa bảy nhà thuốc An Khang
Bên trong nhà thuốc, các loại thuốc chữa bệnh chiếm một nửa diện tích trưng bày, nửa còn lại là các sản phẩm chăm sóc sức khỏe, hóa mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thiết bị y tế...
Thế giới di động, hệ thống bán lẻ điện thoại, điện máy có quy mô lớn nhất thị trường, đã chính thức bước chân vào lĩnh vực bán lẻ dược phẩm bằng việc mở cửa một loạt nhà thuốc An Khang tại TP.HCM hôm 06.01.2018.
Trước đó, ngày 28.12.2017, hội đồng quản trị của Thế giới di động đã thông qua quyết định mua lại cổ phần của Công ty cổ phần bán lẻ An Khang, chủ sở hữu nhà thuốc An Khang.
Toàn bộ bảy nhà thuốc An Khang hiện tại đều nằm trên các mặt bằng trước đây của nhà thuốc Phúc An Khang. Từ cuối năm 2017, hệ thống nhà thuốc Phúc An Khang đã tạm đóng cửa để tiến hành sửa chữa nhằm chuyển đổi sang chuỗi nhà thuốc mới với tên gọi An Khang.
Các nhà thuốc An Khang có bảng hiệu màu xanh lá với biểu tượng hình người đặc trưng cho các thành viên của Thế giới di động như các chuỗi Thế giới di động, Điện máy xanh và Bách hóa xanh. Khác với các thành viên còn lại, An Khang có thêm một biển hiệu chữ thập nhấp nháy phía trước cửa, gây sự chú ý tới người đi đường.
Bên trong nhà thuốc, các loại thuốc chữa bệnh chiếm một nửa diện tích trưng bày, nửa còn lại là các sản phẩm chăm sóc sức khỏe, hóa mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thiết bị y tế... Việc thanh toán, quản lý sản phẩm sẽ được nhân viên nhà thuốc An Khang thực hiện thông qua điện thoại di động như các cửa hàng bán lẻ của Thế giới di động. Đây là điểm khác biệt so với hệ thống Phúc An Khang, vốn trước đây sử dụng máy tính để quản lý.
Ứng dụng di động của nhà thuốc An Khang đã xuất hiện trên hệ điều hành Android. Tuy nhiên nhân viên của nhà thuốc cho biết hiện chưa triển khai việc đặt mua sản phẩm trên ứng dụng này. Website của nhà thuốc An Khang đang trong giai đoạn hoàn thiện nhưng người dùng có thể tra cứu thông tin về thuốc, bệnh viện, bác sĩ, các loại bệnh…
Nhu cầu tiêu dùng thuốc tại Việt Nam được dự báo ngày càng tăng cao do Việt Nam đã kết thúc giai đoạn dân số vàng và đang bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2017. Đây là động lực chính giúp ngành dược phẩm bắt đầu bước vào giai đoạn đầu của quá trình phát triển sau một thời gian dài phát triển tự phát và thiếu sự quy hoạch, kiểm soát bài bản, công ty chứng khoán FPT nhận định.
Mức tiêu thụ thuốc bình quân đầu người tại Việt Nam, theo ước tính của IMS Health, chỉ khoảng 33 đô la Mỹ vào năm 2015 và dự báo sẽ tăng lên gần 50 đô la Mỹ vào năm 2020. Dù vậy, mức tiêu thụ này vẫn thấp hơn đáng kể so với mặt bằng chung ở mức 180 đô la Mỹ của cả thế giới.
Lĩnh vực bán lẻ dược phẩm, với quy mô khoảng 5 tỉ đô la Mỹ vào năm 2016 nhưng chưa có doanh nghiệp chiếm lĩnh thị trường, đang là đích ngắm tiếp theo của các ông lớn trong ngành bán lẻ.
Để nhanh chóng thâm nhập thị trường, Thế giới di động lên kế hoạch mua bán sáp nhập (M&A) các doanh nghiệp bán lẻ dược phẩm, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch Thế giới di động từng chia sẻ tham vọng trước Đại hội đồng cổ đông hồi cuối tháng 03.2017. Thế giới di động đã quyết định dành 2.500 tỉ đồng cho hoạt động M&A.
Tổng giám đốc FPT Retail Nguyễn Bạch Điệp mới đây xác nhận đã đầu tư vào chuỗi nhà thuốc Long Châu tại TP.HCM. Digiworld, công ty chuyên phân phối sản phẩm công nghệ cũng đang bắt tay vào phân phối thực phẩm chức năng.
Trường Bùi
Nguồn Forbes Việt Nam