MWG và "ván bài" Bách Hóa Xanh

Dư nợ lớn, bức tranh hoạt động cụ thể còn chưa rõ ràng, cạnh tranh,... là những bài toán lớn của MWG khi "đặt cược" vào ván bài Bách Hóa Xanh.

Công ty cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (mã chứng khoán: MWG) vừa công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên vào giữa tháng này.

Ban điều hành MWG cho biết, năm 2017, công ty đã hoàn thành chỉ tiêu mở rộng hệ thống với 742 siêu thị mới được khai trương, nâng tổng số siêu thị lên 1.997. Trong đó, chuỗi thegioididong.com có 1.072 siêu thị, chuỗi Điện máy Xanh có 642 siêu thị và 283 siêu thị Bách Hoá Xanh.

Năm 2018, Hội đồng quản trị MWG dự kiến trình cổ đông thông qua chỉ tiêu doanh số 86.390 tỷ đồng, tăng trưởng 30% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt 2.603 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2017.

Kế hoạch đầy tham vọng

Đặc biệt, trong kỳ họp lần này, MWG đã đưa ra chỉ tiêu rất tham vọng đối với lĩnh vực bán lẻ hàng tiêu dùng đó là đưa chuỗi siêu thị Bách hoá Xanh bao phủ khu vực Tp. HCM với tổng số khoảng 1.000 cửa hàng vào cuối 2018.

Và để làm được điều này, trong tờ trình, Ban lãnh đạo MWG đã đề xuất tăng vốn đầu tư cho chuỗi Bách hoá Xanh. Để đưa chuỗi cửa hàng lên 1.000 điểm bán, MWG dự kiến huy động 3.000 tỷ đồng từ các nguồn vốn tự có, lợi nhuận giữ lại và vốn vay trung – dài hạn.

MWG đã đưa ra chỉ tiêu rất tham vọng đối với lĩnh vực bán lẻ hàng tiêu dùng đó là đưa chuỗi siêu thị Bách hoá Xanh bao phủ khu vực Tp. HCM với tổng số khoảng 1.000 cửa hàng vào cuối 2018.

Trước đó, Thế Giới Di Động cũng đã nhiều lần nói với các nhà đầu tư rằng Bách Hoá Xanh sẽ là động lực tăng trưởng từ 2019 sau khi chuỗi Thegioididong.com tăng trưởng chậm lại. Năm 2016, MWG đã hoàn tất thử nghiệm chuỗi này vào năm 2016 và bắt đầu triển khai mạnh từ giữa năm 2017. Tính đến cuối 2017, số cửa hàng Bách Hoá Xanh đã tăng lên mức 283 cửa hàng.

Lấy gì để "đặt cược"?

Gia nhập thị trường từ năm 2015, một năm sau đó Bách Hóa Xanh đã có hơn 40 siêu thị tại TPHCM và được kì vọng tương lai sẽ là nguồn thu chính của MWG và phát triển số cửa hàng lên khoảng 300 cửa hàng, xây dựng trung tâm phân hối (DC) tiên tiến… Đặc biệt, ông Doanh nhấn mạnh sẽ tiến hành tăng lãi gộp nhờ việc mở rộng hệ thống, đồng thời chọn lọc danh mục hàng hóa nhằm tối đa hóa hiệu suất đầu tư.

Tuy nhiên, qua năm tài chính 2017, doanh thu của mảng này mới chỉ đóng góp khoảng 2% tương đương 1.257 tỷ đồng. Số lượng cửa hàng cũng không đạt mục tiêu đề ra của Ban lãnh đạo công ty.

Tính đến thời điểm hiện tại, doanh thu mỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh trung bình đạt 400-600 triệu đồng/tháng, những đơn vị kinh doanh tốt hơn đạt khoảng 700-800 triệu đồng/tháng, biên lợi nhuận dao động từ 11-15%. MWG kỳ vọng biên lợi nhuận mỗi cửa hàng khoảng 18% và doanh thu mục tiêu từ 1-1,2 tỷ đồng, như vậy lợi nhuận ròng thu về khoảng 200 triệu đồng vào cuối quý 4/2018.

Thị trường FMCG vốn màu mỡ nhưng một tân binh như MWG liệu có cạnh tranh lại với các đại gia trong và ngoài nước hiện tại. Đó là còn chưa kể sau 2 năm triển khai thì thành tích Bách Hóa Xanh có được vẫn chưa quá nổi trội khi cả doanh thu và độ phủ đều không đạt chỉ tiêu đề ra. Thậm chí, theo ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch Thế Giới Di Động, mức biên lợi nhuận của Bách Hóa Xanh đang trì hoãn so với kế hoạch, mảng kinh doanh này ghi nhận mức lỗ hơn 100 tỷ đồng. Kể từ tháng 10/2017, biên lợi nhuận của Bách Hóa Xanh có xu hướng giảm dần do đẩy mạnh công tác mở rộng độ phủ, Công ty dự kiến sẽ tiếp tục thua lỗ khoảng 400 tỷ trong năm 2018.

Biên lợi nhuận của Bách Hóa Xanh có xu hướng giảm dần do đẩy mạnh công tác mở rộng độ phủ.

Bên cạnh đó, để mở rộng hệ thống Bách Hóa Xanh, MWG phải có một nguồn vốn lớn, với tổng nhu cầu ước tính từ 1.000-1.200 tỷ đồng cho Bách Hóa Xanh thì MWG sẽ huy động từ đâu?

"Trái phiếu hiện vẫn còn khoảng 50 triệu USD, cùng với nguồn lợi nhuận chưa phân phối. Nếu cần thiết, MWG sẽ vay trung và dài hạn để bổ sung vốn phát triển Bách Hóa Xanh", ông Tài phân trần tại buổi Analyst Meeting gần đây. Trên thực tế thì ngoài nguồn trái phiếu (ghi nhận 1.192 tỷ đồng tại khoản mục vay dài hạn), MWG cũng gia tăng đáng kể nợ ngắn hạn trong năm qua, đi cùng với đó là giá trị hàng tồn kho tăng mạnh vượt mức 12.050 tỷ đồng tính đến ngày 31/12/2017.

Theo BCTC hợp nhất MWG, tổng nợ Công ty tăng mạnh 5.000 tỷ lên hơn 16.904 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn chiếm đến 93% với 15.712 tỷ đồng. Tốc độ tăng nợ ngắn hạn chủ yếu đến từ khoản vay ngắn hạn tăng gần 1.000 tỷ đồng, đồng thời phải trả người bán cũng tăng đáng kể hơn 2.600 tỷ đồng. Tính đến ngày 31/12/2017, tổng dư nợ vay ngắn hạn của Công ty ghi nhận hơn 5.603 tỷ đồng, chủ nợ lớn nhất hiện tại là VietinBank với gần 1.192 tỷ đồng, ngoài ra MWG còn đang vay tại các nhà băng ngoại như HSBC, ANZ…

Với mức gia tăng nợ vay ngắn hạn trên, áp lực chi phí lãi vay cũng dần lộ rõ khi quý 4/2017 ghi nhận gần 61 tỷ đồng, tăng hơn 1,5 lần so với cùng kỳ. Tổng kết cả năm 2017, chi phí lãi vay Công ty phải chịu là 227 tỷ đồng, trong khi năm 2016 con số chỉ 119 tỷ đồng.

Nha Trang
Nguồn Diễn đàn Doanh nghiệp