Giải mã kế hoạch tăng trưởng hai con số của Traphaco

Năm 2018 Traphaco đặt kế hoạch doanh thu và lợi nhuận sau thuế tăng trưởng 20% và 25% so với năm trước, cao gấp hơn 2 lần mức tăng trung bình của ngành dược.

Giới đầu tư và phân tích đặt câu hỏi, dựa trên những cơ sở nào để Traphaco đạt được mục tiêu tham vọng này?

Số liệu kinh doanh của Traphaco cho thấy, năm 2017, doanh thu của Công ty đạt 1.870 tỷ đồng, bằng 94% so với kế hoạch năm và tăng 11% so với cùng kỳ năm 2016.

Lý do là Công ty điều chỉnh chính sách bán hàng. Theo đó phần chiết khấu tháng và quí đối với khách hàng trực tiếp đều được giảm trừ vào doanh thu. Giá trị giảm trừ 160 tỷ đồng sau thuế. Do vậy, sau khi điều chỉnh phần giảm trừ này, Công ty hoàn thành kế hoạch đề ra. Năm 2017, Công ty đã chuyển đổi hợp đồng với Công ty cổ phần đầu tư Nam Dương sang hình thức hợp đồng ủy thác nên phần doanh thu với đối tác này giảm so với năm 2016 (khoảng 190 tỷ đồng).

Lợi nhuận sau thuế của Công ty mẹ Traphaco đạt 241 tỷ đồng, tăng 14% so với năm trước. Như vậy, doanh thu và lợi nhuận của Traphaco năm 2017 vẫn tiếp tục duy trì đà tăng trưởng 2 con số.

Lợi nhuận sau thuế của Công ty mẹ Traphaco đạt 241 tỷ đồng, tăng 14% so với năm trước.

Kế hoạch đặt ra cho năm 2018 với doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 2.400 và 300 tỷ đồng là một bước đi quan trọng trong việc triển khai chiến lược phát triển bền vững Traphaco tới năm 2020 đã được ĐHCĐ Traphaco 2017 thông qua.

Giới phân tích cho rằng, để đạt được mục tiêu tham vọng này trong bối cảnh ngành dược Việt Nam đang cạnh tranh quyết liệt, Traphaco sẽ bước vững vàng bằng cả hai chân: đông dược và tân dược.

Nhóm sản phẩm đông dược chủ lực với những nhãn hàng đã khẳng định được uy tín, hiệu quả điều trị như Boganic, Cebraton, Tottri, Hoạt huyết dưỡng nào… tiếp tục được củng cố để gia tăng độ phủ và sức mua. Dư địa cho nhóm sản phẩm này tăng trưởng không hề thấp, đơn cử năm 2017, doanh thu Tottri tăng trưởng tới 48%.

Đặc biệt, nhóm sản phẩm mới, sức khỏe xanh (thực phẩm chức năng) của Traphaco có rất nhiều cơ hội khi năm 2017 vượt 20% doanh thu so với kế hoạch, nhóm khách tiêu dùng sản phẩm sức khỏe xanh trên 30% chiếm 92% số lượng khách hàng.

Traphaco đặt ra kế hoạch cho năm 2018 với doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt là 2.400 và 300 tỷ đồng.

Át chủ bài giúp Traphaco đạt được mục tiêu tăng trưởng cao còn nằm ở mảng tân dược với nhà máy Traphaco Hưng Yên đã đi vào hoạt động từ tháng 11/2017. Thông tin cập nhật từ ban lãnh đạo Traphaco cho biết, nhà máy đã vận hành với công suất theo đúng các kế hoạch đã đề ra, thậm chí có những thời điểm phải huy động công nhân sản xuất cả 3 ca. Nhiều sản phẩm như thuốc Stilux, thuốc tiêu hóa Dibetalic, thuốc ho Methorphan viên và siro, thuốc nhỏ mắt Tobramycine tăng trưởng nhanh về sản lượng cũng như độ phủ.

Theo ông Trần Túc Mã, Tổng giám đốc Traphaco, nhà máy được đầu tư đồng bộ và hiện đại theo quy chuẩn quốc tế EU-GMP với những công nghệ mới nhất trên thế giới sẽ cho năng suất cao gấp 3 lần so với nhà máy công nghệ cũ quy mô tương đương, giúp giảm khá nhiều chi phí không cần thiết và góp phần hạ giá thành sản phẩm. Cộng hưởng với hệ thống phân phối lớn mà Traphaco đã xây dựng thành công với trên 26.000 nhà thuốc trên toàn quốc, cho phép Công ty sản xuất ở quy mô lớn, chất lượng cao, đặc biệt có thể tham gia các gói thầu bệnh viện, đẩy mạnh doanh thu từ kênh điều trị.

Một ưu thế khác không thể không tính đến là sức mạnh thương hiệu Traphaco. Trong lần đánh giá gần nhất của Vietnam Report, Traphaco đứng đầu trong Top 10 Công ty dược Việt Nam uy tín năm 2017. Trong tiến trình hội nhập và công nghệ hóa ngày nay, người tiêu dùng thuốc ngày càng có cơ hội chủ động hơn trong việc lựa chọn dược phẩm, hiệu thuốc sẽ chỉ còn đóng vai trò trung gian trong quyết định của họ thì uy tín của doanh nghiệp, giá trị của thương hiệu chính là nền tảng quyết định hành vi của người tiêu dùng.

Đánh giá của giới quan sát cho thấy, bên cạnh năng lực sản xuất và tài chính, Traphaco có thế mạnh về marketing và truyền thông thương hiệu. Công ty đã sớm áp dụng các công cụ marketing hiện đại như marketing số, thường xuyên thực hiện các chiến dịch truyền thông tăng cường uy tín thương hiệu Traphaco, đặc biệt đi sâu vào các nội dung hữu ích, bổ sung kiến thức chăm sóc sức khỏe, nâng cao nhận thức của người tiêu dùng đối với các sản phẩm chủ lực của Công ty, góp phần duy trì tốc độ tăng trưởng tốt với các dòng sản phẩm này.

Nhà máy Traphaco Hưng Yên đã đi vào hoạt động từ tháng 11/2017.

Có 2 chi tiết đáng chú ý trong kế hoạch 2018 của Traphaco là mục tiêu có thêm 8 sản phẩm mới và tạo bước đột phá tại thị trường miền Nam. Năm 2017, tại thị trường giàu tiềm năng này, doanh thu của Traphaco tăng trưởng so với năm 2016 nhưng vẫn chưa đạt kế hoạch đề ra (đạt 94%). Đây là cơ hội và cũng là thách thức, đòi hỏi Traphaco phải nỗ lực hơn nữa, có những chiến lược mới để tăng tốc, khai mở không gian kinh doanh rộng lớn.

Một khảo sát của IMS cho thấy, Việt Nam có thể sản xuất thuốc theo tiêu chuẩn EU-GMP có chi phí rất cạnh tranh trên thế giới, thấp hơn 30% so với các doanh nghiệp dược phẩm Ấn Độ, 40% so với Nhật Bản và 20% so với Trung Quốc, chủ yếu nhờ các lợi thế đặc thù như nhân công, quản trị tốt.. Như vậy, bên cạnh thị trường trong nước Traphaco có thể bước chân ra biển lớn bằng việc xuất khẩu.

Cuộc lột xác của các doanh nghiệp ngành dược từ tập trung cho số lượng sang chất lượng đang ngày càng rõ ràng hơn và ưu thế thuộc về những doanh nghiệp đầu tư bài bản, có năng lực hoạch định và thực thi chiến lược. Traphaco đã liên tục “làm mới” mình, để đón đầu và nắm bắt các cơ hội mới cũng như chứng minh với thị trường rằng, chiến lược phát triển bền vững tới 2020 đang đi đúng hướng.

Ông Trần Túc Mã, Tổng giám đốc Traphaco:

Để tạo ra thành công cho một dự án nhà máy dược không chỉ là lắp cái máy và vận hành nó, mà phải giải mã được những thông số quan trọng hơn là doanh nghiệp sẽ sản xuất thuốc gì, làm bao nhiêu, bán như thế nào. Định vị sai sản phẩm, đặt giá sai dễ dàng dẫn đến thất bại. Ngày nay, sản xuất dược không quá khó, nhưng bán được hàng lại rất khó.

Khổng Chiêm
Nguồn Người đồng hành