Các công ty bán lẻ của Nhật thắng lớn ở nước ngoài

Các công ty bán lẻ Nhật Bản đạt lợi nhuận kỷ lục trong năm tài khóa 2018 nhờ đẩy mạnh sự hiện diện tại nước ngoài và nhờ sự bùng nổ của thương mại điện tử.

Có 14/20 công ty hàng đầu (dựa trên giá trị vốn hóa thị trường) trong ngành bán lẻ Nhật Bản thông báo đạt mức lợi nhuận kỷ lục. Tính rộng ra cả 58 công ty bán lẻ, lợi nhuận của họ tăng 25% so với năm tài khóa trước đó.

Fast Retailing, công ty đứng sau hai chuỗi bán lẻ quần áo Uniqlo và GU, đạt lợi nhuận lớn nhất. Các cửa hàng Uniqlo trên thế giới tăng lợi nhuận 62% so với năm trước, lên mức 80,8 tỉ yen (753 triệu đô la) trong 6 tháng gần đây, gần bằng mức lợi nhuận 88,8 tỉ yen đạt tại thị trường trong nước.

“Thời đại châu Á là đây, sản phẩm của chúng tôi được chấp nhận trên toàn cầu”, Tổng giám đốc Uniqlo, ông Tadashi Yanai nói trên tờ Nikkei Asian Review.

Công ty bán lẻ các sản phẩm tiêu dùng nội trợ Muji có 457 cửa hàng ở nước ngoài, so với 419 cửa hàng ở Nhật Bản. Lợi nhuận tại các cửa hàng nước ngoài của họ tăng gấp 4 lần trong 4 năm gần đây, đóng góp vào 40% lợi nhuận của toàn bộ công ty. “Các mặt hàng có công năng cao đang chiếm trái tim của những người tiêu dùng khắp thế giới”, ông chủ tịch Satoru Matsuzaki nhận xét. Đây là năm thứ tư liên tiếp, Muji lập các kỷ lục về lợi nhuận.

Một cửa hàng Uniqlo ở thị trường nước ngoài.

Tập đoàn Seven & i Holdings, chủ hệ thống cửa hàng tiện lợi 7-Eleven có năm thứ hai liên tiếp lập mức kỷ lục lợi nhuận. Mạng lưới 7-Eleven ở Bắc Mỹ đã tăng lên khoảng 10.000 cửa hàng. “Bắc Mỹ là khu vực có tiềm năng phát triển nhất của 7-Eleven”, chủ tịch Ryuichi Isaka cho biết. Mảng bán hàng trực tuyến của Seven & i Holdings cũng tăng doanh thu 11% so với năm trước nữa, vượt mức 100 tỉ yen.

Công ty Start Today với trang web bán hàng thời trang trực tuyến Zozotown có số lượng khách hàng tăng gấp đôi trong vòng 3 năm, lên 7,2 triệu khách năm ngoái. Monotaro bán đồ máy móc, công cụ làm việc, bảo hộ đến các công ty nhỏ đặt hàng qua mail có một năm rực rỡ với 15 triệu sản phẩm được bán.

Aeon với hệ thống siêu thị nhắm đến tăng doanh thu bán hàng qua nền tảng thương mại điện tử lên 1.200 tỉ yen (11,2 tỉ đô la) vào năm tài khóa 2020.

Công ty Nitori Holdings chuyên cung cấp đồ nội thất với các nhà máy sản xuất đặt tại Việt Nam và một số nước châu Á cũng công bố lợi nhuận kỷ lục. “Chúng tôi thay đổi phương thức vận hành để có thể bán một chiếc nệm giường thường ở giá 200.000 yen (1863 đô la) tại Nhật Bản với mức chỉ 79.000 yen (736 đô la)”, Chủ tịch Akio Nitori cho biết.

T. Hà
Nguồn Thời báo Kinh tế Sài Gòn