Tầng lớp trung lưu: Nấc thang mới của nền kinh tế Việt Nam

Mức sống ở Việt Nam được cải thiện, tỷ lệ nghèo giảm và các tầng lớp tiêu dùng mới mở rộng nhanh chóng - theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB).

Đó là kết quả của việc dịch chuyển kinh tế tích cực suốt giai đoạn 2010-2016, đã đưa số dân được phân loại là an toàn về kinh tế lên 70%, trong đó 13% thuộc tầng lớp trung lưu.

Báo cáo "Bước tiến mới: Giảm nghèo và thịnh vượng chung tại Việt Nam" vừa công bố cho thấy đói nghèo ở Việt Nam tiếp tục giảm, đặc biệt trong cộng đồng dân tộc thiểu số nhờ vào mức tăng trưởng thu nhập đến từ hoạt động nông nghiệp ở các vùng cao.

Số người nghèo ở Việt Nam từ 18 triệu vào năm 2010 đã giảm đi khoảng 9 triệu vào năm 2016. 72% người nghèo ở Việt Nam nằm ở các vùng cao, WB dự báo người nghèo ở khu vực này sẽ tiếp tục giảm với chính sách khuyến khích trồng cây công nghiệp có giá trị cao để tăng thu nhập trong cộng đồng các dân tộc thiểu số.

Nghèo tiếp tục giảm

Khảo sát của WB cho thấy chuyển đổi nông nghiệp đã góp phần giảm nghèo ở nông thôn nhờ tăng thu nhập từ canh tác phi trồng trọt, trở thành yếu tố đặc biệt quan trọng đối với những hộ gia đình dân tộc thiểu số, chiếm 20% số hộ thuộc diện an toàn về kinh tế từ năm 2014 - 2016, chỉ đứng sau sự đóng góp của tăng trưởng tiền lương.

Theo WB, đây là một phần thành công trong chuyển đổi kinh tế nông nghiệp của Việt Nam trong việc phát triển xuất khẩu nông nghiệp phi truyền thống.

Tiền lương từ các công việc mới đã góp phần tích cực trong giảm nghèo. Năm 2016, khoảng 62% hộ nghèo có thu nhập từ tiền lương - 23% từ nông nghiệp và 39% từ các khu vực phi nông nghiệp. Tiền lương trở thành nguồn thu nhập chính của 44% người nghèo. Tuy nhiên, người nghèo chủ yếu kiếm được tiền lương từ việc làm trong các ngành có năng suất thấp và những nghề yêu cầu tay nghề thấp.

Trong khi đó thu nhập từ kinh doanh hộ gia đình tăng lên đã thúc đẩy an ninh kinh tế, đặc biệt là ở khu vực thành thị.

Theo tiêu chuẩn quốc tế, các hộ gia đình được chia thành 5 tầng lớp kinh tế dựa trên mức tiêu dùng hàng ngày (USD/người/ngày tính theo PPP 2011).

Năm tầng lớp được định nghĩa gồm:

  1. Người nghèo cùng cực, sống dưới 1,9 USD/ngày;
  2. Người nghèo vừa phải, tiêu dùng từ 1,9-3,2 USD/ngày;
  3. Người dễ bị tổn thương kinh tế, tiêu dùng 3,2-5,5 USD/ngày;
  4. An toàn về kinh tế, tiêu dùng 5,5-15 USD/ngày
  5. Tầng lớp trung lưu toàn cầu, sống trên 15 USD mỗi ngày.

Các hộ gia đình nhóm (4) và (5) được gọi là "tầng lớp người tiêu dùng" vì họ có đủ thu nhập để trang trải chi phí hàng ngày, chấp nhận được các cú sốc thu nhập và có thể tiêu dùng một số hàng hóa và dịch vụ không phải là thiết yếu.

Báo cáo cũng cho thấy việc chuyển đổi cấu trúc nhanh của Việt Nam giai đoạn qua nhờ theo đuổi mô hình tăng trưởng định hướng xuất khẩu đã thúc đẩy tạo ra nhiều việc làm. Tốc độ việc làm tăng khiến người dân chuyển dịch sang làm công ăn lương và gia tăng việc giảm nghèo. Lĩnh vực xuất khẩu bùng nổ đã tạo hơn 3 triệu công việc giai đoạn 2014-2016. Gần 80% lượng công việc này thuộc các lĩnh vực sản suất, xây dựng, bán lẻ và khách sạn, đã kéo 2 triệu người lao động ra khỏi sản xuất nông nghiệp.

Điều này đã đánh dấu bước ngoặt chuyển đổi cơ cấu sản xuất của Việt Nam. Nhu cầu lao động tăng vọt đẩy mức lương trung bình tháng trong khu vực tư nhân tăng 14%. Các hộ gia đình cũng ngày càng phụ thuộc vào tiền lương, ước 70% hộ kiếm được một phần thu nhập từ tiền lương và khoảng 54% có phần lớn nhu nhập từ lương vào năm 2016.

"Sự gia tăng thu nhập có từ tiền lương đóng góp hơn một nửa tỷ lệ giảm nghèo giai đoạn 2014-2016 và góp phần cho 40% số người được đảm bảo về kinh tế”, theo báo cáo.

Khối kinh doanh hộ gia đình là khu vực đóng góp quan trọng thứ hai đối với an ninh kinh tế, sau tăng trưởng tiền lương. Hầu hết có thu nhập từ kinh doanh hộ gia đình đã vượt chuẩn nghèo. Số hộ gia đình có thu nhập từ kinh doanh phi nông nghiệp ở mức 35% nhưng thu nhập bình quân từ khối này tăng đến 79%.

Do đó, tăng trưởng trong thu nhập từ kinh doanh hộ gia đình được thúc đẩy nhờ khả năng sinh lợi tăng thay vì mở mới các doanh nghiệp gia đình.

Ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia WB Việt Nam cho biết: "Nỗ lực tăng thu nhập cho các cộng đồng thiểu số có thể gia tăng cơ hội cho họ và giảm bất bình đẳng trong xã hội".

Để giải quyết cách biệt, theo WB tập trung vào khả năng tiếp cận giáo dục trung học phổ thông, cải thiện nước sạch và vệ sinh môi trường.

Đồng thời tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng giúp nông dân vùng cao bằng những khoản đầu tư cần thiết vào sản xuất nông nghiệp để tăng thu nhập.

Chia sẻ thịnh vượng

Hiện 70% người dân Việt Nam đã được đảm bảo về mặt kinh tế, trong đó có 13% thuộc tầng lớp trung lưu theo chuẩn thế giới. Các tầng lớp thu nhập này đang tăng nhanh, hơn 20% giai đoạn 2010-2017. Tính từ 2014, trung bình mỗi năm có 1,5 triệu người Việt Nam gia nhập tầng lớp trung lưu, cho thấy các hộ gia đình đang tiếp tục leo lên bậc thang kinh tế cao hơn sau khi thoát nghèo. Báo cáo ghi nhận số người dễ bị tái nghèo cũng đã giảm xuống chỉ còn 2% giai đoạn 2014-2016, nhưng tầng lớp trung lưu tăng hơn 3 triệu người trong giai đoạn này.

Sự gia tăng tầng lớp trung lưu sẽ làm thay đổi bộ mặt tiêu dùng và làm thay đổi nguyện vọng xã hội, trọng tâm của chương trình xóa đói nghèo và chia sẻ thịnh vượng sẽ chuyển từ "chống nghèo cùng cực" sang "cải thiện mạnh mẽ chất lượng cuộc sống" và hỗ trợ "gia tăng của tầng lớp trung lưu".

Khả năng tạo công ăn việc làm nhanh chóng và quá trình chuyển đổi sang việc làm có lương đang thúc đẩy kết quả tích cực của hoạt động giảm nghèo và chia sẻ thịnh vượng.

Hiện 70% người dân Việt Nam đã được đảm bảo về mặt kinh tế, trong đó có 13% thuộc tầng lớp trung lưu theo chuẩn thế giới.

Theo ông Ousmane Dione, một trong những lĩnh vực ưu tiên trong Khung đối tác quốc gia của WB với Việt Nam giai đoạn 2018-2022 là tăng trưởng bao trùm với mục tiêu "hội nhập kinh tế cho nhóm người nghèo và dễ bị tổn thương".

WB cam kết hỗ trợ can thiệp có mục tiêu để tạo cơ hội kinh tế cho người dân ở các khu vực bị tụt hậu. Một số lĩnh vực ưu tiên là nâng cao năng suất lao động và đầu tư vào cơ sở hạ tầng để duy trì việc làm và tăng lương mà không giảm khả năng cạnh tranh.

Thực hiện cải cách giáo dục nhằm đảm bảo sự công bằng trong các cơ hội và phát triển kỹ năng của lực lượng lao động. Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp bằng cách thay đổi mô hình sử dụng đất nông nghiệp và nâng cao kỹ năng cho nông dân nghèo.

WB khuyến cáo, các công ty nước ngoài đã tạo ra hơn 90% việc làm mới trong ngành điện tử và hơn 45% việc làm mới trong ngành dệt may. Từ 2014-2016, năng suất lao động khu vực này tăng 1% nhưng mức lương trung bình tháng tăng 11%, cho thấy chi phí lao động cơ bản tăng nhanh hơn quá nhiều so với năng suất lao động trong khu vực sản xuất.

Trong tương lai, khu vực này phải đối mặt với cạnh tranh quốc tế cao và đòi hỏi đầu tư khắt khe hơn, mức lương tăng lên có thể làm suy giảm lợi thế cạnh tranh của Việt Nam, năng suất tăng chậm làm chậm tốc độ tăng lương, việc làm hoặc cả hai.

"Cần dịch chuyển lên mức cao hơn trong chuỗi giá trị hoặc mở rộng sang các ngành năng suất cao, kết hợp với đầu tư vào các kỹ năng để duy trì việc tăng lương. Việc chuyển dịch sang các lĩnh vực sản xuất năng suất cao hơn cần đi kèm với chính sách đầu tư nâng cao tay nghề để duy trì chi phí lao động hợp lý và có kỹ năng cần thiết để đáp ứng", WB khuyến nghị.

Tuyết Ân
Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn