Các doanh nhân Mỹ nổi tiếng khởi nghiệp thế nào?

Họ làm việc như thế nào? “Bí quyết thành đạt của những nhà lãnh đạo tài ba” là cuốn sách tập hợp những kinh nghiệm từ hàng thập kỷ của các bộ óc siêu việt, những nhà quản trị hang đầu, những doanh nhân tài ba.

Sau đây xin trích lược những câu chuyện khởi nghiệp của một số trong họ. Bạn đọc có thể tiếp thu được những lời khuyên bổ ích và tìm ra câu trả lời cho sự thành công cũng như thất bại của các doanh nhân nổi tiếng nhất nước Mỹ.

Scott Cook - đồng sáng lập Intuit (bao gồm Quicken, QuickBooks...)

Scott Cook

Từ khi học cấp 2, tôi đã đi bán thiệp Giáng sinh. Đến cấp 3, tôi kinh doanh khuy măng set. Vào đại học, tôi điều hành câu lạc bộ trượt tuyết. Nhưng những việc đó không phải là công việc kinh doanh hấp dẫn tôi.

Khi nghe vợ tôi phàn nàn về chuyện hóa đơn thanh toán. Tôi bảo: “Ồ! Đây là một ứng dụng hay của máy vi tính”. Tôi gọi điện thoại cho các bà nội trợ, tìm hiểu xem họ làm gì với việc tính toán chi tiêu của mình, họ thích gì và không thích gì.

Để đáp ứng nhu cầu của các bà nội trợ, tôi thiết kế chương trình Quicken vừa nhanh vừa đơn giản, khác biệt với các đối thủ cạnh tranh. Chúng tôi khảo sát khách hàng của mình, một số đã dùng Quicken trong công việc làm ăn, nhất là ở các công ty nhỏ. Vì thế chúng tôi tạo ra một sản phẩm cho doanh nghiệp. Sau hai năm phát triển, chúng tôi giới thiệu chương trình Quickbooks và trở thành sản phẩm dẫn đầu trên thị trường.

Khi bạn làm điều gì đó mang tính đột phá, xuất phát từ một phát minh mới, bạn sẽ thành công, miễn là bạn tiến hành cho thật tốt.

Michael Dell - nhà sáng lập, Giám đốc điều hành Tập đoàn Dell

Michael Dell

Cha mẹ tôi là người đầu tiên khuấy lên niềm đam mê kinh doanh trong tôi. Khi học cấp 2, công việc làm ăn đầu tiên của tôi là bán kẹo. Những năm cấp 3, tôi mở doanh nghiệp đấu giá tem. Lúc này, tôi mua cho mình chiếc máy tính Apple II, tôi tháo rời xem nó hoạt động như thế nào và tôi bắt đầu đam mê máy tính từ đó.

16 tuổi, tôi bán hàng qua điện thoại, tôi tìm hiểu đối tượng mua báo mới là những người mới chuyển tới hoặc mới kết hôn. Tôi tìm đến chính quyền để xin danh sách đối tượng này. Tôi có được hàng ngàn khách hàng mua báo và kiếm được 18 nghìn đô la tiền hoa hồng.

Tôi vào đại học Texas và bắt đầu bán máy tính trong ký túc xá. Một chiếc máy tính giá bán 2.000 đô la, nhưng các bộ phận bên trong chỉ đáng 600 đô la. Tôi bỏ học và mở văn phòng nâng cấp máy tính, đó là cách công ty khởi đầu. Các nhà cung cấp linh kiện ủng hộ tôi, vì họ bán được hàng. Văn phòng ngày mỗi lớn, công ty càng phát triển.

Chúng tôi làm hỏng nhiều thứ, nhưng sau sự sai lầm là những bài học rất giá trị. Chúng tôi quyết không để một sai lầm xảy ra lần thứ hai và cố gắng để tiến bộ. Chúng tôi xem trọng vấn đề đạo đức kinh doanh, xem việc phục vụ khách hàng là vấn đề quan trọng như lời ba mẹ tôi đã dạy từ đầu. Và, đó là cách tốt nhất để Dell tiếp cận khách hàng và vươn lên.

Pleasant Rowland - nhà sáng lập thương hiệu American Girl

Pleasant Rowland

Tôi đã từng là một giáo viên tiểu học, là phóng viên truyền hình, là tác giả sách giáo khoa, là nhà xuất bản một tạp chí nhỏ. Và, tôi thành lập công ty Vui Vẻ (Pleasant Company) khi tôi đã 45 tuổi.

Chị tôi cũng như những người phụ nữ Mỹ khác, không vui khi chọn quà cho con gái mình khi mùa Giáng sinh đến, vì khó để chọn được quà vừa ý. Tôi suy ngẫm: Kết hợp trí tưởng tượng, câu chuyện và giá trị đạo đức; những quyển sách nói về những cô bé 9 tuổi cùng những con búp bê cho mỗi nhân vật, với quần áo, vật dụng… Nếu cô bé yêu mến nhân vật, cô sẽ muốn có con búp bê. Nếu có được con búp bê, cô sẽ muốn các vật dụng và quần áo để chơi trò chơi em bé, và sau đó sẽ muốn có thêm những quyển sách khác. Đừng làm các em bé thất vọng, vậy nên sản phẩm phải tốt cho đến từng chi tiết nhỏ nhất. Tôi không tạo ra món đồ chơi mới, mà chỉ làm tăng thêm ý nghĩa cho nó.

Búp bê Mỹ trở nên phổ biến từ cuối năm 1986, năm sau doanh số thu lên 7,6 triệu đô la. Sau khi hoàn thành kế hoạch cho mùa Giáng sinh thứ ba, bác sĩ chẩn đoán tôi bị bệnh ung thư vú. Nhưng công việc dường như là liều thuốc cứu chữa căn bệnh của tôi, tôi yêu công việc mình đang làm và với tư duy “tôi không bị ung thư”, tôi vượt qua tất cả.

Tôi chưa bao giờ có cảm giác mình là “bà chủ” của Búp bê Mỹ, tôi chỉ là người quản gia. Đã đến lúc một người khác chăm sóc cho nó. Tôi bán lại công ty cho Mattel vì tôi cảm nhận có sự gắn kết với Jill Barad, người mẹ của búp bê Barbie.

Chuck Williams - nhà sáng lập Williams-Sonoma

Chuck Williams

Thuở nhỏ, tôi thường giúp bà ngoại nấu nướng ở nhà hàng của bà tại Ohio. Khi cha tôi thất nghiệp, gia đình tôi gặp khó khăn, phải chuyển chỗ ở nhiều lần. Tôi đã làm rất nhiều việc, từ việc nhặt túi trái cây, bán hàng ở tiệm tạp hóa, làm công nhân cho Lockheed Aircaraft, rồi làm xây dựng ở Sonoma. Sau chuyến du lịch châu Âu cùng hai người bạn, tôi bị Paris mê hoặc. Ở đó, có những dụng cụ nấu ăn tuyệt vời cho các bà nội trợ Pháp.

Năm 1953, tôi mở cửa hàng Williams Sonoma, bán đồ dùng gia đình trong đó có dụng cụ nấu ăn mà tôi rất thích được đem từ Pháp về. Hàng hóa được sắp xếp bắt mắt, hấp dẫn, nhiều người ở đây chưa từng được thấy chúng. Tôi lập một nhóm “fan” hâm mộ nền ẩm thực Pháp, thường tổ chức các buổi tiệc.

Năm 1958, tôi chuyển cửa hàng đến San Francisco. Cùng lúc đó, những quyển sách dạy nấu ăn xuất hiện trong đó có cả nghệ thuật nấu ăn Pháp của Julia Child. Bà Julia lên truyền hình dạy nấu ăn; cứ sau một bài dạy hôm trước là hôm sau khách hàng kéo đến của hàng của tôi để mua cho được những vật dụng cần thiết để làm món ăn đó.

“Tiếng lành” đồn xa, để phát huy hiệu quả đó, tôi lập danh mục hàng hóa và chuyển đến khách hàng và họ đặt hàng qua thư. Khách hàng của chúng tôi ngày càng đông, tôi phải thường xuyên đi Pháp mua hàng.

Trong 17 năm, “công ty” của tôi làm ăn phát đạt nhưng chỉ có một cửa hàng; tôi phải tự làm mọi thứ từ sắp xếp hàng hóa, bán hàng cho đến sổ sách. Cuối cùng tôi cũng nhận ra rằng mình không đủ kiến thức để mở rộng doanh nghiệp.

Tôi không phải là nhà tài chính, tôi bán 50% cổ phần, thuê Eddie làm quản lý, mấy tháng sau Eddie mất, công ty thua lỗ, tôi bán công ty cho Howard Lester nhưng phải ở lại phụ trách danh mục hàng hóa. Tôi cảm thấy không vui. Công ty cổ phần - bạn là một phần của nó, nhưng nó không phải là của bạn.

Les Wexner - Chủ tịch, Giám đốc điều hành Limited Brands

Les Wexner

Tôi không muốn đi vào ngành kinh doanh bán lẻ. Cha mẹ tôi quản lý một cửa hàng bán quần áo phụ nữ, nhưng chẳng bao giờ kiếm được 10.000 đô la một năm. Tôi thường đi xúc tuyết hoặc cắt cỏ để kiếm tiền.

Vào trường luật ít lâu sau tôi bỏ học. Tôi ghét trường này vì nó không đủ sáng tạo. Sau khi bỏ học, cha tôi yêu cầu tôi coi cửa hàng, nhất là trong thời gian ba mẹ tôi nghỉ. Vì tò mò, tôi cố tính thử xem hàng nào bán được nhiều và lãi nhất. Sau đó, tôi góp ý với ba tôi, nhưng tôi và ba tôi tranh cãi. Ba tôi bảo: “Con không biết gì về bán lẻ cả”.

Tôi quyết định chứng minh rằng ý kiến của tôi đúng và ba tôi sai: Tôi tạo dựng của hàng Leslie’s Limited, chuyên bán quần áo thể thao phụ nữ. Với số vốn 10 nghìn đô la dành dụm, tôi khai trương cửa hàng vào tháng 3 năm 1963 ở Columbus. Doanh thu năm đầu được 160 nghìn đô la, hơn hẳn ba tôi.

Tôi mở cửa hàng thứ hai, lúc đầu ba tôi giận và bảo là tôi điên, thời gian sau, ông nói: “Con đang chiến thắng, đem tiền đến ngân hàng đi”.

Rồi tôi mua cửa hàng Victoria’s Secret, sau đó mua thêm cửa hàng Abercrombie & Fitch và Lerner New York; tiếp đến khai trương cửa hàng Limited Too rồi cửa hàng Structure. Tôi phải dành một năm để đọc và tìm hiểu công ty đa ngành nghề là gì.

Người ta bảo: “Ông có quá nhiều tiền, vậy sao ông phải làm việc?”. Tôi nghĩ, nếu bạn đang đi và dừng lại để ngửi hương thơm của hoa hồng, bạn sẽ bị xe tải đâm phải. Tôi ước, mình được sống nhiều hơn trong một ngày, nhưng tôi vui hơn khi nghĩ về ngày mai, ngày mốt, mọi việc kế tiếp luôn mới.

Những quyết định sáng suốt

Henry Ford: Trả lương gấp đôi

Henry Ford

Kể từ khi dây chuyền lắp ráp bị sự cố trong hoạt động, Henry Ford không giữ chân công nhân được nữa. Tốc độ thay thế công nhân là 370%, tức là ông phải thuê 50 ngàn người một năm chỉ để duy trì lực lượng lao động 14 ngàn người.

Henry Ford công bố: Sẽ giảm bớt giờ làm việc từ 9 tiếng xuống 8 tiếng và mức lương là 5 đô la một ngày (gấp hai lần mức lương đang thịnh hành lúc đó là 2,34 đô la). Thông báo này đã làm chấn động nước Mỹ chấn động (năm 1914). Liền đó, ông cũng đề ra tiêu chuẩn để nhận được 5 đô la: công nhân phải giữ gìn tác phong đạo đức tốt, chấp nhận những cuộc viếng thăm tại nhà bởi bộ phận điều tra xã hội của công ty.

Quyết định đó đã giúp Henry Ford thoát khỏi sự mệt mỏi vì sự không ổn định của nhân lực. Ford nâng cao sản xuất hàng loạt xe hơi ra thị trường. Và, lần đầu tiên nhà tư bản có được hợp đồng với công nhân, tạo mối quan hệ khắng khít giữa chủ và thợ.

Reginald Jones: Chọn người không giống mình

nhân, tạo mối quan hệ khắng khít giữa chủ và thợ. Reginald Jones

Jack Welch không có trong danh sách những người kế nhiệm ở General Electric bởi anh quá trẻ, thiếu kiên nhẫn và còn bị tật nói lắp. Đặc biệt Jack Welch là người chống lại chủ trương của General Electric và rất ghét Chủ tịch Reginald Jones.

Nhưng năm 1980, Reginald đã phong cho Jack làm giám đốc điều hành của General Electric. Quyết định chọn người của Reginald đã trở nên nổi tiếng sau đó. Vì thời gian sau Jack đã đưa General Electric thoát khỏi sự khủng hoảng toàn cầu và tiến lên.

Reginald đã nói: “Khi tìm kiếm người kế nhiệm, điều đầu tiên bạn cần làm là đừng tìm người giống mình. Điều thứ hai, bạn nên nhìn vào môi trường phía trước và chọn một người nào đó có thể hòa hợp với môi trường đó, chứ không phải môi trường bạn đang sống”.

Trần Phú An tóm tắt / nhuongquyenvietnam.com

Trần Phú An
Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn